Hà Trung: Những ngôi đình cổ 'kêu cứu'

Trên địa bàn huyện Hà Trung có nhiều di tích lịch sử - văn hóa, di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và danh thắng nổi tiếng, thuận lợi để phát triển đa dạng các loại hình du lịch. Trong đó, hệ thống đình làng có số lượng nhiều nhất, với tổng số 51 ngôi đình, trong đó có 27 ngôi đình đã được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa, kiến trúc nghệ thuật các cấp (3 di tích quốc gia, 24 di tích cấp tỉnh).

Đoàn công tác của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiểm tra thực trạng xuống cấp của Đình Quan Chiêm, xã Hà Giang.

Nhiều ngôi đình có tuổi đời hàng trăm năm tuổi. Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền và Nhân dân trong huyện đã huy động mọi nguồn lực, ưu tiên đầu tư tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp cho nhiều ngôi đình có giá trị độc đáo. Tuy nhiên, còn rất nhiều đình làng đã được xếp hạng nhưng xuống cấp nghiêm trọng cần được bảo vệ, trong đó, đặc biệt là 4 tòa đại đình làng cổ có giá trị về lịch sử - văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật tiêu biểu, đang trong tình trạng mục hỏng, xuống cấp, có nguy cơ sập đổ bất cứ lúc nào, thuộc diện nguy cấp, cần được bảo vệ.

Cụ thể, Đình Đô Mỹ thuộc làng Đô Mỹ, xã Hà Tân được xây dựng năm 1850, thờ Thành hoàng Thái úy Tô Hiến Thành, phối thờ hai vị Đô Bá và Nguyễn Thận Xuân. Đình Đô Mỹ được xếp hạng di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh tại Quyết định số 142/QĐ-VHTT, ngày 27-7-1996. Trải qua thời gian tồn tại, đình đã được trùng tu tôn tạo nhiều lần vào các năm 1927, 2004, 2005 và lần gần nhất vào năm 2012. Tổng diện tích hiện trạng khuôn viên đình còn lại là: 1.848,4 m2 gồm các hạng mục: Đại đình 5 gian 2 chái, hiện nay hạng mục kiến trúc gốc còn lại này đã bị hư hỏng và mối mọt nghiêm trọng, không còn khả năng liên kết, chịu lực do đó đã làm nghiêng lún công trình về phía đông nam, hoành rui mối mục, mái ngói được Nhân dân đôn đảo, dặm lại nhiều lần với nhiều chủng loại khác nhau nên nứt vỡ, tụt lệch gây thấm dột vào bên trong đình, hệ tường bao bị rạn nứt và lớp vữa trát tường bị mục mủn, bong tróc. Các hạng mục khác như hậu cung, cổng tứ trụ, nhà kho, đường vào, sân đình, sân khấu, nhà tạm, nhà vệ sinh, tường rào... phần lớn là do Nhân dân đóng góp xây mới, bằng vật liệu gạch, đá, xi măng, mái lợp ngói tây, tấm bro xi măng tạm bợ.

Trong khi đó, Đình Quan Chiêm thuộc địa phận làng Quan Chiêm (còn gọi là Kẻ Đản), thời Nguyễn thuộc tổng Trung Bạn, huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung (nay là xã Hà Giang, huyện Hà Trung) cũng trong tình trạng tương tự. Đình thờ Thành hoàng Tống Quốc Sư (tên gọi khác là Tống Lưu Công). Đình được khởi công xây dựng vào năm 1806, đến tháng 2-1807 thì hoàn thành. Hiện nay nhà Đại đình có quy mô 5 gian 2 chái, 4 hàng cột, hình thức kiến trúc tàu đao 4 mái, đang trong tình trạng mục hỏng, sập xệ, nhiều cấu kiện gỗ bị mối mục, nứt vỡ; hệ thống cột, xà, câu đầu, kẻ bẩy... bị mối mục, tiêu tâm; hoành rui mè mục gãy; mái ngói đã qua nhiều lần đôn đảo... đã bị sụt lún, tụt làm dột nước mưa vào trong đình; tường bao ẩm mốc, bong tróc, chân tảng cột lún sâu dưới nền nhà; bên trong đình, Nhân dân địa phương tự phát xây mới bục bệ sân khấu làm nơi tổ chức sinh hoạt cộng đồng của thôn. Các hạng mục như hậu cung, cổng đình, sân đình, sân khấu, nhà văn hóa, nhà vệ sinh, tường rào... do Nhân dân tự phát xây mới, hình thức kiến trúc thô xấu, tạm bợ, không phù hợp với tổng thể kiến trúc cảnh quan của khu di tích.

Đình Phúc Điền (xã Hoạt Giang) được Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích cần được bảo vệ và phát huy tác dụng tại Quyết định số 101/QĐ-VHTT ngày 12-3-2001 và được Chủ tịch UBND tỉnh cấp đổi bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh tại Quyết định số 165/QĐUBND, ngày 17-1-2011. Đình được xây dựng khoảng vào thời Nguyễn, cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ thứ XIX, bao gồm tòa Đại đình (gồm 5 gian với diện tích 228 m2), Hậu cung với diện tích 12 m2, bố cục theo kiểu chữ Đinh (J). Toàn bộ ngôi đình gồm 4 vì kèo với 8 cột cái và 8 cột quân. Phía trước tòa Đại đình là sân đình. Chung quanh đình được xây tường bao quanh. Đây là một công trình văn hóa mang đậm nét văn hóa, tín ngưỡng của người Việt với kiến trúc nghệ thuật độc đáo, hội tụ nhiều mảng điêu khắc công phu, phong phú và sinh động. Trên các vì kèo có chạm khắc hình rồng trong vân mây rất tinh xảo. Hiện nay, Đình Phúc Điền bị xuống cấp nghiêm trọng. Phần lớn các kết cấu gỗ của di tích đều bị mục mại và mối mọt, 2 khóa giang vì số 2 và vì số 4 bị đứt mộng, hoành xô lệch, làm công trình bị nghiêng về phía đông nam, mái ngói bị tụt; đồng thời, hệ thống tường bao bị sụt lún, nứt gãy và lớp vữa trát tường bị bong tróc. Hiện tại, chính quyền và Nhân dân địa phương đang phải sử dụng các vật liệu hiện có tại địa phương để gia cố, gia cường chống đỡ tạm thời, bảo vệ di tích khỏi bị đổ sập.

Di tích lịch sử văn hóa Đình làng Nga Châu, xã Hà Châu được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh tại Quyết định số 141/QQĐ-VH, ngày 27-7-1996. Đình có kiến trúc 5 gian 2 chái; kết cấu vì kèo có 6 vì được liên kết theo kiểu chồng rường. Các khung gỗ của các vì kèo được cấu tạo bởi 4 hàng chân cột. Toàn bộ ngôi đình gồm 12 cột lớn và 12 cột nhỏ. Đình Nga Châu là một công trình văn hóa cuối cùng của thời phong kiến thời Nguyễn còn lại đến ngày nay trên đất Hà Châu. Trải qua thời gian và biến thiên của lịch sử, hiện nay ngôi đình đã bị xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào.

Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hà Trung Phan Thị Lan cho biết: Ngoài 4 ngôi đình thuộc diện nguy cấp kể trên, hiện nay còn 23 ngôi đình đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia và các ngôi đình khác trên địa bàn cũng trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Trong khi đó, đây vẫn là nơi sinh hoạt cộng đồng, hội họp của người dân tại các địa phương. Hiện nay, đình làng là một trong những di tích cộng đồng thuộc diện ưu tiên quan tâm, tu bổ thường xuyên của UBND tỉnh và các cấp, các ngành.

Trong chuyến kiểm tra, giám sát thực trạng xuống cấp của các ngôi đình trên địa bàn huyện Hà Trung, lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có buổi làm việc với huyện Hà Trung nhằm tìm kiếm những giải pháp cấp bách, bảo vệ các ngôi đình đã xuống cấp. Trong đó, huyện Hà Trung và các phòng, ban trực thuộc của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sớm hoàn thiện hồ sơ thực trạng của các ngôi đình, có phương án, giải pháp cấp bách để bảo vệ, tôn tạo, sửa chữa, bảo đảm đúng quy định của Luật Di sản, đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí. Huyện, xã và ngành cũng sẽ kêu gọi thêm nguồn lực xã hội hóa để có kinh phí sửa chữa các ngôi đình. Trước mắt, 7 ngôi đình có tình trạng xuống cấp nghiêm trọng sẽ được ưu tiên sửa chữa trước. Với một số ngôi đình đã xuống cấp, huyện chỉ đạo các xã tạm dừng các hoạt động sinh hoạt tập thể khi không bảo đảm an toàn...

Bài và ảnh: Mạnh Cường

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/van-hoa/ha-trung-nhung-ngoi-dinh-co-keu-cuu/28104.htm