Hàm lượng CO2 trên Trái đất có thể sẽ vĩnh viễn vượt ngưỡng 400 ppm

Theo những số liệu thống kê từ trước đến nay, tháng 9 thường được ghi nhận là tháng có hàm lượng carbon dioxide trong khí quyển thấp nhất, tuy nhiên, mật độ CO2 của khí quyển Trái đất trong tháng 9 vừa qua lại vượt qua ngưỡng 400ppm (0,04%), và theo các nhà khoa học, sẽ rất khó để lượng CO2 trong hành tinh của chúng ta giảm xuống mức đó một lần nào nữa. Trên biểu đồ, giá trị 400ppm được các nhà khoa học về khí hậu quy ước là vạch màu đỏ không bao giờ được vượt qua, bởi nó cao hơn rất nhiều so với mức 350ppm, vốn được cho là mức an toàn.

Như chúng ta biết, hàm lượng CO2 trong không khí đã tăng đều đặn kể từ khi cuộc cách mạng công nghiệp diễn ra vào cuối thế kỷ 18 - đầu thế kỷ 19. Mặc dù hiệu ứng El Ninõ được cho là “thủ phạm” gây ra vấn đề, chúng ta cũng cần phải lưu ý rằng lượng khí thải của con người đã tăng vọt lên 25%, kể từ khi hiện tượng thời tiết này diễn ra lần cuối cùng vào năm 1997 và 1998.

Ralph Keeling, người giám sát nồng độ CO2 tại Viện Hải dương học Scripps (Mỹ), giải thích: “Có vẻ đã đủ tin cậy để kết luận rằng chúng ta sẽ không được nhìn thấy một giá trị hàng tháng dưới mức 400ppm trong năm nay, hoặc thậm chí là chẳng bao giờ nhìn thấy trong tương lai”. Trong khi đó, Gavin Schmidt - nhà khoa học khí hậu tại NASA cho rằng trong trường hợp lạc quan nhất, khi con người có thể ngừng được việc thải CO2 vào khí quyển như hiện tại, thì hàm lượng của khí này cũng sẽ không bắt đầu giảm, ít nhất là trong vòng 1 thập niên hoặc lâu hơn kể từ đó. Theo quan điểm của tôi, chúng ta sẽ không bao giờ được thấy mức CO2 hàng thắng giảm xuống dưới 400ppm”, Schmidt cho biết.

Kể từ khi cuộc cách mạng công nghiệp bắt đầu, hàm lượng carbon dioxide mà chúng ta thải ra đã khiến cho khí hậu nóng lên khoảng 1°C. Năm nay, ngoài việc đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử, hàm lượng CO2 trong khí quyển thường ở mức tối thiểu vào tháng 9 thì lại vượt quá 400ppm, 2016 còn được ghi nhận là năm nóng kỷ lục.

Cách CO2 di chuyển xung quanh hành tinh của chúng ta

Tại Hội nghị COP21 diễn ra ở Paris hồi năm ngoái, thỏa thuận cuối cùng là bằng mọi giá phải để mức tăng nhiệt độ trên hành tinh không vượt quá 2°C trong thế kỷ này. Kể từ đó, mặc dù đã có một số tín hiệu tích cực khi ngày càng có nhiều nhà lãnh đạo quyết định đầu tư vào năng lượng tái tạo, vẫn còn một chặng đường dài để mọi thứ thay đổi. Để đạt được mục tiêu duy trì nhiệt độ không tăng quá 2°C nói trên, lượng phát thải hàng năm cần phải được cắt giảm thêm 10 tỷ tấn vào năm 2020.

Và mặc dù có thể thực hiện được điều đó, thế giới vẫn đang đứng trước nguy cơ diệt vong của các đảo quốc nhỏ và hàng loạt hậu quả nghiêm trọng sẽ ảnh hưởng đến khắp nơi trên thế giới, từ nhiệt độ nóng cực đoan cho đến hạn hán, lũ lụt ở các vùng ven biển và sự tuyệt chủng của các rạn san hô, tác động tiêu cực đến hệ sinh thái dưới nước.

Tham khảo: Scientific American

Nguồn Tinh Tế: http://tinhte.vn/threads/ham-luong-co2-tren-trai-dat-co-the-se-vinh-vien-vuot-nguong-400-ppm.2646992/