Hàng chục nghìn người dân đã được khám bệnh online

Khám, chữa bệnh từ xa đang dần trở thành xu hướng, giúp giảm quá tải bệnh viện; người bệnh được khám chữa bệnh với các bác sĩ giỏi, đỡ tốn kém, mất thời gian đi lại.

Một buổi hội chẩn trực tuyến giữa Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng. Ảnh: BVCC.

Thực hiện Quyết định số 823 của Bộ Y tế về việc Phê duyệt Kế hoạch triển khai nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa năm 2023, Bộ Y tế đã triển khai nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa (nền tảng VTelehealth), bao gồm chức năng hội thoại truyền hình, chức năng quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân và các tính năng hỗ trợ tư vấn sức khỏe cho người dân qua ứng dụng di động, đồng thời kết nối các thiết bị và hệ thống thông tin tiên tiến để cung cấp các dịch vụ gia tăng lợi ích về sức khỏe cho người dân.

Nền tảng Vtelehealth còn là công cụ để các cơ sở y tế tuyến trên có thể hỗ trợ hội chẩn với các cơ sở y tế tuyến dưới. Nền tảng này cũng giúp người dân tiếp cận dịch vụ khám, chữa bệnh chất lượng hơn, giảm tải cho các cơ sở y tế tuyến trên.

Ông Nguyễn Trường Nam - Phó giám đốc Trung tâm Y tế quốc gia (Bộ Y tế) cho hay, nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa kết nối các cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc. Tại nền tảng này có danh sách bác sĩ tham gia với đầy đủ thông tin bệnh viện, chuyên ngành, quá trình công tác. Điều này giúp người dân tiếp cận được sự tư vấn dễ dàng và nhanh chóng. Thay vì phải cài nhiều ứng dụng tư vấn từ xa thì chỉ cần một ứng dụng đã có thể tiếp cận được với các bác sĩ trên toàn quốc và được tư vấn miễn phí.

“Nền tảng này hỗ trợ người dân được khám, chữa bệnh từ xa tiếp cận được dịch vụ có chất lượng, giảm tải cho cơ sở y tế, thúc đẩy chuyển đổi số. Nền tảng đang hoàn toàn miễn phí”- ông Nam nói.

Còn theo ông Nguyễn Bá Hùng - Phó trưởng phòng phụ trách phòng dịch vụ chuyển đổi số, Trung tâm Thông tin Y tế quốc gia năm 2023, Trung tâm đã triển khai thử nghiệm nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa cho tỉnh Trà Vinh, Khánh Hòa, Vĩnh Phúc và Bệnh viện Nhi Thái Bình.

“Đến nay, nền tảng đã có hơn 1.700 bác sĩ tham gia; hơn 300.000 người dân có hồ sơ trên hệ thống, hơn 260.000 tài khoản được tạo và đã có hơn 15.000 phiên khám tư vấn được thực hiện. Trong đó, tỉnh Trà Vinh hiện là địa phương triển khai VTelehealth mạnh nhất với 67 cơ sở y tế và 300 bác sĩ tham gia, 88.000 người dân có hồ sơ, thực hiện 14.141 phiên khám tư vấn. Ở các địa phương khác, Khánh Hòa có 17 cơ sở y tế, 567 bác sĩ tham gia VTelehealth, với 217.000 người dân có hồ sơ, thực hiện 856 phiên khám tư vấn. Quảng Ninh có 26 cơ sở y tế, 375 bác sĩ tham gia, 423 người dân có hồ sơ, thực hiện 134 phiên khám tư vấn. Dự kiến trong năm 2024, nền tảng sẽ triển khai phối hợp với đối tác ngân hàng tích hợp giải pháp thanh toán viện phí không tiền mặt; tính năng đặt lịch khám và tích hợp đơn thuốc điện tử” - ông Hùng cho hay.

Ngoài khám, chữa bệnh từ xa, thời gian qua Bộ Y tế đã chủ động thực hiện chuyển đổi số toàn diện, bao gồm phát triển các nền tảng y tế số, phát triển Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số trong ngành y tế. Cụ thể, Bộ Y tế đã triển khai các dịch vụ y tế như khám chữa bệnh từ xa, quản lý bệnh không lây nhiễm, xây dựng phần mềm quản lý cho các trạm y tế xã, phần mềm quản lý về dược phẩm… giúp công tác quản trị điều hành của ngành y tế thay đổi. Đồng thời, giảm chi phí về chăm sóc sức khỏe cho người dân, doanh nghiệp.

Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ phát triển dữ liệu số quốc gia tạo nền tảng cho triển khai Chính phủ số, bảo đảm cung cấp dữ liệu số cho các dịch vụ công trực tuyến, chia sẻ dữ liệu thông suốt giữa các cơ quan nhà nước, cung cấp các bộ dữ liệu mở có chất lượng và giá trị khai thác cao. Bộ Y tế cũng sẽ xây dựng và phê duyệt hồ sơ đề xuất cấp độ an toàn hệ thống thông tin và thực hiện các phương án đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng theo quy định.

Đức Trân

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/hang-chuc-nghin-nguoi-dan-da-duoc-kham-benh-online-10277868.html