Hà Nội thông qua Nghị quyết sáp nhập, đặt tên, đổi tên thôn, tổ dân phố thuộc 11 quận, huyện

Sáng 21/2, tại Kỳ họp thứ 13 Hội đồng nhân dân Thành phố (HĐND TP) Hà Nội khóa XV với 100% đại biểu có mặt biểu quyết tán thành, HĐND Thành phố đã thông qua Nghị quyết về việc sáp nhập, đặt tên, đổi tên thôn, tổ dân phố (TDP) thuộc 11 quận, huyện trên địa bàn TP Hà Nội năm 2020.

HĐND Thành phố quyết nghị thực hiện việc sáp nhập, đặt tên, đổi tên thôn, TDP thuộc 11 quận, huyện trên địa bàn TP Hà Nội năm 2020, cụ thể như sau: Quận Cầu Giấy sáp nhập 142 TDP để thành lập 74 TDP mới, quận Hoàn Kiếm sáp nhập 651 TDP để thành lập 132 TDP mới, quận Long Biên sáp nhập 156 TDP để thành lập 76 TDP mới, quận Ba Đình sáp nhập 300 TDP để thành lập 136 TDP mới, quận Đống Đa sáp nhập 866 TDP để thành lập 337 TDP mới, quận Hai Bà Trưng sáp nhập 742 TDP để thành lập 242 TDP mới, quận Thanh Xuân sáp nhập 183 TDP để thành lập 82 TDP mới, quận Hoàng Mai sáp nhập 574 TDP để thành lập 223 TDP mới, quận Tây Hồ sáp nhập 293 TDP để thành lập 95 TDP mới, quận Hà Đông sáp nhập 11 TDP để thành lập 6 TDP mới, huyện Ứng Hòa sáp nhập 8 thôn để thành lập 4 thôn mới.

100% đại biểu có mặt tại Kỳ họp biểu quyết tán thành việc sáp nhập, đặt tên, đổi tên thôn, tổ dân phố thuộc 11 quận, huyện

Cùng với đó, thực hiện đổi tên 226 TDP, gồm: Quận Ba Đình đổi tên 46 TDP, quận Cầu Giấy đổi tên 37 TDP, quận Đống Đa đổi tên 26 TDP, quận Hai Bà Trưng đổi tên 17 TDP, quận Hoàng Mai đổi tên 89 TDP, quận Tây Hồ đổi tên 11 TDP.

Trong đợt này có 2 quận (Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm) và 5 huyện (Hoài Đức, Thanh Oai, Đan Phượng, Mỹ Đức, Đông Anh) đề nghị không thực hiện việc sáp nhập thôn, tổ dân phố.

Bởi theo báo cáo của các quận, huyện và khảo sát thực tế cho thấy các thôn trong diện phải sắp xếp nhưng không thể thực hiện được việc sắp xếp vì các thôn trên có vị trí biệt lập, cách xa các thôn liền kề, thôn có nhiều đồng bào ít người sinh sống, đặc điểm văn hóa, tôn giáo, tập quán khác nhau.

Sau khi Nghị quyết được thông qua, số lượng thôn, tổ dân phố mới được thành lập khi thực hiện phương án sáp nhập ở 11 quận, huyện là 1.407 thôn, tổ dân phố (4 thôn, 1.403 tổ dân phố); sau khi sáp nhập sẽ giảm 2.519 thôn, tổ dân phố.

Tại Kỳ họp, Đại biểu HĐND Thành phố đã thảo luận, nhất trí với nội dung về sự cần thiết về việc sáp nhập, đổi tên thôn, tổ dân phố là cần thiết, phù hợp với tình hình thực tiễn và đúng quy định pháp luật.

Thảo luận về dự thảo Nghị quyết, Đại biểu Dương Đức Tuấn (quận Hoàn Kiếm) khẳng định chủ trương sáp nhập tổ dân phố giúp tinh gọn bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả chính quyền địa phương. Quận Hoàn Kiếm có 651 tổ dân phố, với quy mô khác nhau dẫn tới hiện trạng tổ chức hội họp có nhiều khó khăn…

Chính vì đặc điểm tổ dân phố phân tán nên Hoàn Kiếm mới thiết lập mô hình khu dân cư để liên kết các tổ dân phố. Vì thế khi sắp xếp các TDP sẽ phải sắp xếp lại khu dân cư. Về cơ bản nhân dân trên địa bàn quận đồng tình với phương án sáp nhập, sắp xếp này và mong muốn sẽ được thực hiện đồng bộ.

Đại biểu Nguyễn Xuân Lưu (quận Thanh Xuân) đánh giá Thành phố đã chỉ đạo thận trọng, chặt chẽ, cụ thể khi thực hiện triển khai nội dung này. Lãnh đạo TP đã kịp thời lắng nghe, giải quyết kịp thời các kiến nghị của cơ sở, đặc biệt là việc bổ sung tổ phó tổ dân phố, tạo sự đồng thuận rất lớn của cử tri.

Sau sáp nhập, quận Thanh Xuân giảm 101 tổ dân phố, còn 213 tổ dân phố. Sắp tới, quận Thanh Xuân sẽ tiến hành quy trình bầu cử và kiện toàn tổ phó tổ dân phố có thể tham gia cấp ủy chi bộ; rà soát các thủ tục hành chính của người dân sau khi sắp xếp, sáp nhập, đổi tên tổ dân phố; xem xét bố trí kinh phí để cải tạo, nâng cấp mua sắm các trang thiết bị cho các nhà hội họp, nhà văn hóa của phường; sắp xếp các chức danh không chuyên trách tại địa phương.

Đại biểu Đỗ Mạnh Hải (quận Long Biên) cho rằng việc dừng triển khai Đề án để xem xét và sắp xếp thể hiện sự thận trọng, chắc chắn trong công tác lãnh đạo chỉ đạo, nhằm đảm bảo sự sắp xếp sẽ không tác động lớn đến đời sống của người dân.

Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ dân phố sau sáp nhập, Long Biên đã chủ động rà soát nhân sự; rà soát và quản lý các cơ sở vật chất để sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí; rà soát các thủ tục hành chính, hạn chế tối đa việc điều chỉnh tác động đến người dân; điều chỉnh mối quan hệ đặc biệt là các chỉ đạo của cấp quận xuống các tổ dân phố để đảm bảo phù hợp với thực tế hiện nay.

Đại biểu Trần Thế Cương (quận Bắc Từ Liêm) bày tỏ thống nhất cao với nội dung tờ trình. Hiện, quận Bắc Từ Liêm có 181 tổ dân phố, trung bình mỗi năm tăng 6000 dân trong 5 năm qua tăng 30.000 nghìn dân. Theo quy định quận có 3 tổ dân phố trong diện phải sáp nhập, đó là Tổ dân phố số 1 phường Tây Tựu, Tổ dân phố số 6 và số 8 phường Phúc Diễn.

Tuy nhiên trong quá trình khảo sát thực tế, quận Bắc Từ Liêm đề nghị với Thành phố sẽ giữ nguyên, không sáp nhập các tổ dân phố trên. Bởi vì các tổ này nằm biệt lập so với các khu dân cư truyền thống; có đầy đủ hệ công trình, hệ thống chính trị, đoàn thể đang hoạt động ổn định; với tốc độ đô thị hóa như hiện nay thì dân cư sẽ lấp đầy các tổ dân phố này…

N. Hoa

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/ha-noi-thong-qua-nghi-quyet-sap-nhap-dat-ten-doi-ten-thon-to-dan-pho-thuoc-11-quan-huyen-103698.html