Hà Tĩnh: Khai thác tiềm năng kinh tế số trong xúc tiến quảng bá sản phẩm OCOP

Khai thác tiềm năng kinh tế số trong xúc tiến thương mại nhằm kết nối đưa sản phẩm OCOP của Hà Tĩnh vào hệ thống phân phối trong cả nước và xuất khẩu

Trang bị kỹ năng cho thanh niên khai thác tiềm năng kinh tế số

Chiều ngày 16/9, tại Hà Tĩnh, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số trong truyền thông quảng bá sản phẩm OCOP của thanh niên với nội dung “Khai thác tiềm năng kinh tế số trong xúc tiến quảng bá sản phẩm OCOP” để trang bị kỹ năng số cần thiết cho thanh niên vững bước khởi nghiệp.

Toàn cảnh diễn đàn "Khai thác tiềm năng kinh tế số trong xúc tiến quảng bá sản phẩm OCOP"

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Ngô Văn Cương - Bí thư Trung ương Đoàn - cho biết, đây là cơ hội cho các chủ thể, doanh nghiệp, người dân tiếp cận đến các kiến thức và kỹ năng cần thiết để phát triển trên các nền tảng số, định hướng tư duy và khai thác tiềm năng kinh tế số để nâng cao hiệu quả trong xúc tiến quảng bá sản phẩm OCOP.

Theo đó, nội dung chính của diễn đàn sẽ tập trung trao đổi, thảo luận về 3 vấn đề: Khai thác tiềm năng kinh tế số trong phát triển, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP; kinh tế số từ góc nhìn của thương mại điện tử; quảng bá tài nguyên bản địa trên không gian số.

“Đây là 3 vấn đề rất quan trọng, là những giải pháp rất cụ thể để thực hiện những mục tiêu đổi mới trong phát triển kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới bền vững. Với tinh thần đó, tôi mong muốn, các diễn giả, chuyên gia tập trung vào những vấn đề chính, cốt lõi, đặc biệt là những đề xuất, kiến nghị liên quan đến triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, kinh tế số ở Việt Nam trong thời gian tới”, ông Ngô Văn Cương lưu ý.

Cùng với những thế mạnh về các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, Trung ương Đoàn cũng mong muốn trong thời gian tới, lực lượng lao động trẻ tiên phong là đoàn viên, thanh niên trên địa bàn tỉnh sẽ khai thác tối đa tiềm năng kinh tế số để xúc tiến, quảng bá sản phẩm OCOP.

Chia sẻ tại diễn đàn, ông Nguyễn Khánh Toàn - Phụ trách Quan hệ Chính phủ TikTok Việt Nam - lý giải vì sao nên đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử mặc dù đó là điều không hề dễ dàng, là một bài toán thách thức.

“Có những điểm tích cực như các video về sản phẩm OCOP sẽ dễ nổi tiếng với câu chuyện nhân văn, được xem như một chất liệu tuyệt vời. Mỗi sản phẩm được quảng cáo có chất lượng trên trung bình, được đảm bảo bởi cơ quan nhà nước; có ý nghĩa nhân văn, giá trị cộng đồng lớn. Do đó, TikTok Việt Nam đã ký kết hợp tác với Trung ương Đoàn để cùng đẩy mạnh chương trình quảng bá này với tỉ lệ lên xu hướng rất cao và thường được ưu tiên về mặt lưu lượng”, ông Nguyễn Khánh Toàn cho biết.

Hiệu quả từ hoạt động quảng bá sản phẩm OCOP trên nhiều nền tảng được thể hiện qua con số doanh thu tăng hơn 40% so với trước đây, nhiều sản phẩm có mặt trong hệ thống siêu thị lớn, sàn thương mại điện tử có uy tín trong nước và quốc tế.

Về việc này, ông Võ Tá Nghĩa – Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Tĩnh – nhận định, việc khai thác tiềm năng kinh tế số trong hoạt động xúc tiến thương mại là xu thế tất yếu và là một trong những bước đi quan trọng nhằm thích ứng linh hoạt, đẩy mạnh quảng bá, kết nối đưa sản phẩm nông sản chủ lực, sản phẩm OCOP của tỉnh vào các hệ thống phân phối trong cả nước và xuất khẩu.

“Tôi kỳ vọng đây là cơ hội để cơ sở OCOP, thanh niên Hà Tĩnh được trao đổi với các chuyên gia chuyển đổi số hàng đầu trong cả nước về các mô hình kinh tế số đang được áp dụng hiệu quả trong nước và trên thế giới; những khó khăn và định hướng mô hình kinh tế số phù hợp với các cơ sở tại tỉnh Hà Tĩnh”, ông Võ Tá Nghĩa nói.

Bồi dưỡng “hạt nhân số” cho vùng sâu, vùng xa vươn lên khởi nghiệp

Trước đó, sáng 16/9, tại Hà Tĩnh, Trung ương Đoàn tổ chức Hội nghị tập huấn Tăng cường kỹ năng bán các sản phẩm OCOP qua phương tiện số cho thanh niên nông thôn. Đây là một chương trình có ý nghĩa nhằm bồi dưỡng “hạt nhân số” ở vùng sâu, vùng xa vươn lên khởi nghiệp và hỗ trợ người dân tiếp cận với thương mại điện tử.

Tăng cường kỹ năng bán các sản phẩm OCOP qua phương tiện số cho thanh niên nông thôn

Bà Nguyễn Thị Thu Vân - Trưởng Ban Thanh niên nông thôn Trung ương Đoàn - cho biết, thương mại điện tử ở Việt Nam đã và có cơ hội bùng nổ sau đại dịch và trở thành xu hướng, phương tiện mua sắm, tiêu dùng tiếp cận được đa số người dân từ vùng sâu, vùng xa đến đô thị. Trong thời gian ngắn, các trang thương mại điện tử cũng trở nên phổ biến hơn, xu hướng dịch chuyển sang các trang mạng xã hội được thể hiện qua số lượng người dùng có thói quen mua sắm qua Facebook, TikTok Shop tăng nhanh chóng.

Theo đó, số lượng các nhà sáng tạo nội dung ngày càng đa dạng và lan sang nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Điều này khiến người xem vừa cảm nhận được câu chuyện của sản phẩm, có cảm xúc, vừa kích thích nhu cầu tiêu dùng, mua sắm. Trên thực tế, nhiều bạn trẻ chỉ cần xây dựng vài tháng đã có tiềm lực tương đương so với xây dựng cửa hàng truyền thống.

“Vì vậy, Trung ương Đoàn mong muốn sẽ trang bị được kỹ năng cho thanh niên vùng sâu, vùng xa để tận dụng ưu việt kinh tế số để xây dựng kênh bán hàng hiệu quả để trả lời câu hỏi: “Bán đi đâu?”, chị Nguyễn Thị Thu Vân nói.

Đặc biệt hơn cả, khi có năng lực bán hàng trực tuyến qua các trang thương mại điện tử và mạng xã hội, thanh niên nông thôn sẽ thực hiện được mục tiêu kép, đó là vừa xây dựng được hệ sinh thái khởi nghiệp, vừa hỗ trợ được bà con nông dân tiêu thụ nông sản.

Hà Tĩnh mời diễn viên, KOL nổi tiếng quảng bá, giới thiệu các sản phẩm OCOP

Chương trình “Mỗi xã Một sản phẩm” (OCOP) được coi là một trong những chương trình trọng điểm trong Chương trình mục tiêu Quốc gia Xây dựng Nông thôn mới, nhằm thực hiện bền vững các tiêu chí về sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân. Chương trình mở ra cơ hội phát triển cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực và các sản phẩm có lợi thế tại mỗi địa phương.

Đến nay, tỉnh Hà Tĩnh đã có gần 240 sản phẩm được công nhận OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Các sản phẩm được công nhận đều mang đặc trưng sản xuất của các làng nghề truyền thống, phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng của mỗi địa phương như: Bưởi Phúc Trạch, Nhung Hươu Hương Sơn, Kẹo cu đơ, Trầm hương Phúc Trạch, Cam giòn, Bánh đa vừng... đã tạo nên những thương hiệu riêng cho vùng đất Hà Tĩnh.

Hội nghị tập huấn đã thu hút được nhiều chủ thể là những người trẻ có trình độ, nhiệt huyết khởi nghiệp và tạo ra nhiều sản phẩm để tham gia chương trình.

Nhiều gương mặt diễn viên nổi tiếng lên sóng quảng bá các sản phẩm OCOP Hà Tĩnh

“Với cách tiếp cận mới, đổi mới hình thức, tập huấn trực tiếp, hướng dẫn tận tay, cụ thể từng việc, từng bước, quy trình để hỗ trợ thanh niên, chủ thể sản phẩm OCOP thực hành… hứa hẹn sẽ đem lại hiệu quả đáng ngờ.

Thông qua hội nghị tập huấn, thanh niên nông thông tỉnh Hà Tĩnh sẽ hiểu rõ hơn về thương mại điện tử, kỹ năng bán hàng trực tuyến để quảng bá và giải quyết vấn đề tiêu thụ cho bà con nông dân để tiết kiệm thời gian, chi phí giao tiếp, giảm bớt sự phụ thuộc trung gian”, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội Liện hiệp thanh niên tỉnh Hà Tĩnh nhận định.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ha-tinh-khai-thac-tiem-nang-kinh-te-so-trong-xuc-tien-quang-ba-san-pham-ocop-272685.html