Hải Phòng: Lùm xùm việc tổ chức trải nghiệm dài ngày, sát kỳ thi tốt nghiệp

Trước thông tin triển khai hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường với mức kinh phí 2,8 triệu đồng, lại đúng đợt cao điểm ôn thi tốt nghiệp, nhiều phụ huynh khối 12 Trường THPT Lê Hồng Phong (Hải Phòng) đã lên tiếng.

Phụ huynh phản ứng với học tập trải nghiệm vì không hợp lý

Theo phản ánh từ phụ huynh N.V.T, 52 tuổi (quận Hồng Bàng, Hải Phòng) có con hiện đang học lớp 12 Trường THPT Lê Hồng Phong, Hải Phòng, tại buổi họp phụ huynh học kỳ 1 của lớp, giáo viên chủ nhiệm có triển khai thông báo hoạt động trải nghiệm do nhà trường tổ chức dành cho học sinh khối 12. Cụ thể, hoạt động trải nghiệm này sẽ kéo dài từ 13,14,15/3 tại miền Trung (Nghệ An – Hà Tĩnh - Quảng Bình - Quảng Trị) với chủ đề "Hành trình lịch sử". Kinh phí đóng góp cho hoạt động này là 2,8 triệu đồng/học sinh do nhà trường và bên công ty du lịch phối hợp thực hiện. Phụ huynh nào đồng ý thì đăng ký cho con tham gia.

Giáo viên chủ nhiệm cũng nhấn mạnh ý nghĩa, vai trò của hoạt động này đối với học sinh như: là tiết học thực tế tích hợp một số môn Văn, Sử, Địa, Giáo dục công dân, Giáo dục Quốc phòng an ninh có nội dung nằm trong chương trình học. Theo yêu cầu chuyên môn, nhà tường phải đảm bảo kiến thức đồng đều cho học sinh tham gia, học sinh không có điều kiện trải nghiệm thực tế. Vì vậy, những học sinh không có điều kiện tham gia sẽ được bố trí học tập tại lớp trong những ngày này.

Nhiều phụ huynh không đồng ý với kế hoạch trải nghiệm thực tế dài ngày vào thời điểm dốc sức ôn tập thi tốt nghiệp.

Trước thông báo này, nhiều phụ huynh tỏ ý không hài lòng với kế hoạch trải nghiệm Hành trình lịch sử vì cho rằng chương trình có mấy điểm không hợp lý. Cụ thể, thời điểm đi trải nghiệm (cuối tháng 3) đúng đợt các cháu cuối cấp (lớp 12) dốc sức tập trung ôn thi tốt nghiệp THPT và hoàn thiện các điều kiện để thi tuyển đại học. Việc nhà trường tổ chức chương trình dài đến 3 ngày 2 đêm là mất nhiều thời gian, các cháu sẽ phải nghỉ học ở trường và phải nghỉ nhiều buổi học thêm khác, ảnh hưởng rất lớn đến việc tiếp thu kiến thức.

Một số phụ huynh cho rằng, tiếng là "học tập trải nghiệm" nhưng chương trình này (do các công ty du lịch lữ hành đứng ra tổ chức) giống hệt như một tour du lịch nghỉ dưỡng, kết hợp với dâng hương tâm linh. Cùng với đó, kinh phí cho mỗi cháu cho chuyến đi là 2,8 triệu đồng, một khoản tiền không hề nhỏ đối với thu nhập của những hộ gia đình kinh tế khó khăn. Không cho con đi thì sợ con tủi thân, tiềm ẩn suy nghĩ tiêu cực, mà cho đi thì vừa tốn tiền, vừa chẳng thu nhận được gì nhiều từ việc này. Việc nhà trường tổ chức cho học sinh đi dâng hương, trải nghiệm với số tiền gần 3 triệu đồng thực sự là một gánh nặng với nhiều gia đình.

Chị Lan N. có con đang học tại Trường THPT Lê Hồng Phong chia sẻ: "Con em cũng học Lê Hồng Phong đây. Đầu năm lớp 10 đã tổ chức đi Hòa Bình đóng gần 3 triệu, giờ lại dâng hương. Thiết nghĩ chỉ là đi dâng hương thì đi chỗ nào chẳng được, đây đi những 3 ngày 2 đêm không hiểu để làm gì....".

Một số phụ huynh cũng bày tỏ, mong Sở GD&ĐT xem xét, chỉ đạo làm rõ tính hợp pháp, động cơ, mục đích của việc các trường tổ chức các chuyến đi "học tập trải nghiệm" dài ngày vào dịp đầu xuân.

Không đồng thuận có thể dừng triển khai hoặc chuyển hình thức trải nghiệm

Trước những phản ánh trên, ông Đinh Hồng Tiệp – Hiệu trưởng trường THPT Lê Hồng Phong cho biết: "Trải nghiệm thực tế cho học sinh nằm trong hoạt động ngoại khóa của nhà tường được xây dựng kế hoạch và thông báo rộng rãi tới các phụ huynh ngay từ đầu năm học. Đến kỳ họp phụ huynh học kỳ 1 thì nhà trường mới xây dựng chính thức hoạt động trải nghiệm đi đâu, thời gian như thế nào, cách triển khai... và trường có kết hợp với 1 bên chuyên tour phối hợp thực hiện.

Việc đưa học sinh đi miền Trung cũng căn cứ trên tâm tư nguyện vọng của đa số học sinh trong trường vì nơi đây có 5 địa chỉ đỏ rất ý nghĩa, phù hợp để học sinh đến trải nghiệm thực tế và làm bài thu hoạch sau chuyến đi. Về việc chọn thời điểm tháng 3 để tổ chức là do điều kiện thời tiết miền Trung, nếu đi muộn chút (tháng 4) thì nắng nóng, không đảm bảo sức khỏe cho học sinh tham gia và thời điểm này, nhà trường cũng vừa tổ chức kiểm tra giữa kỳ đối với học sinh lớp 12.

Còn về kinh phí thu 2,8 triệu là phụ thuộc chất lượng tour (các em được ở khách sạn 4 sao, tổ chức Gala…). Hiện, qua đăng ký thì khối 12 đã có hơn 400 học sinh tham gia, chỉ có 60 em không tham gia được thì nhà trường cũng bố trí lịch cắt cử giáo viên dạy các em".

Sở GD&ĐT Hải Phòng nhấn mạnh, nếu không nhận được sự đồng thuận từ phụ huynh thì thông tin rộng rãi cho cha mẹ học sinh, đồng thời, báo cáo Sở dừng hoạt động trải nghiệm ngoài trường theo kế hoạch, chuyển hình thức trải nghiệm trong trường.

Ông Tiệp cũng khẳng định, mỗi khối chỉ tổ chức đi trải nghiệm thực tế bên ngoài nhà trường 1 lần/ năm. Như khối 11 năm nay nhà trường tổ chức đi Hòa Bình, khối 12 đi miền Trung. Để tổ chức hoạt động này, nhà trường đã có tờ trình gửi Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng và được Sở đồng ý.

"Chúng tôi tổ chức chương trình học tập, trải nghiệm cho học sinh lớp 12 dựa trên ý kiến, nguyện vọng của học sinh, tuyệt đối không có việc vận động 100% hay ép buộc học sinh tham gia. Với những em học sinh không tham gia, nhà trường có phương án đảm bảo việc học tập của các em" - ông Tiệp cho biết thêm.

Xung quanh những phản ánh về việc đi trải nghiệm thực tế tốn kém, dài thời gian, không đúng thời điểm… của Trường THPT Lê Hồng Phong, chiều ngày 1/3/2024, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng đã lên tiếng. Theo quy định, hoạt động trải nghiệm của học sinh lớp 12 năm học 2023 - 2024 nằm trong chương trình Giáo dục phổ thông 2006, nội dung Hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, do giáo viên chủ nhiệm dạy.

Bên cạnh đó, nhà trường có tiết hoạt động tập thể để tổ chức toàn khối tham gia. Các nhà trường vận dụng tiết học đó để tổ chức các hoạt động tập thể, trải nghiệm. Khi vận dụng, đơn vị trường học nếu được cha mẹ học sinh đồng thuận, phối hợp sẽ tổ chức hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường; nếu không thì tổ chức hoạt động đó trong nhà trường. Tuy nhiên, Sở GD&ĐT Hải Phòng chỉ đồng ý cho các đơn vị trường học tổ chức hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường khi được sự đồng thuận, phối hợp của cha mẹ học sinh và kinh phí đóng góp phù hợp sức dân.

Nếu vẫn có dư luận về vấn đề kinh phí đóng góp, nhà trường tiếp tục xin ý kiến cha mẹ học sinh. Nếu tiếp tục không nhận được sự đồng thuận thì thông tin rộng rãi cho cha mẹ học sinh, đồng thời, báo cáo Sở dừng hoạt động trải nghiệm ngoài trường theo kế hoạch, chuyển hình thức trải nghiệm trong trường.

Mời quý vị xem thêm video dưới đây:

Lần đầu tiên diễn ra lễ hội khai bút tại Khu tưởng niệm Trạng nguyên Lê Ích Mộc

Minh Lý

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/hai-phong-lum-xum-viec-to-chuc-trai-nghiem-dai-ngay-sat-ky-thi-tot-nghiep-169240301183301141.htm