Hà Nội vẫn loay hoay cải tạo chợ truyền thống

Chợ truyền thống ngày càng đìu hiu, vắng khách, khó cạnh tranh với các hình thức chợ hiện đại khác. Gìn giữ chợ truyền thống đang là bài toán khó khăn, nhất là ở các đô thị. Bài toán cải tạo, xây dựng chợ không phải là mới nhưng vẫn là khó giải khi chưa thể hài hòa hết lợi ích của các bên.

Chợ truyền thống tồn tại từ nhiều đời nay và là mô hình kinh doanh không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của người dân cả nước nói chung và người dân Thủ đô nói riêng. Tuy nhiên, hiện nhiều chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội đã xuống cấp, không bảo đảm quy chuẩn xây dựng, quy chuẩn phòng cháy chữa cháy, không đáp ứng tiêu chí đô thị; Chợ nhiều năm không được nâng cấp, cải tạo, do đó, sức hút của chợ đối với người tiêu dùng ngày càng giảm sút.

Hiện nay Hà Nội có khoảng 540 chợ truyền thống. Mô hình chợ này đảm nhận khoảng hơn 50% nhu cầu mua sắm của người dân các quận nội thành và ở khu vực ngoại thành là khoảng 70%. Thế nhưng những năm gần đây, nhiều chợ truyền thống ở giữa đất Thủ đô bị xuống cấp nghiêm trọng, lụp xụp, nhếch nhác, không đảm bảo các yêu cầu về an toàn vệ sinh, an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, văn minh thương mại...

Chợ truyền thống hiện luôn trong tình trạng ế ẩm, vắng khách

Từ một khu chợ hoạt động sầm uất, nhộn nhịp với hơn 200 hộ buôn bán kín cả 2 tầng, nhưng hiện tại, chợ Cầu Giấy chỉ còn gần 30 hộ buôn bán ở tầng 1. Toàn bộ tầng 2 bị bỏ trống.

Hàng hóa dễ cháy trong chợ được bày bán dưới những gian hàng lụp xụp. Chợ ế ẩm, xuống cấp, hàng hóa lèo tèo nên nhiều tiểu thương buộc phải rời đi nơi khác mưu sinh.

Tương tự, chợ Kim Liên (quận Đống Đa) là chợ hạng 3, khuôn viên chợ chỉ khoảng hơn 1.000m2 có đến 199 điểm kinh doanh. Đến nay, sau hàng chục năm hoạt động, toàn bộ khu chợ đã xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo các tiêu chí an toàn, vệ sinh của một khu chợ.

Hà Nội vẫn loay hoay với bài toán cải tạo chợ truyền thống

Tình trạng của chợ Ngã Tư Sở (quận Ðống Ða) cũng không khá hơn. Với diện tích hơn 8.000m2, dù được xếp là chợ hạng 1, nhưng hiện đã xuống cấp đến mức báo động. Lượng khách đến mua sắm tại chợ rất thưa vắng, nhiều gian hàng đóng cửa, kệ bày hàng xếp xó, hỏng hóc. Mái chợ dột được che chắn bằng những thanh tre nứa, phủ bạt nhưng đã bị đứt gãy, rách nát...

Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do việc triển khai quy hoạch chợ còn chậm. Chuyển đổi mô hình chợ cũng gặp nhiều khó khăn, muốn chuyển sang hình thức xã hội hóa, nhưng không thể giao cho doanh nghiệp vì phần đất vẫn là đất công, khiến doanh nghiệp không mặn mà tham gia đầu tư.

Cải tạo chợ vẫn là bài toán khó

Theo các chuyên gia kinh tế, không chỉ mang ý nghĩa kinh tế, chợ Hà Nội còn mang ý nghĩa văn hóa, xã hội, du lịch. Vì vậy, việc cải tạo, xây dựng lại các khu chợ cũ, chợ truyền thống tại Hà Nội sẽ góp phần cải thiện điều kiện sống cho người dân, tạo dựng môi trường thương mại đô thị văn minh, hiện đại. Tuy nhiên, việc cải tạo chợ truyền thống đến nay vẫn là bài toán khó.

Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho biết, chợ truyền thống hiện nay vẫn đảm bảo cung ứng 80% hàng hóa tươi sống cho người dân, giải quyết đầu ra cho sản xuất. Mặc dù vẫn còn nhiều hạn chế nhưng chợ không chỉ là nơi mua bán hàng hóa mà còn có vai trò đóng góp vào phát triển du lịch, giao lưu giữa các tầng lớp dân cư và phục vụ cho người nghèo.

Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội

Hầu hết các chợ ở Hà Nội là chợ loại 2, loại 3, vấn đề vệ sinh, an toàn PCCC còn nhiều bất cập. Theo ông Phú, để chợ truyền thống “hút” người tiêu dùng thì việc đầu tiên là cải tạo chợ phải có quy hoạch rõ ràng, minh bạch; Phải đặt ra tiêu chuẩn, tiêu chí xây dựng chợ văn minh như thế nào, quy mô ra sao, nhân viên của chợ được đào tạo như thế nào, tổ chức nguồn hàng và niêm yết giá như thế nào… Cả một bài toán cần phải giải quyết và bộ máy quản lý chợ phải tự chủ, có quy trách nhiệm để đảm bảo khu chợ văn minh.

“Việc cải tạo chợ là hết sức quan trọng, cần quy hoạch, đầu tư cho đúng mực. Những tồn tại của chợ phải được khắc phục sớm và phải có quy hoạch; Cải tạo chợ phải đạt được yêu cầu văn minh, an toàn, hiệu quả; Phải chăm chút chợ và coi đó là bộ phận cấu thành của chợ truyền thống. Tại nhiều nước, người dân đi du lịch họ thường đến chợ chứ không đến siêu thị, tại Việt Nam thì lại bỏ quên địa điểm quan trọng này; Phải coi chợ là mục tiêu để phát triển, cần có chợ du lịch, chợ dân sinh hay chợ đầu mối”, ông Vũ Vinh Phú cho hay.

Cũng theo ông Phú, cải tạo chợ truyền thống là phải quy hoạch đúng, đầu tư đúng; Cải tạo chợ phải đi đôi với quản lý trong khuôn viên chợ, ngoài chợ. Bởi tại nhiều chợ hiện nay vẫn còn tình trạng bán thực phẩm phía ngoài cổng chợ mà không được quản lý. Cải tạo chợ không chỉ phục vụ riêng cho bà con kinh doanh ở chợ nhiều năm mà phải đầu tư thêm diện tích để đưa bà con ở ngoài chợ vào kinh doanh, cắt bỏ chợ cóc, chợ tạm. Ngoài ra cũng nên chú trọng đến vấn đề an toàn PCCC, an ninh chợ, văn hóa kinh doanh chợ, tổ chức nguồn hàng… Cần đầu tư cho xứng tầm, chợ phải thu hút khách du lịch chứ không chỉ để bán hàng cho người dân.

Vấn đề quan trọng là cần có giải pháp đồng bộ, từ cơ chế, chính sách hấp dẫn nhà đầu tư đến sự hợp tác, đồng thuận của tiểu thương để thúc đẩy các dự án cải tạo chợ dân sinh.

Nhiều sạp hàng tại chợ Nghĩa Tân phải đóng cửa vì vắng khách

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia kinh tế, hiện nay, lượng người đến chợ truyền thống vẫn khá phổ biến, do vậy, chợ truyền thống vẫn có thể tồn tại được mặc dù vai trò của nó càng ngày càng giảm so với siêu thị hay trung tâm thương mại. Vậy nên để chợ truyền thống hấp dẫn hơn với người tiêu dùng thì việc đầu tiên là cần cải tạo làm sao để nó thành một khu chợ khang trang có vệ sinh, có tổ chức, có trật tự. Thực tế hiện nay có những khu chợ được xây dựng nhưng lại không có người đến mua-bán, dẫn đến bỏ hoang, rất lãng phí.

Ông Hiếu cho rằng, vấn đề đầu tiên là cần có chính sách tuyên truyền để đưa những người bán lẻ vào hoạt động tại chợ truyền thống; Chợ truyền thống phải được trang bị tiện nghi, đầy đủ. Cùng với đó phải dùng biện pháp hành chính để đưa những người bán lẻ ở khu chợ dân sinh cũng như chợ cóc, chợ tạm vào bán tại chợ truyền thống. Để các tiểu thương tại chợ truyền thống tăng doanh thu thì chất lượng hàng hóa phải được cải tiến, rau, củ, quả phải tươi ngon, thực phẩm phải tươi sống và hấp dẫn.

Ông Hiếu đưa ra một dẫn chứng, ở Mỹ, để có những chợ truyền thống đạt tiêu chuẩn, đằng sau đó là cả một hệ thống hậu cần rất đồ sộ, có phòng lạnh để chứa hải sản cho khu chợ đó, rác thải luôn được thu gom sạch sẽ. Ở châu Âu cũng có những chợ truyền thống như vậy, nhiều người vẫn thích đi chợ truyền thống hơn là siêu thị vì tiểu thương bày bán hàng ở ngay không gian đất trống, rau cỏ, trái cây được bày biện đẹp mắt. Đặc biệt tại đây, họ rất chú trọng đến vấn đề vệ sinh, thịt, cá, thực phẩm luôn được bán đúng nơi quy định và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

“Bên cạnh việc bán hàng trực tiếp, tiểu thương cũng nên kết hợp bán hàng online, hàng hóa phải niêm yết giá. Phải có nghị quyết về chợ của thành phố Hà Nội, của sở Công Thương, của các quận, huyện để triển khai quy hoạch chợ một cách khoa học, bài bản như các nước văn minh đã làm, có như vậy thì 5-10 năm tới chợ truyền thống mới khôi phục được”, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho hay.

Chung Thủy/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/ha-noi-van-loay-hoay-cai-tao-cho-truyen-thong-post1086397.vov