Hải Phòng: Liên hoan nghệ thuật Đờn ca tài tử kết nối nghệ sĩ hai miền Nam - Bắc

Liên hoan nghệ thuật Đờn ca tài tử mở rộng là sự kiện hưởng ứng Lễ hội Hoa phượng đỏ - Hải Phòng năm 2024 với chủ đề ' Hải Phòng - Bừng sáng miền di sản' và kỷ niệm 69 năm ngày giải phóng Hải Phòng (13/5/1955 - 13/5/2004).

Liên hoan nghệ thuật được được diễn ra trong 2 ngày 9-10/5 tại Sân khấu Quảng trường Nhà hát Thành phố Hải Phòng.

Phát biểu khai mạc Liên hoan nghệ thuật, ông Vũ Gia Thùy, Trưởng đoàn Đoàn Cải lương Hải Phòng cho biết: “Sự kiện nhằm giới thiệu đến khán giả và người dân Thành phố Hải Phòng Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ. Đây là một loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo của người dân Nam bộ, được hình thành và phát triển từ cuối thế kỷ XIX, được tạo ra từ nhạc lễ, nhã nhạc cung đình Huế và kết hợp với các làn điệu dân ca ngọt ngào, sâu lắng của các địa phương, vùng, miền khác nhau của Nam bộ”.

Ông Vũ Gia Thùy, Trưởng đoàn Cải Lương Hải Phòng phát biểu khai mạc Liên hoan. Ảnh: Quỳnh Nga.

Liên hoan nghệ thuật Đờn ca tài tử mở rộng có sự tham gia của 4 đơn vị Nhà hát và Đoàn nghệ thuật tiêu biểu của Sân khấu Cải lương 2 miền Nam - Bắc như: Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang - Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà hát Cải lương Hà Nội và Đoàn Cải lương Hải Phòng. Liên hoan nghệ thuật lần này đánh dấu lần đầu các nghệ sĩ Cải lương 2 miền Nam Bắc hội ngộ trên cùng sân khấu tại Hải Phòng.

Năm 2013, nghệ thuật Đờn ca tài tử đã được tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hiệp quốc UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đây là loại hình nghệ thuật của đàn và ca. Đờn ca tài tử là loại hình diễn tấu có ban nhạc gồm loại là đàn kìm (đàn nguyệt), đàn cò (đàn nhị), đàn tranh, đàn bầu (gọi là tứ tuyệt), đàn tam (đàn độc huyền), sáo... Về sau này, có cách tân bằng cách thay thế độc huyền cầm bằng cây guitar phím lõm.

Các nghệ sĩ cải lương biểu diễn mở đầu Liên hoan. Ảnh: Quỳnh Nga

Nền tảng của các bài bản của đờn ca tài tử là 20 bản tổ (6 Bắc, 3 Nam, 4 Oán, 7 Bài), dân gian thường gọi là 3 Nam, 6 Bắc, 4 Oán, 7 bài. Giới đờn ca tài tử còn chia bài bản tài tử ra thành 10 loại, đồng thời lưu truyền câu đối: “ Thức thời tối thiểu làu thông nhị thập huyền tổ bản; Quán thế thậm đa lịch luyện thất thập nhị huyền công”, nghĩa là người hiểu biết về đờn ca tài tử không chỉ am tường tối thiểu 20 bản tổ mà còn phải biết thông suốt 72 bài bản khác nhau. Và sự ra đời của bản “Dạ cổ hoài lang” là cội nguồn của nghệ thuật Cải lương sau này.

Sân khấu được dàn dựng với hình ảnh 5 loại nhạc cụ đặc trưng của Đờn ca tài tử. Ảnh: Quỳnh Nga

Hình ảnh 1 vở diễn trong Liên hoan nghệ thuật. Ảnh: Quỳnh Nga

Liên hoan nghệ thuật Đờn ca tài tử mở rộng, các nghệ sĩ cải lương mang tới khán giả bản hòa tấu Đoản khúc lam giang, Phú Lục, Tây Thi, Nam Xuân, Nam Ai, Nam Đảo… làn điệu vọng cổ Dạ cổ hoài lang, Dòng sông quê em, hòa tấu dàn nhạc Lưu thủy trường. Đặc biệt là trích đoạn “Cung phi Điểm Bích”, câu chuyện kể về Vua Trần Anh Tông vì không tin Lý Đạo Tái đã từ bỏ mọi chức tước, quyền uy lên núi tu hành, Người đã cử Cô Cung nữ tài sắc vẹn toàn là Cung phi Điểm Bích lên núi Yên Tử để thử thách vị chân tu, nhưng Cung phi Điểm Bích đã thất bại trước Đức độ sáng trong của người.

Đại diện ban tổ chức trao cờ lưu niệm cho các đơn vị tham dự Liên hoan. Ảnh: Quỳnh Nga

Trước đó, cũng tại Sân khấu Quảng trường Nhà hát Thành phố Hải Phòng đã diễn ra Liên hoan Múa rối Hải Phòng mở rộng lần thứ 2 với chủ đề “Hải Phòng - Sắc màu di sản”. Sự kiện quy tụ các nhà hát múa rối hàng đầu Việt Nam như: Nhà hát Múa rối Việt Nam, Nhà hát Múa rối Thăng Long (Hà Nội); Đoàn nghệ thuật Sen Việt; Đoàn Múa rối thuộc Nhà hát nghệ thuật tỉnh Ninh Bình; Nhà hát Múa rối Quảng Ninh; đội chủ nhà Đoàn Nghệ thuật Múa rối Hải Phòng; cùng sự có mặt của các phường rối cổ như: Nhân hòa, Đồng Minh (huyện Vĩnh Bảo), Đào Thục (Đông Anh, Hà Nội), Luy Lâu (Bắc Ninh), Phú Thọ... cùng nhiều thể loại: rối nước, rối dây, rối que, rối mặt nạ, rối đội lốt, rối chân, rối bụng...

Liên hoan Đờn ca tài tử thu hút đông đảo người dân thành phố. Ảnh: Thanh Tân.

Hướng về kỷ niệm 69 năm ngày giải phóng Hải Phòng và Lễ hội Hoa phượng đỏ, các hoạt động lớn có ý nghĩa về văn hóa xã hội của thành phố trong dịp này đều bám sát chủ đề Lễ hội nhằm làm bừng sáng lên một miền di sản. Các sự kiện được diễn ra tại nhiều khu vực quận, huyện trên thành phố như: Lễ trao nhận Quyết định, Bằng xếp hạng Di tích quốc gia Đền thờ Lê Khắc Cẩn, huyện An Lão (tại Di tích quốc gia Đền thờ Lê Khắc Cẩn, huyện An Lão); Trưng bày Bảo vật quốc gia (tại Bảo tàng Hải Phòng); Triển lãm “Hải Phòng - Bừng sáng miền di sản” (tại Trung tâm Chính trị - Hành chính Bắc sông Cấm); Trình diễn di sản văn hóa phi vật thể của thành phố Hải Phòng được UNESCO ghi danh (tại Quảng trường Nhà hát thành phố); Chương trình "Không gian văn hóa đình làng Hải Phòng xưa" (tại Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia Đình Hàng Kênh); Trưng bày triển lãm sách, báo chủ đề: “Sách kết nối quá khứ - hiện tại - tương lai” (tại Thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố); Trưng bày ảnh nghệ thuật, mỹ thuật với chủ đề “Hải Phòng - Kết nối miền di sản” (tại Trung tâm văn hóa thành phố); Biểu diễn Võ thuật cổ truyền và biểu diễn các môn Kéo co, Đẩy gậy; Lễ hội áo dài năm 2024 với chủ đề “Về miền di sản cửa biển” ...

“Với đa dạng các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao, Hải Phòng đang tạo ra một không gian văn hóa sắc màu vui tươi, thể hiện lời mời gọi, chào đón “Về với miền di sản” tới bạn bè, du khách trong nước và quốc tế, bà Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng chia sẻ.

Quỳnh Nga

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/hai-phong-lien-hoan-nghe-thuat-don-ca-tai-tu-ket-noi-nghe-si-hai-mien-nam---bac-d214813.html