Hạn hán lan rộng tại Gia Lai, nhiều nơi người dân không có nước sinh hoạt

Nắng nóng kéo dài liên tục tại Gia Lai khiến mực nước nhiều sông suối, ao hồ cạn khô, hạn hán đe dọa khiến nhiều nơi người dân không có nước sinh hoạt. Hiện chính quyền địa phương và ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai đã triển khai nhiều giải pháp cấp bách để ứng phó.

Thôn Đoàn Kết, xã A Yun Hạ, huyện Phú Thiện đang là nơi thiệt hại nặng nề nhất do hạn hán. Đã có hơn 80 ha lúa nước khô cháy nguy cơ bị mất trắng.

Cánh đồng lúa thôn Đoàn Kết, xã A Yun Hạ không có nước tưới

Trước thực tế này, UBND xã A Yun Hạ đã thành lập tổ phản ứng nhanh, cùng với người dân chủ động thuê máy múc nạo vét khơi dòng suối Ia Ake và tận dụng 21 giếng khoan để bơm tưới cứu cây trồng.

UBND huyện Phú Thiện cũng đã có tờ trình gửi UBND tỉnh Gia Lai và các sở, ngành liên quan đề xuất hỗ trợ kinh phí cho địa phương chống hạn, đồng thời đề nghị về lâu dài đầu tư xây dựng trạm bơm điện cho cánh đồng thôn Đoàn Kết.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện cho biết huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát các diện tích mà có khả năng bị hạn và đã bị hạn để hướng dẫn cho người dân để khai thác các nguồn nước hiện có chống hạn và cứu các diện tích hoa màu bị ảnh hưởng.

Cùng với đó chính quyền chỉ đạo rà soát, thống kê những thiệt hại để có chính sách hỗ trợ người dân.

Người dân ở xã Ia Nan, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai phải chắt chiu từng bình nước sinh hoạt

Khô hạn cũng khiến cho hàng nghìn hộ dân sinh sống ở xã biên giới Ia Nan, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai không có nước sinh hoạt. Ông Nguyễn Thanh Kiên, ở thôn Đức Hưng, xã Ia Nan, cho biết, bà con phải đi rất xa để chở nước, mua nước nơi khác về dùng với chi phí đắt đỏ.

“Về nước sinh hoạt hàng ngày của gia đình tôi nói riêng và toàn dân trên địa bàn nói chung rất chi là khó khăn, về mùa khô là coi như ba tháng không có nước sử dụng. Nước đi chở được về vo gạo, hoặc rửa rau xong lại phải tráng lại bằng nước bình, một ngày cũng phải mất tầm cỡ 3 bình nước”, ông Kiên nói.

Vườn cà phê ở thôn Mook Đen, xã Ia Tom, huyện Đức Cơ bị khô cháy

Trước tình hình hạn hán diễn biến phức tạp, ông Nguyễn Chúc, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Thủy lợi Gia Lai cho biết đã triển khai ứng phó nhằm giảm thiệt hại, ưu tiên nước cho những cây trồng có giá trị kinh tế, thực hiện các biện pháp tưới luân phiên, ủ gốc để cứu những cây trồng đến thời kỳ thu hoạch.

"Khai thác hết khả năng tưới của các công trình để phục vụ và nâng cao hiệu quả khai thác công trình thủy lợi để phục vụ diện tích tưới cho bà con”, ông Chúc cho hay.

Nông dân làng Mrông Yố, xã Ia Ka, huyện Chư Păh rầu lòng vì không thể cứu lúa.

Ông Lưu Trung Nghĩa, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Gia Lai thông tin, trước nguy cơ hạn hán trên diện rộng, đơn vị sẽ yêu cầu các thủy điện xả nước để cứu cây trồng.

“Trong tháng 4 này là đỉnh điểm của hạn, chúng tôi phối hợp với Tổng Công ty Phát điện 2 và Công ty Thủy điện An Khê Ka Nak xả nước xuống lưu vực sông Ba để các địa phương chủ động có các nguồn nước để bơm tưới. Chúng tôi cũng đã đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, UBND tỉnh trên cơ sở tình hình thực tế thì đầu tư hoàn thiện các hệ thống kênh mương của các công trình thủy lợi tích trữ được nước nhưng hệ thống kênh mương để khai thác nguồn nước từ các hồ đập còn đang hạn chế.

Tiếp tục việc này là phải bố trí vốn đầu tư công để hoàn thiện hệ thống kênh mương để đảm bảo tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm thì mới giải quyết được vấn đề hạn trên địa bàn của tỉnh và mở rộng sản xuất”, ông Nghĩa nói.

Hoàng Qui/VOV-Tây Nguyên

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/han-han-lan-rong-tai-gia-lai-nhieu-noi-nguoi-dan-khong-co-nuoc-sinh-hoat-post1087070.vov