Hai mẹ con suýt mất mạng vì bình nóng lạnh nổ và lời cảnh báo cho các gia đình

Bật bình nóng lạnh được khoảng 10 phút, chị H. tranh thủ đi lấy quần áo để tắm cho con. Nhưng ngay khi vừa bước chân vào nhà tắm chuẩn bị xả nước thì chị hoảng hồn vì bình chập điện nổ cháy khét, đen cả một góc nhà tắm.

Liên tiếp các vụ nổ bình nóng lạnh và lời cảnh tỉnh cho các gia đình

Bình nóng lạnh là vật dụng không thể thiếu trong mỗi gia đình hiện nay. Thế nhưng một thiết bị tưởng như "vô hại" này lại có thể gây họa cho người dùng bất cứ lúc nào.

Mới đây, vào ngày 24/10 vừa qua, một bà mẹ có tên là Bùi H. đã chia sẻ về vụ chập nổ bình nóng lạnh của gia đình mình khiến ai cũng phải giật mình.

Hình ảnh bình nóng lạnh chập nổ nhà chị H.

Hình ảnh bình nóng lạnh chập nổ nhà chị H.

Theo chị H: "Trước giờ chỉ nghe chập bình nóng lạnh trên mạng vậy mà hôm nay bình nóng lạnh đã chập điện ngay tại nhà em.

Em bật bình được 10 phút, đi lấy quần áo chuẩn bị tắm cho cu Bi, vừa bước chân vô chuẩn bị xả nước thì bình chập điện nổ bụp. Em vội ôm con chạy ra ngoài kêu hô người trong nhà gạt cầu dao tổng. Điện nổ sáng cả góc nhà tắm, mùi cháy khét và đen cả một góc nhà. Thầm cảm ơn Trời Phật đã thương gia đình em và mọi người không sao hết".

Cũng qua sự việc, chị H nhắn nhủ: "Các bố mẹ lưu tâm, hãy bật bình trước khi tắm 15 phút và ngắt điện bình nóng lạnh trước khi tắm để bảo toàn tính mạng, sức khỏe cho cả gia đình".

Bài viết của chị H. nhanh chóng nhận được hàng nghìn lượt bình luận, chia sẻ từ cộng đồng mạng.

Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra trường hợp chập nổ bình nóng lạnh. Trước đó, một sự việc tương tự đã xảy ra vào ngày 14/4 mới đây.

Được biết, chị Phạm Thị Bích N. (24 tuổi, ngụ phường 5, TP Vũng Tàu) cầm vòi hoa sen trong phòng tắm thì bị điện rò rỉ từ bình nước nóng đang mở giật bất tỉnh.

Nghe tiếng động mạnh, anh Nguyễn Xuân Bảo P. (34 tuổi, chồng chị Ngoan) đập cửa chạy vào xem cũng bị nước nhiễm điện dưới sàn giật té ngã. Bà Tôn Nữ Thị Chung, mẹ anh Phước, lao vào cứu vợ chồng con trai cũng bị điện giật.

Ít phút sau chị Ngoan tỉnh lại kêu cứu. Bố chồng chị đang nằm ngủ ở phòng ngoài liền ngắt cầu dao điện, đưa cả ba đi cấp cứu. Tuy nhiên bà Chung và anh Phước đã tử vong trước đó

Hình ảnh chị Đỗ Thị Bích Thuận đang chỉ hiện trường nơi bố chị và em dâu bị điện giật chết.

Còn nhớ một vụ tai nạn đau lòng tương tự như trên do bình nóng lạnh hở điện đã xảy ra vào hồi 24/1/2014 tại khu 5 thôn Sơn Vi, xã Sơn Thủy, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ khiến cho chị Phạm Thị Nga (SN 1975) và ông Đỗ Đình Khôi (SN 1945) tử vong tại chỗ.

Theo đó, chị Nga bị giật điện vì bình nóng lạnh khi đang đi tắm. Nghe thấy tiếng con dâu kêu cứu, ông Khôi từ trên nhà lao xuống ứng cứu và cũng bị điện giật chết tại chỗ.

Nguyên nhân nào khiến bình nóng lạnh phát nổ

Hầu hết các loại bình nóng lạnh trên thị trường khi mới sử dụng đều không xảy ra sự cố bởi các thiết bị còn mới và đầy đủ các hệ thống an toàn. Tuy nhiên, trong quá trình lắp đặt và sử dụng, bình nóng lạnh có thể đứng trước nguy cơ rò rỉ điện, chập cháy nổ nếu không được người sử dụng chú ý.

Trên thực tế, bộ phận an toàn ở hệ thống bình nóng lạnh điện bao gồm: van một chiều và van an toàn được chế tạo chung một khối tránh nước trong bình tăng do nhiệt độ nước trong bình tăng. Van an toàn dùng để xả hơi, nước trong bình nếu gặp phải trường hợp rơ le nhiệt độ hỏng làm thanh đun nước bị áp lực quá lớn trong bình, tránh cho bình khỏi bị nổ.

Thiết bị rơ le có chức năng điều chỉnh nhiệt độ nước, có tác dụng điều chỉnh nhiệt độ theo yêu cầu của người sử dụng. Rơ le này sẽ tự đống đóng, ngắt mở nguồn điện để đun hoặc dừng đun nước theo nhiệt độ được cài đặt.

Cấu tạo và nguyên lý hoạt động như thế, nhưng về thực tế thì vẫn dễ xảy ra các tại về điện khi sử dụng bình nóng lạnh. Đặc biệt, khi thời gian sử dụng lâu thì bình rất dễ hỏng hóc và gặp sự cố. Lúc này, lớp cặn bám vào thanh điện trở do dùng lâu ngày cũng làm giãn nở gây nứt vỡ vỏ thanh điện trở và rò điện ra nước.

Một nguyên nhân khác cũng có nguy cơ xảy ra cao như là vỏ thanh điện trở bị ăn mòn làm thủng ống điện sẽ rò theo nước chảy khiến người sử dụng bị giật.

Cách khắc phục hiện tượng cháy, nổ khi dùng bình nóng lạnh

Tai nạn khi dùng bình nóng lạnh là điều ai cũng có thể gặp phải nếu không lắp đặt và cẩn trọng khi sử dụng. Một số nguyên tắc cần nhớ khi sử dụng bình nóng lạnh như sau:

1, Cần kiểm tra định kỳ

Cần lắp đặt thêm hệ thống chống giật, chống cháy nổ và kiểm tra định kỳ bình nóng lạnh (Ảnh minh họa)

Việc kiểm tra định kì các thiết bị điện trong gia đình rất quan trong. Ngay cả thiết bị bình nóng lạnh cũng vậy, đặc biệt khi thiết bị hoạt động trong môi trường ẩm.

Nên kiểm tra thường xuyên xem bình nóng lạnh có bị rò rỉ điện hay bị lỏng các bộ phận hay không. Phát hiện kịp thời xem có rò rỉ điện, nước ở khớp nối giữa các bộ phận và đưa ra phương pháp xử lý nhanh chóng. Điều này cũng chứng tỏ hệ thống bình nóng lạnh đang bị hở dẫn đến nổ bình. Vệ sinh đầu vòi sen, nguồn cấp nước mỗi tháng 1 lần.

2, Giám sát khi thợ lắp đặt thiết bị

(Ảnh minh họa)

Đa số, người Việt Nam thường “phó mặc” các việc lắp đặt các thiết bị cho các thợ lắp đặt. Thực tế, nguyên nhân xảy ra các sự cố hỏng hóc thường gặp phải là do có vấn đề ở khâu lắp đặt. Vì thế bạn nên giám sát và kiểm tra kỹ khâu lắp đặt để bảo vệ quyền lợi và sự an toàn của mình và người thân gia đình.

Khi lắp cần chú ý lắp đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất, chọn đúng loại dây phù hợp với công suất có chất lượng tốt để tránh bị quá tải, dẫn đến sự cố cháy chập điện. Dây dẫn cần thích hợp với nhu cầu của thanh đun, aptomat để chịu được công suất yêu cầu.

Với nguyên nhân nữa mà làm bình nóng lạnh rò điện là khả năng rò điện ra vỏ của rơ le nhiệt độ. Vì thế, muốn có an toàn thì nhất thiết phải dùng dây nối đất. Cách tốt nhất để đảm bảo an toàn cho bạn và gia đình là bật bình nóng lạnh trước khi tắm 15 phút sau đó tắt bình rồi mới sử dụng

3, Lắp đặt thêm hệ thống chống giật và chống cháy nổ

Trên thị trường có nhiều loại máy có khả năng chống giật, chống bỏng, chế độ bảo hành tốt lắp đặt hệ thống ELCB chống giật, được đặt trong máy hoặc phía ngoài, nối với nguồn điện. Nếu xảy ra hiện tượng rò điện hoặc xung điện, hệ thống này sẽ tự ngắt nguồn, bảo vệ cho cả người, cả thiết bị. Thông thường, các sản phẩm có trang bị hệ thống an toàn này có mức giá cao hơn.

Nếu bình nhà bạn không có hệ thống này thì bạn cần lắp ngay hệ thống chống giật bằng các đơn giản nhất là nối dây tiếp đất để đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình.

Phạm Hậu (th)

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/hai-me-con-suyt-mat-mang-vi-binh-nong-lanh-no-va-loi-canh-bao-cho-cac-gia-dinh-20161025141934752.htm