Hải Phòng: Bất chấp nắng nóng, hàng nghìn người đổ về Đồ Sơn xem 16 ông trâu thi đấu

Sáng nay, 23/9 (tức 8/9 âm lịch), mặc dù thời tiết nắng nóng, oi bức nhưng từ rất sớm, hàng nghìn người đã đổ về Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2023 để được xem 16 ông trâu tranh tài.

Hàng nghìn người đổ về khu vực trung tâm quận Đồ Sơn từ rất sớm. Ảnh: Tuệ Nhi

Theo ghi nhận của Công dân và Khuyến học, từ sáng sớm, lượng người đổ về khu vực sân vận động Trung tâm quận Đồ Sơn đã rất đông. Trong dòng người đổ về không chỉ người dân Hải Phòng mà còn ở rất nhiều tỉnh, thành khác về trực tiếp xem môn thi đấu truyền thống này. Nhiều gia đình đưa cả trẻ em tới xem.

Tại cửa vào sân vận động Trung tâm nơi diễn ra Lễ hội chọi trâu. Ảnh: Tuệ Nhi

Anh Trần Văn Hùng (45 tuổi, ở Nam Định) cho biết, gia đình anh gồm 4 người xuất phát từ 4h sáng để kịp tới xem. Đây không phải là lần đầu anh Hùng đưa gia đình về Đồ Sơn xem chọi trâu, cả gia đình cùng đam mê xem môn thi đấu này.

Anh Nguyễn Quang Anh (36 tuổi, ở Hà Nội) cho biết, lễ hội chọi trâu Đồ Sơn rất ấn tượng, hấp dẫn với anh, nhiều năm trước anh đã từng được xem chọi trâu, tuy nhiên do đi làm ăn xa nên năm nay anh mới thu xếp thời gian quay trở lại xem và cổ vũ. Do háo hức nên anh Quang Anh đã có mặt ở khu vực Trung tâm quận Đồ Sơn từ 6h sáng.

Điều tiết giao thông tại khu vực trung tâm. Ảnh: Tuệ Nhi

7h sáng, các khu vực chính đã chật kín người.

Mặc dù các khu vực này đều có mái che nhưng do trời nắng khiến du khách phải sử dụng quạt giấy, ô, mũ để giảm thiểu nắng nóng oi bức.

Đưa các ông trâu vào sân. Ảnh: Tuệ Nhi

Theo Ban tổ chức, Lễ hội năm nay có 16 ông trâu thuộc 6 phường trên địa bàn quận Đồ Sơn đăng ký tham gia. Trong đó có ông trâu nặng tới 1,3 tấn, được đánh giá là trâu chọi lớn nhất từ trước tới nay tại lễ hội này.

An ninh được siết chặt. Ảnh: Tuệ Nhi

Từ trước đó, để đảm an toàn cho du khách đến với lễ hội, Ban tổ chức đã yêu cầu các phường phải thường xuyên kiểm tra, giám sát từng ông trâu. Trong trường hợp phát hiện có biểu hiện hung dữ, tấn công người phải kiên quyết loại khỏi danh sách và chủ động phương án thay thế.

Từ sớm, khán đài đã kín chỗ bất chấp nắng nóng, oi bức. Ảnh: Tuệ Nhi

Đồng thời, để đảm bảo lễ hội diễn ra thành công, an toàn, Ban tổ chức sẽ đảm bảo đúng quy chế, quy định về quản lý tài chính, chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ công tác giết mổ và bán thịt trâu chọi...

Khu vực khai hội. Ảnh: Tuệ Nhi

Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2012.

Mặc dù trải qua thời gian có sự biến đổi song Lễ hội vẫn được duy trì, tồn tại song song cùng đời sống văn hóa tinh thần của người dân Đồ Sơn từ nhiều năm nay.

Lễ hội là sự giao thoa giữa các yếu tố văn hóa nông nghiệp của cư dân miền biển với cư dân vùng đồng bằng, tưởng nhớ công ơn các vị thần, cầu nguyện quốc thái dân an. Mặc dù trải qua thời gian có sự biến đổi song Lễ hội vẫn được duy trì, tồn tại song song cùng đời sống văn hóa tinh thần của người dân Đồ Sơn từ nhiều năm nay.

Tuệ Nhi

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/hai-phong-bat-chap-nang-nong-hang-nghin-nguoi-do-ve-do-son-xem-16-ong-trau-thi-dau-17923092309041906.htm