Hà Tĩnh tăng cường phòng, chống bệnh sởi

Sau khi phát hiện các ca mắc sởi tại huyện Đức Thọ, ngành Y tế Hà Tĩnh đã nhanh chóng triển khai các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời.

Ngày 18/3, cháu N.H.M.T. (SN 2016, trú tại thị trấn Đức Thọ) có biểu hiện sốt, ho nhiều, khó thở, nổi phát ban đỏ ở tay, chân, vùng ngực, bụng. Ngay sau đó, gia đình đưa cháu đến Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) huyện Đức Thọ để khám và được chẩn đoán sốt phát ban nghi sởi. Tại đây, cháu được điều trị truyền dịch, kháng sinh, hạ sốt, long đờm theo đúng phác đồ điều trị của Bộ Y tế. Sau 6 ngày điều trị, sức khỏe của cháu T. đã dần ổn định.

Các bác sỹ BVĐK huyện Đức Thọ điều trị cho một bệnh nhân mắc sởi.

Ngoài trường hợp của cháu N.H.M.T. ngành y tế còn phát hiện thêm 14 trường hợp khác có các triệu chứng nghi mắc sởi trên địa bàn huyện Đức Thọ: xã Lâm Trung Thủy, xã An Dũng và thị trấn Đức Thọ.

Nhận được thông tin, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã nhanh chóng tổ chức giám sát và lấy mẫu gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để xét nghiệm. Đến nay, đã xác định 10 trường hợp dương tính với virus sởi, các trường hợp còn lại đang chờ kết quả.

Thầy giáo Lê Hữu Đồng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Đức Thọ cho biết: “Ngay sau khi xác định tại trường có ca mắc sởi, nhà trường đã tuyên truyền, khuyến cáo 100% giáo viên, học sinh đeo khẩu trang. Các lớp học có học sinh mắc sởi đã được khử khuẩn, vệ sinh sạch sẽ, nhà trường cũng đã bố trí nước sát khuẩn tay và nâng cấp hệ thống rửa tay bằng xà phòng trong trường. Đối với học sinh có biểu hiện mệt mỏi, sốt... thì cho nghỉ học theo dõi sức khỏe tại nhà.

Lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh giám sát công tác phòng dịch sởi tại trường học ở Đức Thọ.

Hiện, 10 ca dương tính virus sởi đều không xuất hiện biến chứng nặng. Ngành y tế đang phối hợp với các địa phương tích cực điều tra, giám sát, triển khai khử khuẩn môi trường tại các gia đình có bệnh nhân mắc sởi.

Đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về sự nguy hiểm của bệnh sởi để phòng, tránh phù hợp; phối hợp với nhà trường và gia đình giám sát, theo dõi để phát hiện sớm các học sinh có biểu hiện mệt mỏi, sốt...

Giám sát các ca bệnh nghi nhiễm tại BVĐK huyện Đức Thọ.

Được biết, thời gian qua, ngành Y tế Hà Tĩnh đã đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về vai trò của vắc-xin và lợi ích của tiêm chủng. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm chủng gần đây thấp hơn những năm trước. Nguyên nhân được xác định là do sự tác động của đại dịch COVID-19 và tình trạng thiếu hụt cục bộ một số loại vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng trên toàn quốc.

Điều này dẫn tới có thể làm giảm tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng, tiềm ẩn nguy cơ các bệnh truyền nhiễm có thể xuất hiện và bùng phát thành dịch.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh hiện đã có văn bản đề nghị các địa phương thường xuyên rà soát và làm tốt công tác quản lý đối tượng, quản lý mũi tiêm để có thể kịp thời tiêm bù cho trẻ khi có vắc-xin được phân bổ từ tuyến trên. Đồng thời, thường xuyên làm đấu mối, nắm bắt thông tin về tình hình cung ứng vắc-xin từ tuyến trung ương để kịp thời có chỉ đạo cho các địa phương trong công tác tổ chức tiêm chủng.

Cùng đó, tăng cường công tác tuyên truyền khuyến cáo phụ huynh thường xuyên theo dõi và nắm bắt thông tin về công tác tổ chức tiêm chủng của cơ quan y tế tại địa phương. Người dân cũng có thể lựa chọn phương án tiêm chủng dịch vụ tại các cơ sở tiêm chủng đảm bảo chất lượng, uy tín thay thế tiêm chủng mở rộng để đảm bảo trẻ được tiếp cận vắc-xin theo đúng lịch

Thạc sỹ Nguyễn Chí Thanh - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh

Nhật Nguyên

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/ha-tinh-tang-cuong-phong-chong-benh-soi-post263829.html