Hà Tĩnh: Bèo tây lấp đầy bãi biển

Sau nhiều đợt mưa lũ, dọc bãi biển huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) bèo tây xuất hiện dày đặc, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng rất lớn đến phát triển du lịch biển.

Từng mảng bèo tây trôi dạt trên biển huyện Lộc Hà

Dọc bãi biển từ cảng cá Cửa Sót đến vùng giáp ranh với xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà (dài khoảng 5km) bèo tây trôi dạt về một khối lượng rất lớn. Từng mảng bèo tây nổi dập dềnh trên biển, sau đó bị sóng biển đánh dạt vào bờ kéo theo muôn vàn rác thải, chai lọ, túi ni long...

Bãi biển Xuân Hải, thị trấn Lộc Hà ngập tràn xác cây bèo tây

Mặc dù đây không phải là thời kỳ cao điểm mùa du lịch biển. Vậy nhưng, xác bèo tây phân hủy và rác thải đủ loại đã gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh du lịch biển. Trước tình hình đó, các địa phương, đơn vị liên quan đã huy động lực lượng thu gom, xử lý bèo tây. Tuy nhiên, do khối lượng quá lớn nên việc xử lý không kịp thời, hiệu quả.

“Đều đặn mỗi ngày 2 buổi, tôi cùng một số người được chính quyền thị trấn Lộc Hà hợp đồng thu gom rác trên bãi biển và xử lý bèo tây. Dù đã nỗ lực, cố gắng, song mới chỉ xử lý được một phần bao bì, chai lọ, túi ni long, còn bèo tây khối lượng quá lớn nên chưa thể xử lý được”, bà Đào Thị Tam- thị trấn Lộc Hà cho biết.

Một số người dân thị trấn Lộc Hà đang tích cực thu gom, xử lý rác trên bãi biển

Một số loại rác rưởi được đốt tại chỗ, giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường biển

Bãi biển Xuân Hải thị trấn Lộc Hà nói riêng và bờ biển huyện Lộc Hà nói chung vốn dĩ hoang sơ, cát trắng mịn, nước trong xanh, thu hút rất đông du khách thập phương đến tắm biển, nghĩ dưỡng vào mùa hè. Tuy nhiên, kể từ khi bèo tây trôi dạt về khiến cho nước biển không còn trong xanh, nhiều nơi sủi bọt váng đục.

Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch UBND thị trấn Lộc Hà Văn Thành Đô cho biết, nguyên nhân bèo xuất hiện dày đặc trên biển là do mở cống Đò Điểm (thuộc hệ thống kênh trục sông Nghèn) để tiêu thoát lũ, bèo bị trôi dạt về biển theo dòng nước.

“Địa phương đã có kế hoạch để huy động các đoàn thể ra quân thu gom, xử lý bèo tây, phòng ngừa ô nhiễm môi trường biển. Tuy nhiên do khối lượng bèo tây rất lớn, mưa liên tục nên hiện nay chưa thể xử lý kịp thời”, ông Văn Thành Đô chia sẻ.

Gặp môi trường nước mặn, từng mảng bèo sẽ bị chết, phân hủy theo thời gian

Bèo tây sinh trưởng, phát triển ở môi trường nước ngọt. Vì vậy, khi trôi về biển từng mảng bèo sẽ bị chết, phân hủy, gây ô nhiễm môi trường. Đó là chưa kể đến việc xử lý, chôn lấp tại chỗ gặp nhiều khó khăn, vì phụ thuộc rất lớn vào thời tiết.

Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lộc Hà Phan Tiến Dũng cho biết, sau mưa lũ bèo tây trôi dạt về biển với khối lượng rất lớn. Trước mắt, các loại rác khó phân hủy đang được các lực lượng thu gom, vận chuyển về bãi rác của huyện để xử lý. Còn riêng bèo tây phải đợi đến khi trời nắng mới có thể huy động các đoàn thể và máy móc để xử lý theo phương án chôn lấp tại chỗ.

Văn Chương

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ha-tinh-beo-tay-lap-day-bai-bien.html