Hàng chục nghìn trẻ 5-11 tuổi đã được tiêm vaccine Covid-19

Tại một số điểm tiêm chủng ở TP.HCM và Hà Nội, phần lớn trẻ phải hoãn tiêm do đã mắc Covid-19 và chưa đủ thời gian 3 tháng.

Tính đến ngày 19/4, nhiều tỉnh, thành phố đã tổ chức tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Mới đây, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (Hà Nội) đã có quyết định phân bổ vaccine phòng Covid-19 đợt 143 gồm 1,3 triệu liều Moderna (tính theo liều 0,25 ml) do Chính phủ Australia viện trợ cho các tỉnh, thành để tiêm vaccine cho trẻ trong nhóm tuổi trên.

Tiến độ tiêm chủng nhanh

Theo quyết định này, TP.HCM được phân bổ 193.800 liều, Hà Nội có 104.000 liều. Các tỉnh thành khác như Thanh Hóa được phân bổ 51.000 liều, Nghệ An 48.600 liều, Bình Dương 28.200 liều, Đồng Nai 44.400 liều, Bà Rịa - Vũng Tàu 13.600 liều, Quảng Ninh 24.000 liều...

Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, trong ngày 18/4, TP.HCM đã tiêm được 32.703 mũi một cho trẻ trong độ tuổi từ 5 đến dưới 12. Như vậy, chỉ sau 3 ngày tổ chức chiến dịch, tổng số lượng mũi tiêm cho nhóm tuổi này của TP.HCM là 52.512.

Về kế hoạch tiêm vaccine phòng Covid-19, Sở Y tế TP.HCM đề nghị đảm bảo bao phủ liều bổ sung, liều nhắc lại cho người từ 18 tuổi trở lên và đủ liều cơ bản cho các trẻ 12-17 tuổi.

Song song đó, thành phố đề nghị tổ chức tiêm tại nhà cho những người gặp khó khăn trong việc di chuyển; tiếp tục tổ chức tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Số lượng vaccine hiện còn ở thành phố (tính đến hết ngày 17/4) là 644.531 liều. Trong đó, AstraZeneca: 18.616 liều, Verocell - Sinopharm: 253.327 liều, Moderna (trẻ em): 75.780 liều và Pfizer: 296.808 liều.

Học sinh lớp 6 ở TP.HCM đăng ký tiêm vaccine phòng Covid-19. Ảnh: Duy Hiệu.

Tại Hà Nội, tính đến chiều 18/4, hơn 25.000 trẻ trong độ tuổi từ 5 đến dưới 12 được tiêm vaccine phòng Covid-19.

Trước đó, bắt đầu từ 16/4, một số quận, huyện đầu tiên ở Hà Nội thực hiện tiêm cho trẻ trong độ tuổi này là: Hà Đông, Phú Xuyên, Sóc Sơn.

Việc tiêm chủng được triển khai theo thứ tự lứa tuổi giảm dần bắt đầu từ học sinh lớp 6, không mắc Covid-19 hoặc đã khỏi bệnh trên ba tháng.

Ghi nhận tại một số điểm tiêm chủng tại TP.HCM và Hà Nội cho thấy nhiều trường hợp hoãn tiêm, phần lớn do trẻ đã mắc Covid-19 và chưa đủ thời gian 3 tháng tính từ khi mắc bệnh.

Bên cạnh đó, trẻ có tiền sử dị ứng, có bệnh cấp tính cũng được hoãn tiêm. Một số trường hợp sau khi khám sàng lọc phải chuyển tiêm tại bệnh viện để đảm bảo an toàn.

Đến ngày 19/4, hai tỉnh Bạc Liêu, Hải Dương cũng bắt đầu chiến dịch này. Như vậy, tại Việt Nam, hàng chục địa phương đã tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em, gồm Quảng Ninh, TP.HCM, Hà Nội, Hà Nam, Lào Cai, Tuyên Quang, Yên Bái, Bình Dương, Cao Bằng...

Theo dõi sát trẻ trong 3 ngày đầu sau tiêm vaccine

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hiền Minh, Phó trưởng đơn vị tiêm chủng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, không chỉ riêng với vaccine Covid-19, với tất cả loại vaccine trẻ em khác thì phản ứng sau tiêm của mỗi trẻ cũng rất khác nhau.

Do đó, giải pháp tốt nhất là phụ huynh theo dõi sát trẻ trong những ngày đầu sau khi tiêm vaccine. Trẻ cần uống nhiều nước, ngủ đủ giấc, ăn theo nhu cầu của trẻ, mặc quần áo thoáng mát rộng rãi, tránh để trẻ bị cảm lạnh.

Ngoài ra, trẻ phải hạn chế vận động, chạy nhảy quá sức trong vòng 3 ngày đầu sau tiêm vaccine. Phụ huynh cũng không nên đắp lá cây hay bôi thuốc gì lạ lên vị trí tiêm.

Trẻ lớp 6 ở TP.HCM được tiêm vaccine Moderna trong ngày 16/4. Ảnh: Duy Hiệu.

Nếu trẻ bị sưng đau nhiều hay sốt, phụ huynh sẽ cho con uống thuốc giảm đau hạ sốt thông thường như Paracetamol với liều lượng 10-15 mg/kg cân nặng của trẻ x 3-4 lần/ngày.

Với vaccine Pfizer, những phản ứng rất thường gặp sau tiêm ở trẻ 5-11 tuổi bao gồm: mệt mỏi (> 50%), đau đầu (> 30%), tấy đỏ và sưng tại vị trí tiêm (> 20%), đau cơ và ớn lạnh (> 10%), sốt (>10%, tần suất cao hơn đối với liều thứ 2).

Với vaccine Moderna, những phản ứng rất thường gặp sau tiêm ở trẻ 6-11 tuổi bao gồm: đau tại vị trí tiêm (98,4%), mệt mỏi (73,1%), đau đầu (62,1%), đau cơ (35,3%), ớn lạnh (34,6%), buồn nôn/nôn mửa (29,3%), sưng/đau ở nách (27.0%), sốt (25,7%), ban đỏ tại vị trí tiêm (24,0%), sưng tại vị trí tiêm (22,3%) và đau khớp (21,3%).

Những phản ứng nghiêm trọng rất hiếm gặp sau tiêm 2 vaccine trên cho trẻ em là viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim và phản ứng phản vệ.

Khi trẻ có những biểu hiện kích thích vật vã, lừ đừ, bỏ bữa, quấy khóc dai dẳng, đau ngực, mệt lả, khó thở, sốt cao khó hạ..., phụ huynh cần nhanh chóng đưa con đến cơ sở y tế gần nhất để được theo dõi.

Bích Huệ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hon-25000-tre-5-11-tuoi-da-duoc-tiem-vaccine-covid-19-post1310663.html