Hàn Quốc: Hệ lụy từ khủng hoảng chính trị

Chính trường Hàn Quốc đang trải qua cuộc khủng hoảng nghiêm trọng chưa từng có trong lịch sử. Việc một tổng thống đương nhiệm được dân bầu phải đối mặt với vòng lao lý đã khiến cho xứ sở Kim chi trở thành tâm điểm của dư luận quốc tế suốt 2 tháng qua và đẩy nước này đứng trước những nguy cơ bất ổn chính trị kéo dài suốt năm 2017.

Phiên tòa luận tội Tổng thống Park Geun-hye hôm 5-1.

Trong một diễn biến mới nhất, Chung Yoo-ra, con gái của bà Choi Soon-sil - người bạn thân lâu năm của Tổng thống Park Geun-hye và là nhân vật trung tâm của vụ bê bối hiện nay ở Hàn Quốc - cho biết, không có ý định từ Đan Mạch trở về Hàn Quốc để chịu thẩm vấn về các hoạt động của bà Choi. Chung Yoo-ra bị giữ tại TP Aalborg ở miền Bắc Đan Mạch hồi đầu tuần qua do bị nghi ngờ lưu trú bất hợp pháp và đã bị tạm giữ. Các công tố viên Đan Mạch đã bắt đầu xem xét đề nghị của nhà chức trách Hàn Quốc về việc dẫn độ Chung về nước. Tuy nhiên, Chung có thể kháng nghị bằng cách đưa vấn đề trên ra tòa.

Trước đó, trong phiên luận tội, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye bị cáo buộc vi phạm Hiến pháp khi cùng với bà Choi Soon-sil tống tiền và gây sức ép với các doanh nghiệp, đồng thời để bà Choi can dự vào các công việc của chính phủ. Ngoài ra, nữ Tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc còn bị cáo buộc tắc trách trong việc xử lý thảm họa chìm phà Sewol năm 2014 làm hơn 300 người chết, hầu hết là học sinh. Tòa án yêu cầu các luật sư của Tổng thống làm rõ về sự vắng mặt của bà trong 7 tiếng đồng hồ vào thời điểm xảy ra thảm họa.

Theo Hiến pháp Hàn Quốc, trong trường hợp tổng thống từ chức thì nước này sẽ tiến hành bầu cử tổng thống mới trong vòng 60 ngày sau đó; còn trong trường hợp tổng thống bị luận tội thì Tòa án Hiến pháp sẽ có 180 ngày để phán quyết liệu việc luận tội có hợp lý hay không. Nếu Tòa án Hiến pháp phán quyết rằng việc luận tội là không hợp lý thì tổng thống sẽ trở lại nắm quyền, còn trong trường hợp ngược lại thì tổng thống sẽ chính thức bị cách chức và cuộc bầu cử tổng thống mới sẽ được tiến hành trong vòng 60 ngày kể từ ngày tòa ra phán quyết. Nhiều nhà phân tích cho rằng, nếu Tổng thống Park từ chức ngay bây giờ thì khoảng thời gian 60 ngày là không đủ để đảng cầm quyền chuẩn bị cho cuộc bầu cử, do đó họ nghiêng về phương án luận tội Tổng thống.

Tuy nhiên, dù thời gian bầu cử có lùi lại thì khả năng ứng cử viên của đảng Saenuri cầm quyền có thể giành thắng lợi trong cuộc đua vào chiếc ghế tổng thống là rất thấp vì bê bối của bà Park Geun-hye đã khiến cho nội bộ đảng này bị chia rẽ nghiêm trọng. Do lo ngại tình trạng uy tín của đảng ngày càng tuột dốc không phanh, nhiều nghị sĩ đã tuyên bố rời khỏi Saenuri và thành lập một đảng mới có tên đảng Bảo thủ mới vì cải tổ để tự đề ra ứng cử viên cho cuộc bầu cử sắp tới. Dự kiến, có 50 nghị sĩ của Saenuri sẽ tham gia đảng này. Đây là cú giáng mạnh tiếp theo vào đảng cầm quyền trong bối cảnh lao đao vì "cơn địa chấn" mang tên Park Geun-hye.

Trong khi đó, những thiệt hại kinh tế trong nước phát sinh từ vụ bê bối chính trị có liên quan trực tiếp tới Tổng thống ngày càng cho thấy những dấu hiệu đáng lo ngại. Bộ Tài chính nước này vừa cho biết, dự báo tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc sẽ hạ xuống mức 2,4% trong năm 2017. Dự đoán lần này mà Chính phủ đưa ra thấp hơn 0,4% so với dự đoán công bố hồi tháng 6-2016. Như vậy, triển vọng nền kinh tế Hàn Quốc đang dần đi xuống nếu nhìn vào mức tăng trưởng kinh tế 2,6% trong năm 2015 và dự kiến năm 2016.

Theo Tiến sĩ Kim Chang-bae thuộc Viện Nghiên cứu kinh tế Hàn Quốc, những khoảng trống quyền lực sẽ cản trở quá trình thực thi chính sách, thu hẹp đầu tư kinh doanh, làm chậm quá trình tái cơ cấu và giảm hiệu quả quản lý khủng hoảng. Nếu tình trạng bất ổn chính trị này còn kéo dài, nền kinh tế Hàn Quốc sẽ bước vào giai đoạn khó khăn hơn nữa.

Quỳnh Dương

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/The-gioi/859820/han-quoc-he-luy-tu-khung-hoang-chinh-tri