Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ trong trường hợp cấp thiết là phù hợp

Thứ trưởng Lê Quốc Hùng dẫn chứng, thực tế áp dụng Luật Cảnh vệ từ năm 2017 đến nay đã có 57 đoàn triển khai công tác cảnh vệ đối với nhiều đối tượng khác không thuộc đối tượng cảnh vệ để kịp thời giải quyết các yêu cầu của thực tiễn đặt ra, hoặc theo đề nghị của các ban, bộ, ngành. Và người quyết định việc này không ai khác là Bộ trưởng Bộ Công an.

Chiều 3/5, tại Hà Nội, Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) tiếp tục Phiên họp toàn thể lần thứ 10, thẩm tra chính thức dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ.

Phát biểu mở đầu phiên họp, Trung tướng Lê Tấn Tới, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm UBQPAN cho biết, tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 89 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, trong đó, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ sẽ được Quốc hội cho ý kiến và xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 7 theo quy trình một kỳ họp.

Chủ nhiệm UBQPAN Lê Tấn Tới phát biểu tại phiên họp.

Thực hiện Nghị quyết số 89 của Quốc hội, ngày 16/2, Chính phủ đã có Tờ trình số 56 và hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH). Thường trực UBQPAN đã tổ chức họp thẩm tra sơ bộ và tại Phiên họp thứ 30 (tháng 2/2024), UBTVQH đã cho ý kiến về dự án luật này. Trên cơ sở đó, Chính phủ chỉ đạo Cơ quan soạn thảo (Bộ Công an) nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, hoàn thiện dự án luật, có báo cáo gửi UBTVQH.

Chủ nhiệm UBQPAN Lê Tấn Tới đề nghị, các đại biểu tích cực thảo luận, đóng góp ý kiến đối với tờ trình, hồ sơ dự án luật và nội dung dự thảo luật để UBQPAN tiếp tục hoàn thiện báo cáo thẩm tra theo quy định.

Bổ sung 3 chức danh lãnh đạo thuộc đối tượng cảnh vệ

Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ do Trung tướng Trần Hải Quân, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh vệ trình bày cho biết, Luật Cảnh vệ được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 20/6/2017, có hiệu lực thi hành ngày 1/7/2018, qua 5 năm triển khai thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được đã xuất hiện một số vướng mắc, bất cập cần phải được sửa đổi, bổ sung, tập trung ở các nhóm vấn đề: Đối tượng cảnh vệ; biện pháp, chế độ cảnh vệ; nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng cảnh vệ.

Trung tướng Trần Hải Quân trình bày tờ trình tại phiên họp.

Về nhóm đối tượng cảnh vệ là con người, theo Trung tướng Trần Hải Quân, dự thảo luật bổ sung đối tượng cảnh vệ là Thường trực Ban Bí thư; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, đã được xác định là lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước theo Kết luận số 35, ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở.

Về nhóm đối tượng cảnh vệ là sự kiện đặc biệt quan trọng, Luật Cảnh vệ quy định tiêu chí hội nghị, lễ hội do Nhà nước tổ chức được xác định là sự kiện đặc biệt quan trọng chưa phù hợp với thực tiễn công tác cảnh vệ về bố trí lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật triển khai thực hiện công tác của lực lượng cảnh vệ. Công tác cảnh vệ luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất trắc, khó lường, ngoài việc bảo đảm an ninh, an toàn đối tượng cảnh vệ còn phục vụ tích cực cho công tác đối ngoại, hình ảnh lãnh đạo Đảng, Nhà nước với bạn bè quốc tế. Do đó, thực tiễn công tác cảnh vệ đòi hỏi pháp luật phải có những quy định để kịp thời điều chỉnh khi xuất hiện các yêu cầu về an ninh hoặc đối ngoại.

Ủy viên Thường trực UBQPAN Vũ Huy Khánh trình bày báo cáo thẩm tra.

Điều này cũng cần được cụ thể trong luật để đảm bảo hành lang pháp lý thực hiện nhiệm vụ. Việc thực hiện nhiệm vụ này không phát sinh biên chế hoặc nguồn lực tài chính, vì thực tế lực lượng Cảnh vệ đã và đang được thực hiện trên cơ sở biên chế hiện có và tài chính hiện tại. Song, Bộ Công an đề xuất sửa đổi theo hướng, căn cứ tình hình an ninh chính trị trong từng giai đoạn, Chính phủ trình UBTVQH bổ sung đối tượng cảnh vệ và việc áp dụng biện pháp, đối tượng cảnh vệ phù hợp quy định của luật này. Trong trường hợp cấp thiết để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo đảm công tác đối ngoại, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ phù hợp với đối tượng không thuộc trường hợp quy định tại điều này.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ gồm 2 điều, trong đó, Điều 1 đề xuất sửa đổi 15/33 điều; Điều 2 là hiệu lực thi hành.

Qua thẩm tra, UBQPAN nhất trí với sự cần thiết ban hành luật này nhằm thể chế hóa các chủ trương của Đảng trong thời gian gần đây, nhất là Nghị quyết số 12 ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị và Kết luận số 35, ngày 5/5/2022, của Bộ Chính trị; tiếp tục cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân; khắc phục những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn công tác cảnh vệ thời gian qua, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác cảnh vệ trong tình hình mới.

Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung thảo luận tại phiên họp.

Việc sửa đổi luật là cần thiết với thực tiễn công tác đối ngoại

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đều khẳng định sự cần thiết của việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ như tờ trình của Chính phủ. Đồng chí Lê Hoài Trung, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương nhấn mạnh, vấn đề được đưa ra sửa đổi là cần thiết với thực tiễn công tác đối ngoại và các hoạt động liên quan đối ngoại. "Những cơ sở được nêu, giải trình rất rõ, tài liệu được chuẩn bị kỹ. Việc nâng cao chất lượng, đảm bảo hiệu quả của lực lượng cảnh vệ là rất cần thiết cho tình hình trong nước, quốc tế hiện nay, do các hoạt động đối ngoại của chúng ta ngày càng tăng", Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương nêu quan điểm.

Phát biểu tại phiên họp, Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an trân trọng cảm ơn sự tham gia rất tích cực, trách nhiệm của các cơ quan đối với dự án luật này, trong đó đồng chí Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội đã chỉ đạo rất cặn kẽ, sâu sát.

Thứ trưởng Lê Quốc Hùng phát biểu tại phiên họp.

Đồng chí Thứ trưởng cho rằng, cần thiết phải quy định khoản 6, Điều 10 dự thảo luật bổ sung thẩm quyền Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ trong trường hợp cấp thiết, vì thực tế áp dụng Luật Cảnh vệ từ năm 2017 đến nay đã có 57 đoàn triển khai công tác cảnh vệ đối với nhiều đối tượng khác để kịp thời giải quyết các yêu cầu của thực tiễn đặt ra, hoặc theo đề nghị của các ban, bộ, ngành, mà lúc đó luật chưa quy định. Và người quyết định sự kiện hoặc đối tượng ấy xuất hiện trên lãnh thổ Việt Nam là đối tượng cảnh vệ thì không ai khác là Bộ trưởng Bộ Công an; nếu không áp dụng đối tượng cảnh vệ thì sẽ uy hiếp đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; đồng thời cũng phù hợp khoản 2 Điều 14 của Hiến pháp.

"Gần đây, chúng tôi quyết định chỉ đạo Công an TP Hà Nội nâng cấp triển khai công tác cảnh vệ đối với 3 đêm lưu diễn của nhóm Black Pink tại Sân vận động quốc gia Mỹ Đình, họ đã bán vé mỗi đêm hơn 30.000 người tham dự. Mặc dù họ không đề nghị nhưng phải chủ động can thiệp ngay, áp dụng biện pháp cảnh vệ, huy động các phương tiện soi chiếu, đảm bảo an ninh để bảo vệ sự kiện này. Đây là ví dụ điển hình, nếu không áp dụng thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm khi có sự cố xảy ra?" - Thứ trưởng Lê Quốc Hùng lý giải.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu chỉ đạo tại phiên họp.

Theo đồng chí Thứ trưởng, thực tiễn vừa qua chưa xảy ra vấn đề gì lạm quyền và người quyết định nhanh gọn việc này, gắn trách nhiệm và chịu trách nhiệm là Bộ trưởng Bộ Công an. Nếu không áp dụng thì có thể khi làm xong các thủ tục, sự kiện đó đã diễn ra rồi, vấn đề liên quan an ninh quốc gia cũng đã xảy ra. "Qua thảo luận, nhiều đại biểu ủng hộ vấn đề này, gắn với khoản 2 Điều 14 Hiến pháp thì rất đúng, đề nghị giữ nguyên vấn đề này trình Quốc hội cho ý kiến", Thứ trưởng Lê Quốc Hùng bổ sung.

Quỳnh Vinh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/bo-truong-bo-cong-an-quyet-dinh-ap-dung-bien-phap-canh-ve-trong-truong-hop-cap-thiet-la-phu-hop-i730137/