Hai lợi thế để phát triển dược liệu ở Việt Nam

PGS.TS. Trần Văn Ơn, nguyên Trưởng bộ môn thực vật, Đại học Dược Hà Nội cho rằng Việt Nam có hai lợi thế cực kỳ lớn về số lượng cây thuốc trong tự nhiên và tri thức sử dụng cây thuốc của các dân tộc.

Việt Nam là thị trường lớn về tiêu thụ dược liệu

Theo thống kê của Viện Dược liệu, Việt Nam đã ghi nhận trên 5.000 loài thực vật và nấm, 408 loài động vật và 75 loại khoáng vật có công dụng làm thuốc. Trong số những loài đã công bố, có nhiều loài được xếp vào loại quý hiếm trên thế giới như: tam thất hoang, bách hợp, thông đỏ, sâm Ngọc Linh... Đặc biệt, sau gần 30 năm triển khai, công tác bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn cây thuốc đã đạt những kết quả nhất định. Đến nay, ngành y tế Việt Nam đã duy trì mạng lưới bảo tồn nguồn gen tại 7 vùng sinh thái gồm: vùng Đồng bằng Sông Hồng (Hà Nội), vùng trung du phía Bắc (Tam Đảo), vùng núi cao phía Bắc (Lào Cai), vùng Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa), vùng Tây Nguyên (Đà Lạt), vùng Duyên hải Nam Trung Bộ (Phú Yên) và vùng Đông Nam bộ (TP. Hồ Chí Minh).

Tài nguyên dược liệu ở Việt Nam rất phong phú và đa dạng.

Hiện thị trường tiêu thụ dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu của Việt Nam là rất lớn. Hệ thống khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền hiện có hơn 60 bệnh viện y học cổ truyền công lập; hơn 90% bệnh viện đa khoa tỉnh có bộ phận y học cổ truyền; khoảng 80% trạm y tế xã có hoạt động khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền và gần 7.000 cơ sở hành nghề y học cổ truyền tư nhân sử dụng dược liệu trong khám chữa bệnh...

Sở hữu tiềm năng lớn, thị trường lớn và nhu cầu lớn, nhưng ngành dược liệu được đánh giá có giá trị hàng tỷ USD của Việt Nam đang thua thiệt ngay trên sân nhà. Lý do thua đau trên sân nhà theo PGS. TS Trần Văn Ơn lý giải, nhìn chung dù có nhiều cố gắng nhưng chúng ta vẫn đang sản xuất theo kiểu manh mún, nhỏ lẻ, thiếu nguồn giống tốt, thiếu công nghệ trồng trọt và phân bón thích hợp với từng loại cây thuốc, thiếu công nghệ sơ chế/chế biến sau thu hoạch đồng thời cơ chế chính sách hỗ trợ chưa đủ…

Hậu quả là mỗi năm nước ta tiêu thụ khoảng 50 - 60 nghìn tấn các loại dược liệu khác nhau, sử dụng vào việc chế biến vị thuốc y học cổ truyền, nguyên liệu ngành công nghiệp dược hoặc xuất khẩu. Song, nguồn dược liệu tự cung cấp trong nước chỉ chiếm khoảng 20 – 25%, còn lại là nhập khẩu và nhập lậu từ Trung Quốc.

Điều đáng nói, vì thị trường lớn, nhu cầu lớn, lợi nhuận lớn nên tình trạng nhập lậu dược liệu kéo dài qua nhiều năm cho tới nay cũng chưa có "thuốc chữa". Những năm gần đây cơ quan chức năng liên tục bắt giữ những vụ nhập lậu dược liệu với số lượng rất lớn, chủ yếu hàng lậu được đánh về từ Trung Quốc qua các ngả đường khác nhau. Trước thực trạng thị trường dược liệu bị chèn ép rất mạnh từ nguồn hàng nhập lậu không đảm bảo chất lượng, người tiêu dùng có ít cơ hội tiếp cận các sản phẩm chất lượng, an toàn cho sức khỏe, những năm gần đây nhiều doanh nghiệp Việt đã dần chuyển sự quan tâm, chú ý của mình sang lĩnh vực dược liệu.

Xây dựng chiến lược phát triển thị trường dược liệu Việt Nam

Nhu cầu dược liệu của thế giới khoảng 200-300 tỷ USD, nhưng Việt Nam chưa có doanh nghiệp nào tham gia được vào thị trường tiềm năng này. Xuất khẩu dược liệu của Việt Nam mới chỉ dừng ở vài trăm triệu USD/năm. Để phát triển ngành kinh tế dược liệu, cần lựa chọn những loài cây dược liệu để làm "Quốc dược" và cần được nhà nước hỗ trợ từ nghiên cứu khoa học, giống đến thị trường…

Theo PGS.TS Ơn, muốn phát triển ngành kinh tế được liệu, cần 2 yếu tố cấu thành: nguồn tài nguyên cây và tri thức. Việt Nam có khoảng 5000 loài cây thuốc cho thấy vô cùng đa dạng về nguồn gen cây dược liệu. Về tri thức, chúng ta có 54 dân tộc khác nhau với những cách chế biến và sử dụng dược liệu rất khác nhau. Ví dụ, người Dao nổi tiếng với những sản phẩm được liệu dùng để tắm; người Mường thì có nhiều đồ uống thảo được.

Chỉ ra nhiều điểm yếu của ngành dược liệu Việt Nam, PGS.TS Ơn cho rằng trước hết, chúng ta không có định hướng thị trường tốt và rõ ràng, cả về khối lượng và tiêu chuẩn sản phẩm đều thiếu. Tiếp đến, Việt Nam thiếu công nghệ lõi cho chế biến dược liệu, đặc biệt là công nghệ chiết xuất. Khi có sản phẩm rồi, thì kênh bán hàng vẫn còn lờ mờ, vẫn chưa xây dựng được chiến lược thị trường.

"Muốn phát triển ngành kinh tế được liệu, cần 2 yếu tố cấu thành: nguồn tài nguyên cây và tri thức. Việt Nam có khoảng 5000 loài cây thuốc cho thấy vô cùng đa dạng về nguồn gen cây dược liệu. Về tri thức, chúng ta có 54 dân tộc khác nhau với những cách chế biến và sử dụng dược liệu rất khác nhau. Việt Nam thiếu công nghệ lõi cho chế biến dược liệu, đặc biệt là công nghệ chiết xuất. Khi có sản phẩm rồi, thì kênh bán hàng vẫn còn lờ mờ, vẫn chưa xây dựng được chiến lược thị trường".

TS. Vũ Văn Thoại, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện nghiên cứu cây Đàn hương và Thực vật quý hiếm, nhấn mạnh ngành được liệu Việt Nam đang thiếu rất nhiều, từ chính sách vĩ mô đến hành động cụ thể. Chúng ta cần phải thay đổi, từ trồng dược liệu sang quan điểm phát triển kinh tế dược liệu. "Ở nước ngoài họ quy hoạch những cây dược liệu có tiềm năng, từ đó phát triển trồng, chế biến sản phẩm. Riêng cây đàn hương ở Ấn Độ, họ chế biến ra 50 sản phẩm khác nhau. Trong đó, riêng xà phòng từ đàn hương, họ sản xuất 30 triệu bán xà phòng mỗi năm để bán khắp toàn cầu".

Ông Vũ Văn Tâm, Chủ tịch Công ty TNHH Dược liệu Vũ Gia, cho biết Công ty đã xây dựng Công viên Trà Hoa vàng ở Ninh Bình, thành nơi bảo tồn tất cả các giống Trà Hoa vàng Việt Nam. Trà Hoa vàng chỉ có ở Việt Nam và Trung Quốc, được đánh giá là dược liệu quý, tác dụng rất tốt cho sức khỏe của con người. Ông Tâm cho biết doanh nghiệp phải đứng ra hợp tác với người dân, thuê người dân trồng cây dược liệu. Phải đầu tư rất nhiều vốn và nguồn lực ở vùng sâu, vùng xa, tỷ suất đầu tư lớn hơn nhiều so với miền xuôi. Trong khi đó, các chính sách của nhà nước với các văn bản ban hành rất chung chung. Khi doanh nghiệp đi hỏi về các ưu đãi đó, thì các cơ quan chính quyền trả lời rằng quy định chung chung như thế, chúng tôi không biết áp dụng như thế nào.

Việt Nam kỳ vọng nhiều vào việc phát triển các vùng trồng thảo dược, nâng tầm các loại cây có giá trị kinh tế cao, hướng đến mục tiêu xuất khẩu ra nước ngoài, đạt giá trị cả tỷ USD. Rất nhiều chính sách hỗ trợ phát triển ngành nông nghiệp nói chung, phát triển trồng cây dược liệu nói riêng đã được nhà nước ban hành. Tuy nhiên, doanh nghiệp đầu tư vào trồng cây dược liệu, tiếp cận với các chính sách hỗ trợ của nhà nước vẫn rất khó.

PV

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/hai-loi-the-de-phat-trien-duoc-lieu-o-viet-nam-169231024102548404.htm