Hàn Quốc và Trung Quốc tranh giành thị phần nhân sâm tại Việt Nam

Theo Văn phòng đại diện Cơ quan xúc tiến Thương mại - Đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) tại TP.HCM, Việt Nam đã trở thành thị trường nhập khẩu nhân sâm Hàn Quốc lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á, một thị trường mà Trung Quốc đang tích cực theo đuổi để làm xói mòn dần ảnh hưởng của Hàn Quốc.

Thu hoạch nhân sâm tại Hàn Quốc. Ảnh: Nguồn Internet

Theo KOTRA, trong năm 2015 Hàn Quốc đã xuất khẩu tổng cộng 1.362 tấn nhân sâm sang Việt Nam, với tổng giá trị đạt 9,46 triệu USD. Với giá trị trên, Việt Nam đã trở thành thị trường tiêu thụ nhân sâm lớn nhất khu vực Đông Nam Á và lớn thứ 6 trên thế giới của Hàn Quốc. Bên cạnh đó, Việt Nam là thị trường xuất khẩu duy nhất của nhân sâm Hàn Quốc mà cả sản lượng và giá trị đều tăng so với năm trước đó.

So với năm 2010, nhân sâm Hàn Quốc xuất khẩu sang Việt Nam đã tăng đến 93% về sản lượng và 32% về giá trị. Thông qua một cuộc khảo sát thị trường riêng biệt trong tháng 9, KOTRA cho biết, có đến 85% người tiêu dùng Việt đã từng mua các sản phẩm nông nghiệp Hàn Quốc ít nhất một lần, trong đó có đến 29% đã chọn mua nhân sâm, cao hơn nhiều so với con số 18% cho việc mua kim chi.

Một cửa hàng bán các sản phẩm nhân sâm Hàn Quốc tại Việt Nam. Ảnh: Nguồn Internet

Thông qua bản báo cáo, KOTRA còn phân tích sơ qua một số khó khăn của nhân sâm Hàn Quốc tại thị trường Việt Nam trong thời gian tới.

Cụ thể, Trung Quốc tuy là quốc gia đi sau, nhưng hiện tại đã có chỗ đứng tại thị trường Việt Nam nhờ dòng sản phẩm giá rẻ. Trong 5 năm qua, Trung Quốc đã tăng gấp đôi sản lượng xuất khẩu rễ nhân sâm sang Việt Nam và hiện đã chiếm được 28% thị phần; trong khi đó, thị phần nhân sâm Hàn Quốc tại thị trường Việt Nam đã giảm từ 83% xuống còn 55%.

KOTRA còn cho biết, bên cạnh các sản phẩm chính hiệu của mình, một số sản phẩm của Trung Quốc còn được làm giả bao bì của nhân sâm Hàn Quốc để đánh lừa người tiêu dùng.

Ngoài ra, cơ quan này cũng nhận định, việc xuất khẩu của Hàn Quốc có thể bị tổn thương nếu như Việt Nam tiến hành trồng nhân sâm cho riêng mình để giảm sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu.

Cuối cùng, KOTRA đưa ra khuyến cáo “Các công ty Hàn Quốc cần phải chú trọng đến công tác tạo dựng thương hiệu dựa trên yếu tố chất lượng và hình ảnh sang trọng của các sản phẩm".

Minh Luân (Theo Yonhap)

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/han-quoc-va-trung-quoc-tranh-gianh-thi-phan-nhan-sam-tai-viet-nam-d49122.html