Hải Dương: Quyền lợi của người dân bị bỏ quên, phương hại nghiêm trọng

Báo PLVN đã có các bài phản ánh trường hợp khiếu nại về đền bù đất và tài sản trên đất của gia đình bà Trần Thị Thanh (thường trú tại huyện Chí Linh, Hải Dương). Tính đến thời điểm này, dù diện tích đất bà Thanh bị thu hồi lên tới hơn 14 ha nhưng bà vẫn chưa nhận được một đồng tiền bồi thường về đất nào. Ngoài ra, bà vẫn gửi đơn cho rằng, việc tính toán bồi thường tài sản trên đất cho gia đình bà của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Hải Dương khiến gia đình bà bị thiệt thòi quá nhiều.

Có báo cáo 2 năm vẫn chưa xác minh xong nguồn gốc đất?

Tiến hành xác minh đơn kêu cứu của bạn đọc, phóng viên đã liên hệ làm việc với các cơ quan chức năng liên quan và được biết, trong số 14ha đất bị thu hồi, hiện hộ bà Thanh còn hơn 54.000m2 đất chưa tính toán được phần bồi thường. Bởi số diện tích đất này được xác định là đất mặt nước chuyên dùng vào thời điểm kiểm kê đo đếm nhưng đang được UBND TX Chí Linh đề nghị xem xét lại nguồn gốc đất.

Vì chưa rõ nguồn gốc đất nên không thể tính toán phương án đền bù được. Đại diện Sở TN&MT Hải Dương khẳng định, việc xác định nguồn gốc đất là chức năng của chính quyền địa phương. Trở về địa phương, phường Cộng Hòa (TX Chí Linh), ông Phùng Đắc Đức, cán bộ địa chính phường cho biết, ngay khi lên kế hoạch bồi thường đất, ông đã biết phần diện tích mà hồ sơ của TX xác nhận là phần “mặt nước chuyên dùng” là phần đất nông nghiệp và phi nông nghiệp.

Do đó bên phường đã có văn bản báo cáo, xác minh về nguồn gốc đất gửi TX Chí Linh. Như vậy, việc xác định nguồn gốc đất đã được chính quyền địa phương xác minh ngay sau khi có hồ sơ tính toán bồi thường, không hiểu vì lý do gì mà sau 2 năm, đại diện Sở TN&MT Hải Dương vẫn cho rằng “đang đề nghị xem xét lại nguồn gốc đất”.

Cụ thể, Báo cáo số 63/BCUBND ngày 23/4/2013 của UBND phường Cộng Hòa đã ghi rất rõ “Khu đất của bà Thanh còn lại 54.848m2 là đất phi nông nghiệp trong quyết định thu hồi của UBND phường Cộng Hòa căn cứ vào bản đồ đo đạc đất nông nghiệp năm 2006 và hiện trạng khu đất xác định là đất thùng đấu mặt nước chuyên dùng là do bà Thanh tôn tạo, sử dụng”.

Rõ ràng căn cứ bản đồ của phường Cộng Hòa, hoàn toàn có thể xác định nguồn gốc đất của 54.848m2 của bà Thanh hiện vẫn chưa được bồi thường là đất nào, để lên phương án, tính toán bồi thường cho bà nhưng đến thời điểm này, sau 9 năm thu hồi đất, bà Thanh vẫn chưa nhận được tiền bồi thường.

Đại diện Sở TN&MT Hải Dương cũng khẳng định, bà Thanh chưa nhận được một đồng tiền bồi thường đất nào hoàn toàn là sự thật. Bởi vướng 54.8484m2 kể trên và phần đất còn lại đã đền bù đủ cho các hộ dân có bìa đỏ. Hiện nay bà Thanh muốn đòi lại phần này phải tìm những người chủ đất đã bán cho bà Thanh và đây là phần dân sự, không còn liên quan đến cơ quan chức năng.

Tuy nhiên, bà Thanh khẳng định, việc đền bù đất cho các hộ dân là do chính quyền phường cố ý làm mà không để ý đến quyền lợi chính đáng của bà. Bởi theo bà Thanh, việc bà mua đất làm gạch đều được chính quyền xác nhận và cho phép, bản đồ quy hoạch chi tiết khu sản xuất gạch Đồng Vọng 1 và 2 của bà cũng được UBND tỉnh, Sở Xây dựng, UBND huyện Chí Linh và xã Cộng Hòa (năm 2006) xác lập.

Cán bộ ký xong rồi quên

Làm việc tại UBND phường Cộng Hòa, phóng viên được ông Phùng Đắc Đức, cán bộ địa chính phường Cộng Hòa cho biết: “Xã không hề biết việc bà Thanh mua đất của các hộ xen kẽ trong khu làm gạch. Chúng tôi chỉ biết bà có khoảng chục lò gạch đang hoạt động, còn lại vẫn là đất chăn nuôi, ruộng nên chúng tôi cho rằng vẫn là đất của nhân dân trong vùng”.

Sau đó ông Đức khẳng định: “Bây giờ chỉ cần bà Thanh mang các giấy biên nhận mua bán lên phường, chúng tôi sẽ có trách nhiệm gọi các hộ gia đình lên trả lại tiền bồi thường cho bà Thanh. Bởi chúng tôi vẫn luôn nhắc các hộ gia đình trong địa bàn rằng, 1m2 đất các ông các bà chỉ được nhận tiền một lần”.

Nghe những lời lẽ này có lẽ chúng ta đều cho rằng, cán bộ địa chính phường rất hiểu nỗi khổ của bà Thanh và ghi nhận thiện chí mà ông đã thể hiện trong vấn đề khiếu nại về bồi thường đất của bà Thanh. Tuy nhiên, trước đó chính ông Đức cùng với đại diện phường đã ký vào 3 tờ trích lục bản đồ địa chính khu đất sản xuất vật liệu xây dựng kiểu mới kết hợp nuôi trồng thủy sản và trồng cây lâu năm (do bà Thanh đứng tên đại diện) với tổng diện tích đất hơn 14ha- là diện tích đất bà Thanh bị thu hồi.

Do vậy ông không thể nói là ông không biết việc bà Thanh có mua đất lẻ của người dân xen kẽ trong khu sản xuất gạch được. Chưa hết, khi phóng viên đặt vấn đề về việc tính toán đền bù phần tài sản trên đất đang được Sở TN&MT Hải Dương đẩy trách nhiệm về Hội đồng GPMB thị xã (qua Văn bản số 814/STNMT ngày 13/8/2015).

Cụ thể như sau “Về tài sản bị mất và hỏng không còn hiện trạng, cho phép Hội đồng GPMB thị xã xem xét (nếu có) trên hồ sơ xây dựng thì tính toán hỗ trợ bổ sung cho phù hợp” thì ông Lương Quang Phương, Trưởng phòng TN&MT TX Chí Linh khẳng định: “Các lò của bà Thanh thời điềm dừng thu hồi đất đã bỏ hoang rất lâu, không hoạt động nữa, nên không có tài sản mà đòi bồi thường’.

Điều vô lý là, trong Quyết định 1904/QĐ-UBND ngày 27/8/2013 về việc phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ cho gia đình bà Thanh, phần bồi thường, hỗ trợ công bốc xếp và di chuyển gạch, UBND tỉnh đã chi số tiền là 278.682.000 đồng.

Cũng trong quyết định này, đơn giá bốc xếp và di chuyển gạch (gạch ở bên ngoài lò) là 320 đồng/viên. Như vậy, có thể thấy, các lò gạch nhà bà Thanh vẫn đang hoạt động bình thường và thời điểm phải dừng hoạt động vẫn còn gần hơn 800 nghìn viên gạch.

Bởi vậy, việc ông Trưởng phòng TN&MT TX Chí Linh khẳng định lò nhà bà Thanh đã bỏ hoang, không còn tài sản gì để lên phương án đền bù là không có cơ sở, cố tình né tránh trách nhiệm đền bù tài sản cho người dân.

Hoàng Tú

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/hai-duong-quyen-loi-cua-nguoi-dan-bi-bo-quen-phuong-hai-nghiem-trong-d30015.html