HAGL lỗ ròng 1.260 tỷ đồng 9 tháng, vẫn chưa nhượng nhà máy thủy điện

Mặc dù nhận hơn 1.400 tỷ đồng ứng trước trong thương vụ bán nhà máy thủy điện nhưng tiền và tương đương tiền của HAGL vẫn giảm so với đầu năm. Mục tiêu không lỗ hai quý cuối năm đang gặp khó khăn khi gánh nặng lãi vay tiếp tục bào mòn lợi nhuận.

CTCP Hoàng Anh Gia Lai (mã HAG-HoSE) vừa công bố báo cáo tài chính quý III kinh doanh thua lỗ. Tuy nhiên, so với khoản lỗ hơn 1.200 tỷ trước đó, kết quả kinh doanh quý này của HAGL vẫn bớt "u ám" hơn.

Riêng quý III, doanh thu thuần của Tập đoàn đạt 1.254 tỷ đồng, giảm 42%. Nguyên nhân chủ yếu do sụt giảm mảng kinh doanh bò, đường. Đây cũng là hai mảng kinh doanh mang về doanh thu lớn nhất cho HAGL quý III/2015. Trong khi đó, doanh thu cung cấp dịch vụ tăng, doanh thu bán mủ cao su trong khi đó tăng nhẹ lên 35 tỷ đồng.

Tuy nhiên, biên lãi gộp giảm chỉ tương đương một nửa cùng kỳ khiến lãi gộp của HAGL giảm sâu hơn 70%. Gánh nặng chi phí tài chính, chủ yếu là chi phí lãi vay, tiếp tục "bào mòn" lợi nhuận của HAGL. Bình quân mỗi ngày trong quý, chi phí lãi vay của HAGL là hơn 4,4 tỷ đồng.

HAGL lỗ sau thuế 77 tỷ đồng trong riêng quý III. Cùng với khoản lỗ lớn quý II, lũy kế 9 tháng đầu năm 2016, HAGL lỗ ròng 1.268 tỷ đồng. HAGL đã đề ra mục tiêu không lỗ trong hai quý còn lại của năm. Với kết quả trên, gánh nặng sẽ lớn hơn trong quý IV tới của HAGL.

Tính đến cuối quý III/2016, tổng tài sản của HAGL tiếp tục mở rộng quy mô, tăng thêm 3.076 tỷ đồng lên 52.304 tỷ đồng. Nguồn vốn nợ tăng lên nhưng chủ yếu do chiếm dụng vốn do người mua trả tiền trước và phải trả người bán.

Trong quý III, HAGL đã nhận được 1.424 tỷ đồng từ khách hàng ứng trước tiền mua dự án thủy điện. Trong khi đó, vay nợ ngân hàng ngắn và dài hạn lại giảm so với đầu năm, còn 25,7 nghìn tỷ đồng.

Gần 1/3 tài sản của HAGL đang nằm trong các khoản phải thu. Trong đó, riêng với CTCP Đầu tư Bất động sản An phú, HAGL đang cho vay ngắn và dài hạn 3.600 tỷ đồng. Đây là khoản cho vay từ năm 2013 để hỗ trợ tài chính cho An phú mua lại công ty con và dự án BĐS của HAGL.

Ngoài ra, HAGL còn có hơn 17 nghìn tỷ đang nằm trong các tài sản dài hạn dở dang. Giá trị đầu tư dở dang vào các nhà máy thủy điện hiện hơn 3.410 tỷ đồng. Kế hoạch chuyển nhượng nhà máy thủy điện đã được HAGL công bố trước đó. Giao dịch chuyển nhượng vẫn chưa hoàn tất trong quý III này. Tồn kho đến cuối quý III giảm một nửa, còn 1.930 tỷ đồng, chủ yếu do giảm chi phí nuôi bò.

Nguồn NDH: http://ndh.vn/hagl-lo-rong-1-260-ty-dong-9-thang-van-chua-nhuong-nha-may-thuy-dien-20161101010948535p147c159.news