Hà Tĩnh: Nhiều hồ đập 'khát nước'

Gần đây, một số nơi trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã có mưa, nhưng mực nước ở nhiều công trình hồ đập vẫn rất thấp, thậm chí có hồ còn 'trơ đáy'. Hồ đập cạn nước, ảnh hưởng rất lớn đến việc tưới cho cây trồng và đời sống, sinh hoạt của người dân.

Video: Nhiều hồ đập ở tỉnh Hà Tĩnh "trơ đáy"

Trải qua đợt nắng nóng gay gắt, kéo dài, hồ chứa nước Đập Mưng ở xã Điền Mỹ, huyện Hương Khê bị cạn. Hồ có cao trình mực nước thiết kế 20m, nhưng hiện nay đã gần như trơ đáy. Trong hồ có 2 cống lấy nước phục vụ tưới, nhưng do nước xuống quá thấp nên nước không thể chảy qua cống và bị tê liệt hoàn toàn.

Hồ Đập Mưng ở xã Điền Mỹ, huyện Hương Khê bị hạn nặng

Cống lấy nước bị tê liệt hoàn toàn

“Thời điểm này, nước hồ Đập Mưng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Hầu hết đồng ruộng sau hồ đều bị hạn hán, giếng đào của gia đình ở gần hồ cũng không còn nước để sinh hoạt. Nếu sắp tới không có mưa to thì nguy cơ hạn hán sẽ tiếp diễn, ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất của người dân trong vùng” bà Nguyễn Thị Sắc ở xã Điền Mỹ cho biết.

Mặc dù gần đây tại nhiều nơi ở tỉnh Hà Tĩnh đã có mưa, tuy nhiên lượng mưa nhìn chung còn nhỏ, không đồng đều nên mới chỉ “giải nhiệt” được một phần khô hạn cho cây trồng. Còn phần lớn các hồ chứa thì mực nước vẫn rất thấp, không đạt dung tích thiết kế, có nguy cơ đe dọa sản xuất nông nghiệp.

Thời kỳ cao điểm nắng nóng dung tích tại các hồ chứa ở tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạt khoảng từ 40-60% thiết kế

Trao đổi với phóng viên, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh Nguyễn Thế Hùng cho biết, đơn vị hiện quản lý 26 công trình hồ đập. Năm nay nắng nóng diễn ra sớm, kéo dài, lượng mưa ít và thấp thua trung bình nhiều năm nên ở thời kỳ cao điểm nắng nóng dung tích tại các hồ chứa chỉ đạt khoảng từ 40-60% thiết kế.

“Đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch, điều tiết, phân phối nước hợp lý, nhất là dành nước đến cuối vụ, tưới đủ cho cây lúa trỗ bông. Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp cân đối, tạo nguồn nước cho sông Nghèn phục vụ sản xuất và các hồ chứa cấp nước sinh hoạt ở các nhà máy”, ông Nguyễn Thế Hùng chia sẻ.

Tỉnh Hà Tĩnh hiện có 348 hồ chứa nước, với tổng dung tích trên 1,57 tỷ m3 nước, có 86 đập dâng với lưu lượng thiết kế hơn 5.780 m3/s. Hàng năm các công trình hồ chứa cung cấp nước tưới cho trên 62.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt và nhiều ngành kinh tế khác.

Hạn hán kéo dài khiến nhiều diện tích chè LDP2 ở xã Hương Trà, huyện Hương Khê bị khô héo, thậm chí nhiều cây bị chết

Qua tìm hiểu được biết, thời gian qua do nắng nóng gay gắt, kéo dài, lượng mưa bổ sung rất ít khiến mực nước ở hơn 50% hồ đập ở tỉnh Hà Tĩnh giảm mạnh. Trong đó, các hồ đập tại một số huyện như: Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn, Kỳ Anh chịu ảnh hưởng của hạn hán nặng nề nhất.

Dự báo nếu thời gian tới không có mưa to thì nguy cơ thiếu hụt nguồn nước tại các hồ đập ở tỉnh Hà Tĩnh sẽ diễn ra, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp và đời sống, sinh hoạt của Nhân dân

Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh Trần Đức Thịnh cho biết, năm nay tình hình nắng nóng gay gắt và hạn hán đã được các cơ quan chuyên môn dự báo từ trước. Thực tế cho thấy, nắng nóng kéo dài, lượng nước tại các sông, hồ bốc hơi rất nhanh, nhưng lượng mưa lại không thể bổ sung kịp thời dẫn đến khô hạn.

“Hiện nay, các địa phương, đơn vị trong toàn tỉnh đang tiếp tục chủ động triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Trong đó, giải pháp tiết kiệm nguồn nước được quan tâm, ưu tiên hàng đầu” ông Trần Đức Thịnh thông tin.

Văn Chương

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ha-tinh-nhieu-ho-dap-khat-nuoc.html