Hải đăng Mũi Điện - công trình kiến trúc độc đáo

Hải đăng Đại Lãnh còn có tên là hải đăng Mũi Điện, là di tích thắng cảnh cấp quốc gia, cách TP Tuy Hòa 35km về phía Nam theo đại lộ Hùng Vương, thuộc thôn Phước Tân, xã Hòa Tâm, TX Đông Hòa.

Hải đăng Mũi Điện. Ảnh: LÊ MINH

Mắt thần của biển

Hải đăng Mũi Điện được xây dựng trên đỉnh núi cao 83,5m so với mực nước biển, thuộc khối núi Đại Lãnh dãy đèo Cả, một nhánh của dãy Trường Sơn hùng vĩ chạy dài ra biển Đông, có tọa độ 12 độ vĩ bắc, 109 độ kinh đông. Đây là nơi đón ánh bình minh đầu tiên trên đất liền của Việt Nam.

Cuối thế kỷ XIX, một người Pháp có tên là Varella đã phát hiện và ghi nhận tầm quan trọng của mũi Đại Lãnh trên bản đồ hàng hải thế giới, người Pháp gọi là Cap Varella. Đến năm 1890, người Pháp cho xây dựng ngọn hải đăng này với mục đích hướng cho tàu thuyền ngoài khơi ra vào vịnh Vũng Rô. Từ đó đến nay, mũi Đại Lãnh được mang tên là Mũi Điện (được hiểu là mũi đất có ngọn đèn điện).

Năm 1836, vua Minh Mạng chọn, cho thể hiện hình tượng núi Đại Lãnh vào Tuyên đỉnh - một trong chín đỉnh (cửu đỉnh) đặt trước Thế miếu (nơi thờ các vua nhà Nguyễn) trong đại nội kinh thành Huế.

Một điều đặc biệt thú vị, ngày nay bằng các thiết bị hiện đại khi chụp ảnh từ trên cao xuống toàn cảnh núi Đại Lãnh, Mũi Điện, Bãi Môn tạo thành hình như bản đồ Việt Nam thu nhỏ.

Được xây dựng và đưa vào hoạt động hơn 100 năm (1890-2024), đến nay, hải đăng Mũi Điện vẫn luôn lặng lẽ làm nhiệm vụ định hướng cho hoạt động hàng hải, hỗ trợ ngư dân khi ra khơi bám biển. Đây là một trong tám ngọn hải đăng trên 100 năm tuổi ở Việt Nam và là ngọn hải đăng nằm gần hải phận quốc tế nhất.

Ngắm bình minh ở Mũi Điện

Một thời gian dài hải đăng Mũi Điện phải ngưng hoạt động do chiến tranh tàn phá. Năm 1995, hải đăng này được tu bổ và năm 1997 hoạt động trở lại, dưới sự quản lý điều hành của Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Nam Trung Bộ.

Nhìn từ xa, hải đăng Mũi Điện có hình khối như một nhà thờ cổ, phần đế một tầng rộng khoảng 300m2, nằm dài trên đỉnh núi, ngọn hải đăng như một tháp chuông quay về hướng đông. Bên trong nhà có sảnh lớn là nơi dừng chân của khách, các phòng làm việc, nơi ăn ở, vệ sinh...

Tháp hải đăng có khối hình tròn đường kính đáy rộng 4,5m, cao 26,5m so với cốt nền và hơn 100m so với mực nước biển, hình dáng tháp thon dần theo chiều cao. Trên đỉnh tháp sử dụng pin năng lượng mặt trời, có ánh sáng phát xa 27 hải lý (tương đương khoảng 50km).

Bên trong tháp có cầu thang xoắn ốc hơn 100 bậc bằng gỗ, rộng đủ 2 người lên xuống tránh nhau; đỉnh tháp là nơi ngắm phong cảnh ngoạn mục nhất. Phóng tầm mắt ra xung quanh, phía Tây là núi non trùng điệp; phía Đông là biển rộng mênh mông; trên đầu là mây trắng, trời xanh.

Thời gian đẹp nhất khi ngắm cảnh ở đây là lúc bình minh lên, những tia nắng mai dần ló dạng sau lớp mây mờ, dần dần bình minh xuất hiện xua tan bầu không khí tăm tối, một khoảnh khắc đẹp đến nao lòng.

Trên hành trình du lịch các danh thắng ở TX Đông Hòa như chinh phục đỉnh cao núi Đá Bia, bến Vũng Rô với huyền thoại tàu Không số, các bạn đừng quên thăm biển Bãi Môn (bên đường lên Mũi Điện). Bãi Môn có chiều dài khoảng 400m e ấp, nép mình dưới chân núi Đại Lãnh, nhìn từ trên cao tựa như một cánh cung khổng lồ. Khi bình minh xuất hiện, những đám mây trôi bồng bềnh như điểm tô thêm sự lãng mạn. Đặc biệt ở đây không có nhà dân, bãi biển còn giữ được nét đẹp hoang sơ.

Khi tham quan Mũi Điện, bạn có thể thuê lều ngủ qua đêm ở nơi cổng đón tiếp, chờ sáng sớm để leo lên núi. Từ nơi nghỉ đêm đến ngọn hải đăng Mũi Điện dài khoảng 1km, con đường dốc đã được thảm bê tông, có dịch vụ xe máy chở những ai không có sức leo núi. Hai bên đường là thảm thực vật xanh tốt với những bụi sứ biển, thông rừng và các loài hoa rừng; đôi khi ta bắt gặp bìm bịp gọi bầy kêu hối hả như thúc giục ta cố lên, nhanh lên kẻo trời sắp sáng.

Ngắm bình minh ở Mũi Điện, thả hồn theo gió của đại dương mênh mông, tận hưởng những bản nhạc du dương của biển cả, buông bỏ những phiền muộn, nhọc nhằn, lòng ta thanh thản hơn, sống cuộc đời tươi đẹp hơn.

HOÀNG XUÂN THƯNG

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/82/315296/hai-dang-mui-dien-cong-trinh-kien-truc-doc-dao.html