'Hai chung' ở một làng nghề hội họa

Làng Cổ Đô, xã Cổ Đô (Ba Vì – Hà Nội) đã nổi danh mấy mươi năm trước với nghề hội họa. Người nông dân, bước chân khỏi ruộng là thành họa sĩ - bỏ liềm bỏ hái là cầm bút, cầm chì.

Mấy chục năm nay, làng Cổ Đô có phong trào “cùng học hội họa”.

Họa sĩ Phan Quang Tùng, người làng Cổ Đô, bảo rằng: “Đã sinh ra ở Cổ Đô, uống nước giếng làng này, ai cũng có năng khiếu hội họa. Đó là cái khiếu trời phú, trời ban mà không một làng nào có được. Người Cổ Đô uống chung một giếng, làm chung một nghề, đó là sự thật”.

Từ làng lụa truyền thuyết

Dù là những nông dân chính hiệu, nhưng tranh của người Cổ Đô thì luôn đặc biệt.

Cổ Đô vốn là vùng đất cổ, trước có tên là An Đô, sau lại đổi là An Bang, thuộc huyện Tiên Phong, phủ Quảng Oai, trấn Sơn Tây. Xưa, làng có nghề dệt lụa với truyền thuyết công chúa Thiếu Hoa, con gái vua Hùng từ thành Phong Châu sang dạy dân nghề tơ lụa.

Lụa Cổ Đô là sản vật tiến vua đã đi vào ca dao, nức tiếng cả nước: Lụa này thật lụa Cổ Đô/Chính tông lụa cống các cô ưa dùng.

Không chỉ có vậy, làng Cổ Đô còn nổi tiếng là đất văn học. Hình ảnh “Bên anh đọc sách, bên nàng quay tơ” trong câu ca xưa có thể tìm thấy ở nơi này. Theo quan niệm của người xưa, một làng quê trù phú và bình yên phải có “tam thanh” trong sinh hoạt hàng ngày. “Tam thanh” (ba thứ âm thanh) là: Tiếng đọc thơ bình văn của kẻ sĩ, tiếng thoi reo lách cách của thôn nữ và tiếng nô đùa của con trẻ.

Cổ Đô còn được mệnh danh là vùng đất lành ứng với câu “đất lành chim đậu”. Xưa có một gia đình quê ở trấn Thanh Hoa (Thanh Hóa ngày nay) vì nghèo mà phiêu dạt tới đây. Người chồng làm nghề chăn vịt, người vợ làm nghề nông tang. Họ đã sinh ra ông tiến sĩ là Nguyễn Sư Mạnh.

Nhà nghèo, cha mất sớm nên 27 tuổi Nguyễn Sư Mạnh mới lều chõng đi thi. Ông đỗ Đệ Tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Giáp Thìn, niên hiệu Hồng Đức thứ 15 (1484). Sau, Sư Mạnh vì có công lao mà được ban quốc tính họ Lê, làm quan tới Thượng thư bộ Lễ, tước Sùng Tín hầu.

Còn có Nguyễn Bá Lân nổi tiếng về văn chương, thi phú. Có lẽ, đương thời và sau này, không có một Nguyễn Bá Lân thứ hai. Với 50 năm làm quan, ông đã 17 lần được thăng chức và được vinh danh là “Thượng thư lục bộ”.

Chính Nguyễn Bá Lân là tác giả của bài phú Nôm nổi tiếng “Ngã ba Hạc Phú”, với những câu: “Xinh thay! Ngã ba Hạc/Lạ thay! Ngã ba Hạc/Ngóc ngách khôn dò rộng hẹp, dòng biếc lẫn dòng đào/Lênh láng dễ biết nông sâu, nước đen pha nước bạc”.

Đến làng tranh hiện đại

Các thế hệ thường tập trung ở ven sông để cùng nhau vẽ.

Làng Cổ Đô được ôm ấp bởi lũy tre xanh, bởi dòng Hồng Hà sóng đỏ, bởi dải đê như tấm khăn hồng choàng lên cánh đồng xanh rợn sóng lúa lại là cái đẹp của sắc màu hội họa.

Có phải vì thế mà Cổ Đô được trời phú cho một nét đẹp nữa: Làng họa sĩ. Ai có thể ngờ, ngôi làng nhỏ bé ấy mà có tới gần hai chục họa sĩ và người làm hội họa được đào tạo chính quy tại hai trường Đại học Mỹ thuật tại Hà Nội, hoặc chí ít thì cũng được đào tạo tại một khoa nhạc họa nào đó.

Tuy nhiên, đa số người Cổ Đô vẽ tranh không theo trường lớp chuyên nghiệp, nhưng lại có niềm đam mê với mỹ thuật và được các bậc gạo cội trong làng truyền nghề.

Nói đến giới họa sĩ Cổ Đô, là phải nhắc tới họa sĩ Sĩ Tốt với những bức tranh nổi tiếng: Tiếng đàn bầu, Bế con... đang được lưu giữ tại Viện Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia. Nhiều bức tranh của ông hiện đang được lưu giữ tại các Viện Bảo tàng lớn ở Mỹ, Pháp, Đức, Thụy Điển, Ba Lan.

Với gần 1.000 bức tranh được vẽ trong suốt cuộc đời nghệ sĩ của mình, ông đã dìu dắt lớp lớp họa sĩ trẻ của làng trưởng thành và được khẳng định. Đó là các họa sĩ Sĩ Tuấn, Sĩ Thiết, Ngô Bình Thiểm, Sao Mai, Giang Khích, Nguyễn Thạch…

Nhận thấy việc phát hiện, bồi dưỡng và đào tạo những mầm non nghệ thuật phải kịp thời và cần thiết, nên trong cuộc đời mình, họa sĩ Sĩ Tốt thường xuyên tổ chức các lớp dạy vẽ tại nhà với lòng yêu thương quê hương tha thiết.

Nhà nào cũng có họa sĩ

Ngay từ khi còn nhỏ, người Cổ Đô đã yêu hội họa.

Họa sĩ Phan Quang Tùng, kể: “Cổ Đô có phong trào dạy và học vẽ từ mấy chục năm nay. Họa sĩ Sĩ Tốt chính là người đầu tiên khởi xướng và truyền tình yêu hội họa cho người làng. Tôi cũng được học vẽ từ khi còn nhỏ, từ những ngày hè theo chân các thầy ra bến sông, cảm nhận cuộc sống xung quanh mình và vẽ, rất tự nhiên”.

Cho đến bây giờ, câu chuyện quan trọng nhất của người làng là chuyện vẽ tranh, qua thăm nhau cũng là để ngắm, bình bức họa mới vẽ. Những người họa sĩ làng quý nhau cái chân tình, cởi mở với những sáng tác của mình.

“Cha dạy con, em học anh chị. Biết bao thế hệ “họa sĩ chân đất” đã lớn lên, trưởng thành, có tên tuổi, lập nghiệp nơi xa, không ít người trở về sống ở làng trong một lẽ bình dị, đó là được sống, được tắm gội trong mưa gió ở chính nơi sinh thành”, anh Tùng chia sẻ.

Sau những giờ làm việc ruộng đồng, trong cái tĩnh lặng của vùng đất bãi, những người nông dân dành thời gian bên giá vẽ. Họ được thảnh thơi cao hứng với cảm xúc của mình. Tình yêu sắc màu như lan tỏa đến mọi người. Chiều chiều, từng nhóm người già, người trẻ rủ nhau ra triền đê, bến bãi cùng vẽ tranh.

Cách nhà anh Phan Quang Tùng chừng vài trăm mét là Bảo tàng Mỹ thuật Sĩ Tốt và gia đình. Gia đình họa sĩ Sĩ Tốt có nhiều người theo đuổi hoạt động mỹ thuật nhất làng. Cả ba con trai của ông đều nối nghiệp cha, trong đó họa sĩ La Vuông là người nổi bật nhất.

Sau khi cha qua đời, La Vuông thành lập bảo tàng mỹ thuật tại gia để trưng bày những tác phẩm nghệ thuật của họa sĩ Sĩ Tốt, của mình và các anh em.

Và họ học hỏi theo cách “truyền nghề”.

Gần Bảo tàng Mỹ thuật Sĩ Tốt và gia đình là nhà họa sĩ thương binh Nguyễn Ngọc Kũi, cháu ruột họa sĩ Sĩ Tốt. Căn nhà có nhiều tranh, những tủ đựng tác phẩm khắc gỗ, giá vẽ và màu dù ông chủ đã qua đời. Bà Nguyễn Thị Chuyện, vợ cố họa sĩ ngày ngày lau sạch bụi trên từng bức tranh, vật dụng của chồng, gìn giữ như những kỉ vật quý.

Bà Chuyện bảo, người Cổ Đô uống chung nước giếng làng, và làm chung một nghề. Đó là lẽ thường nhưng cũng là điều đặc biệt. Cho nên bà phải giữ gìn những bức tranh và vật dụng của chồng, để các con xem đó làm gương mà phấn đấu thành họa sĩ của làng.

Nhà nào cũng có họa sĩ nên sự vươn cao trong nghệ thuật ở Cổ Đô rất đậm nét. Những ngày nông nhàn, già trẻ dắt díu nhau ra đê vẽ cảnh đã là một chuyện hay. Ngày lễ, Tết còn là cuộc đoàn viên của những họa sĩ xa làng trở về. Lúc này, cuộc hội họa mới thực sự náo nhiệt. Người ta bình tranh, vịnh cảnh, ngâm thơ, làm phú làm cho không khí học tập trở nên rộn ràng hơn.

Nhờ những buổi xum tụ, lớp trẻ hiểu hơn về nghệ thuật, khát khao vươn tới đỉnh cao. Và, ở Cổ Đô thường có một nếp sinh hoạt văn hóa rất đáng yêu, đó là bình về con giáp. Như năm nay – năm con trâu, sẽ được bình nhiều và cùng nhau vẽ trâu.

Trâu trở thành chủ đề hội họa năm Tân Sửu. Nhờ vẽ trâu, các họa sĩ sẽ biết điểm yếu, điểm mạnh của mình để chỉnh trang lại tư duy nghệ thuật. Những bức họa về trâu cũng là thay cành đào – chậu quất để đón năm mới với những sắc màu tươi sáng cùng những hi vọng sẽ bay cao bay xa hơn.

“Hơn 800 ngôi nhà ở Cổ Đô, hầu như nhà nào cũng có người vẽ tranh. Đa số họa sĩ trong câu lạc bộ đều có phòng tranh, xưởng vẽ riêng tại nhà. Bảo tàng làng Cổ Đô thường xuyên trưng bày khoảng 300 tác phẩm hội họa, điêu khắc xuất sắc của các hội viên”. Ông Đỗ Văn Sự, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Mỹ thuật Cổ Đô

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/van-hoa/hai-chung-o-mot-lang-nghe-hoi-hoa-cgAq2QwGR.html