Hà Nội thành lập các trung tâm phát triển quỹ đất

Vừa qua, UBND TP Hà Nội đã quyết định thành lập Trung tâm Phát triển quỹ đất thị xã Sơn Tây và các huyện Phú Xuyên, Thường Tín, Thanh Oai. Mô hình này đã được khá nhiều nước phát triển áp dụng như Pháp, Mỹ, Thụy Điển...

Theo đề án của UBND Hà Nội, Trung tâm Phát triển Quỹ đất thị xã Sơn Tây, trực thuộc UBND thị xã Sơn Tây là đơn vị sự nghiệp có thu; có trụ sở, có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng và được mở tài khoản tại Kho bạc nhà nước và các tổ chức tín dụng để hoạt động theo quy định của pháp luật.

Với nhiệm vụ giúp UBND thị xã Sơn Tây tổ chức thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; tạo quỹ đất để đấu giá quyền sử dụng đất, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và ổn định thị trường bất động sản; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất; phát triển các khu tái định cư; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng trên đất; đấu giá quyền sử dụng đất; đấu thầu dự án có sử dụng đất; quản lý quỹ đất đã thu hồi, đã nhận chuyển nhượng, đã tạo lập, phát triển và thực hiện dịch vụ trong lĩnh vực bồi thường, giải phóng mặt bằng trên địa bàn...

Ngoài ra tại các huyện ngoại thành (chủ yếu thuộc tỉnh Hà Tây cũ), TP.Hà Nội tại các Quyết định số 376/QĐ-UBND, 377/QĐ-UBND, 378/QĐ-UBND, UBND TP Hà Nội quyết định thành lập Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Phú Xuyên trực thuộc UBND huyện Phú Xuyên; Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Thường Tín trực thuộc UBND huyện Thường Tín và Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Thanh Oai trực thuộc UBND huyện Thanh Oai.

Sơ qua nội dung, chức năng nhiệm vụ của các Trung tâm Phát triển Quỹ đất được Hà Nội thành lập, chúng ta dễ dàng nhận thấy đây là phiên bản của mô hình Quỹ phát triển đất đai tại nhiều nước, nhưng chưa triệt để do đặc thù của Việt Nam. Tại các nước trên thế giới, do đất đai là sử hữu cá nhân, không phải sở hữu toàn dân nhà nước quản lý như ta nên mô hình có khác đôi phần.

Về phương thức hoạt động, theo ông Phạm Sỹ Liêm, Chuyên gia kinh tế cho biết: Quỹ phát triển đất đai tại các nước hình thành trên cơ sở được Chính phủ thành lập (dưới dạng 1 công ty và có các chi nhánh tại khắp các địa phương), với nhiệm vụ mua tất cả những đất đai người dân bán rồi... để đấy chờ các dự án triển khai.

Hình thức mua đất trước khi có quy hoạch được các lợi thế: Một là vấn đề giá cả, giá mua lúc này rất rẻ và nhà nước cũng chỉ là khách hàng bình thường như mỗi người dân. Hai là, khi có sẵn quỹ đất trong tay, nhà nước lập những quy hoạch xây dựng (giao thông, bệnh viện, trường học...) trên khu đất đó và triển khai xây dựng rất nhanh không mất thời gian giải phóng mặt bằng.

Ba vấn đề quan trọng nhất trong quản lý đất đai tại bất cứ nước nào trên quả địa cầu chính là phải tôn trọng quyền sở hữu. Đây cũng chính là một trong những nội dung đang vướng của Việt Nam khi sửa đổi Luật đất đai năm 1993 cũng như khó huy động được các nguồn lực từ đất cho đầu tư hạ tầng đang được các chuyên gia bàn thảo nhiều hiện nay...

(Nam Phương)

Nguồn eFinance: http://www.taichinhdientu.vn/home/ha-noi-thanh-lap-cac-trung-tam-phat-trien-quy-dat/20122/120347.dfis