Hải Phòng: Người trồng nấm lao đao

(Dân Việt) - Nhờ trồng nấm, hàng trăm hộ ND ở huyện Tiên Lãng, Hải Phòng đã có của ăn của để. Song, thời gian qua, do mua phải giống nấm dính bệnh, nên năng suất thấp, thậm chí mất trắng khiến nhiều hộ lao đao.

Nấm được trồng ở Tiên Lãng từ những năm 2002, với các giống nấm rơm, nấm sò, nấm mỡ, trong đó chủ yếu là nấm rơm. Nhưng phải đến năm 2008 - 2010, phong trào trồng nấm ở đây mới thực sự nở rộ, với khoảng 200 hộ. Nghề trồng nấm đã tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn người dân, với thu nhập từ 2-3 triệu đồng/người/tháng. Ông Đỗ Như Dũng bên xưởng nấm bị nhiễm bệnh. Đầu tư ít, lãi cao Hiện nấm rơm giá từ 35.000 - 38.000 đồng/kg, nấm sò và nấm mỡ 25.000 - 32.000 đồng/kg. Với diện tích nhà xưởng từ 30- 60m2, 1 tấn nguyên liệu có thể sản xuất được 250 - 300kg nấm/lứa. Với diện tích nhà xưởng khoảng 200m2 có thể thu được 8 triệu đồng/tháng, trong khi đó vốn đầu đầu tư chỉ 20-30 triệu đồng/xưởng. Để khuyến khích phát triển trồng nấm, huyện Tiên Lãng và TP.Hải Phòng đã hỗ trợ 50% chi phí nhà xưởng và giống cho người dân. Nhờ đó, chỉ sau một thời gian ngắn, ở Tiên Lãng đã có hàng trăm xưởng nấm, mỗi tháng xuất ra thị trường khoảng 2,5 tấn nấm. Ông Đỗ Như Dũng, ở khu 8, thị trấn Tiên Lãng, sau 5 năm trồng nấm, với thu nhập 80 triệu đồng/năm, ông không những thoát nghèo mà đã xây được nhà khang trang, mua sắm nhiều vật dụng giá trị. Ông Dũng bày tỏ "Nếu lo được đầu ra, nghề trồng nấm không chỉ giải quyết được việc làm, mà còn tạo bước phát triển mới trong nông nghiệp, tận dụng triệt để nguồn rơm, rạ làm giảm ô nhiễm môi trường". Không chỉ sản xuất nấm ăn, mới đây, UBND huyện Tiên Lãng đã triển khai "Đề án phát triển nấm dược liệu". Theo đó, năm 2012, khoảng 50% lượng rơm, rạ (khoảng 50.000 tấn) sẽ được sử dụng làm nấm; sản lượng nấm các loại đạt khoảng 10.000 tấn/năm, với doanh thu khoảng 100 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 30% lao động. Lao đao vì nấm Kế hoạch là thế, nhưng hiện nấm ở Tiên Lãng đang bí đầu ra do người sản xuất chưa liên kết được với các cơ sở tiêu thụ. Nấm mới chỉ sử dụng ở dạng tươi nên thường bị rớt giá khi vụ mùa rộ. Gần đây, người trồng nấm lại “khóc” vì giống nấm họ mua ở Trung tâm Công nghệ sinh học thực vật (Viện Di truyền nông nghiệp) bị "dính" bệnh lạ, phôi giống thối bốc mùi chua nên không ra nấm, hoặc ra nhưng chỉ lác đác vài cái. Để kiểm chứng thông tin, chúng tôi đến các xưởng nấm. Ông Đỗ Như Dũng buồn rầu cho hay: "Phôi nấm tốt bình thường có mùi thơm và có màu trắng, nhưng gần đây các bịch phôi giống đều có mùi rất lạ, chua và có màu vàng nhạt. Cấy phôi vào rơm, tưới chăm sóc mãi mà chẳng thấy ra nấm. Trước, mỗi tấn nguyên liệu thu được 220-300kg nấm, nhưng nay chỉ được khoảng 60kg". Trước mỗi tấn nguyên liệu thu được 220-300kg nấm, nhưng nay chỉ được khoảng 60kg. Ông Đỗ Như Dũng Cùng chung cảnh với ông Dũng, ông Vũ Văn Cường, thôn Tuần Tiến, xã Kiến Thiết có gần 300m2 xưởng nấm, vào lúc nấm rộ nhất cũng chỉ hái được vài kg/ngày. "Vất vả lắm mới cấy được ít nấm, chăm bẵm suốt ngày đến kỳ hái thì chẳng thấy nấm ra. Cứ đà này chắc tôi cũng đành bỏ nghề" - ông Cường buồn rầu. Không chỉ ông Dũng, ông Cường mà nhiều hộ ở Tiên Lãng mua phải giống nấm kém chất lượng. Công chăm sóc, tiền vay ngân hàng "lãi mẹ đẻ lãi con", khiến nhiều hộ trồng nấm phải bỏ nghề. Trao đổi với chúng tôi, ông Đoàn Văn Cấp - Phó Trưởng phòng NNPTNT huyện Tiên Lãng cho hay: "Bệnh nấm này xảy ra từ tháng 7 đến nay. Đa số các phôi, bịch nấm đều bị thối, những bịch không bị thối thì nấm chỉ phát triển được 1/3 - 2/3 bịch, năng suất đạt khoảng 40%. Có khoảng 200 tấn nguyên liệu dính bệnh "lạ" này và thiệt hại khoảng 3.000 tấn nấm ăn". Ông Cấp cho biết thêm, Trung tâm Công nghệ sinh học thực vật hứa sẽ hỗ trợ số giống bị nhiễm bệnh và đang lấy mẫu nguyên cứu tìm nguyên nhân. Việt Tùng

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/57465p1c34/hai-phong-nguoi-trong-nam-lao-dao.htm