Hai người mẹ liệt sĩ thắp hương chung một nấm mộ con

Đoạn trường hai người mẹ đi tìm hài cốt của con khi hi sinh trên chiến trường được kể lại với những gian nan khó có thể tưởng tượng hết.

Mới đây câu chuyện được phát sóng trên truyền hình về hành trình 2 người mẹ liệt sĩ đi tìm hài cốt của con với nhiều gian nan, nước mắt và sự hi sinh đã khiến người xem xúc động. Đây là câu chuyện xúc động được phát sóng trên VTV Đặc biệt với tiêu đề Đường về nhân ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7/2019.

Câu chuyện kể về mẹ Lưu Thị Hinh và mẹ Hà Thị Xuân cùng ở Ninh Bình có hai người con cùng tên, cùng quê quán, nhập ngũ cùng năm, hi sinh cùng năm chỉ khác nhau họ và tên đệm.

Năm 2002, mẹ Lưu Thị Hinh ở Ninh Bình sau quá trình tìm hài cốt của người con trai liệt sỹ Đinh Duy Tuân, đã an táng con trai ở nghĩa trang Dốc Bà Đắc, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Đến tháng 6/2018, khi gia đình mẹ tới thăm mộ con thì hay tin gia đình mẹ Hà Thị Xuân, ở cùng quê, đã chuyển mộ con của bà về Ninh Bình cách đây 8 năm.

Mẹ Lưu Thị Hinh nghẹn ngào đi tìm con

Một sự nhầm lẫn trớ trêu và nghiệt ngã. Hai liệt sĩ trùng tên, nhập ngũ cùng một ngày, một năm. Và do công tác lưu trữ hồ sơ thông tin về liệt sĩ của các phòng, ban quản lý có những nhầm lẫn về họ, tên đệm, ngày tháng hi sinh đã dẫn đến sự nhầm lẫn nghiêm trọng này.

Điều này dẫn tới việc cả hai mẹ đều được thông báo đây là hài cốt của người con liệt sĩ đã hi sinh trong thời chiến. Hai bà mẹ ngoài 80 tuổi gần đất xa trời rơi vào hoàn cảnh vô cùng trớ trêu. Không ai trong hai bà biết người nằm dưới nấm mộ kia có phải con trai của mình hay không.

Mẹ Lưu Thị Hinh nghẹn ngào khăn gói tới nhà mẹ Hà Thị Xuân, xin được đưa hài cốt con lên để xét nghiệm ADN xem, liệu có phải hài cốt nằm dưới nấm mồ đó là con trai mình. Nếu đúng thì mẹ Hinh xin đươc đưa con về để thờ cúng.

“8 năm thờ nấm mồ không!” mẹ Hinh nghẹn ngào rơi nước mắt.

Mẹ Hà Thị Xuân thắp hương trước nấm mộ con

Đối diện mẹ Hinh, mẹ Xuân, ở tuổi gần đất xa trời, giằng xé tâm can, bây giờ chấp nhận cho người ta đưa con lên hay sao? Nhưng nếu không đưa hài cốt con lên để xét nghiệm ADN thì mẹ cũng không yên lòng bởi biết đâu hài cốt dưới đó thực sự không phải là con mình. Đó là một quyết định khó khăn đối với mẹ Xuân bởi “con chết rồi cũng không được yên!”. Nghẹn ngào nước mắt, sau nhiều ngày đau khổ, mẹ Hà Thị Xuân nén đau thương để tìm ra sự thật.

Buổi sáng hôm sau đó, 2 mẹ đứng trước nấm mộ người con chung, rơi nước mắt nghẹn ngào chứng kiến người ta đưa hài cốt con lên, từng âm thanh đập vỡ chiếc bia mộ, những nắm đất được bốc lên như cào xé tâm can 2 người mẹ. Nước mắt cứ thế rơi. Nỗi đau nào hơn thế, con đã hi sinh chiến trường bom đạn, khi nằm trong lòng đất lại chẳng thể an yên.

Hai người mẹ trước tấm bia mộ người con liệt sĩ

Điều trớ trêu là dù ngày nay có công nghệ xét nghiệm ADN hỗ trợ nhưng khi thời gian trôi đi 40 - 60 năm, những bộ hài cốt liệt sĩ do chịu tác động của thời tiết và con người đã bị suy giảm chất lượng, không thể giám định. Khoa học hiện đại cũng chẳng thể xác nhận con nằm dưới 3 tấc đất ấy là con của mẹ Xuân hay mẹ Hinh. Kết quả ấy đã đẩy 2 người mẹ vào tình huống đau lòng, nghiệt ngã.

Thế nhưng, vượt lên tất cả đau thương ấy, mẹ Xuân nghẹn ngào nắm tay mẹ Hinh: "Không phải con nhà bà, thì là con nhà tôi, cũng đều vì nước vì dân mà các anh hy sinh cả". Câu nói xúc động của mẹ Xuân khiến người xem không thể không rơi nước mắt. Hai mẹ đã đi tới quyết định khiến hàng triệu người xúc động, con là con chung, hai mẹ cùng nhau thờ cúng. Vậy là, từ những đau thương, hai mẹ đã có một sự kết nối kỳ diệu. Từ đó, cứ tới ngày giỗ, hai mẹ cùng nhau ra mộ con, cùng thắp những nén hương, những bông cúc, cùng gọi tên con chung trong sự thương tiếc nhưng cũng là niềm tự hào con hi sinh vì dân vì nước.

Hai người mẹ dặn dò nhau "thắp hương cho con mình"

Hai bà mẹ rơi vào hoàn cảnh khó xử nhưng đã đưa một quyết định mà không phải một người mẹ nào cũng có thể giải quyết thấu đáo, thấu tình, đạt lý. Đó là cách ứng xử đầy nhân văn, cao thượng của con người với con người, và để lại nhiều suy ngẫm với những người có hoàn cảnh tương tự.

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/hai-nguoi-me-liet-si-thap-huong-chung-mot-nam-mo-con-d146207.html