Hà Nội: Những điểm mới của mùa quyết toán thuế năm 2024

Với việc quản lý hơn 200.000 doanh nghiệp, cá nhân, nhiệm vụ chuyển đổi số của Cục Thuế Hà Nội gần như bắt buộc. Đơn vị này cũng đã xây dựng và thực hiện nhiều phương án hiệu quả để giúp người nộp thuế giải đáp thắc mắc và thuận tiện hơn trong quá trình thực hiện làm thủ tục nộp thuế.

Phóng viên Báo Kinh tế và Đô thị đã có cuộc trao đổi với Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Vũ Mạnh Cường về việc ứng dụng CNTT trong công tác quản lý thuế và các vấn đề, điểm mới trong Tháng đồng hành, hỗ trợ người nộp thuế quyết toán thuế của Cục Thuế TP Hà Nội.

Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Vũ Mạnh Cường

Phóng viên: Tháng đồng hành hỗ trợ người nộp thuếlà hoạt động thường niên của Thuế Hà Nội nhiều năm nay. Năm 2024, tháng đồng hành được triển khai từ ngày 18/3- 2/5/2024 có điểm gì khác so với mọi năm không?

Ông Vũ Mạnh Cường, Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội: Việc tổ chức tháng đồng hành cùng người nộp thuế từ 18/3 đến 2/5 được triển khai ở văn phòng Cục và đồng loạt trên 25 Chi cục Thuế. Việc đồng hành cùng người nộp thuế được đăng tải thông qua website, người nộp thuế có thể chuyển bất kỳ câu hỏi nào mà mình quan tâm và vướng mắc lên Cổng thông tin điện tử của Cục Thuế Thành phố Hà Nội.

Không chỉ người nộp thuế của Cục Thuế Hà Nội mà các tỉnh bạn, các chi nhánh hoặc các doanh nghiệp mà đang quan tâm đến vấn đề này cũng sẽ được giải đáp kịp thời.

Phóng viên:Thời gian qua, Cục Thuế Hà Nội là một trong những đơn vị đi đầu trong công tác chuyển đổi số. Xin ông cho biết, Cục đã ứng dụng CNTT vào công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế như thế nào?

Ông Vũ Mạnh Cường, Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội: Thời gian qua, ngành Thuế nói chung và kinh tế Hà Nội nói riêng đã có những bước chuyển mình rõ rệt trong việc ứng dụng CNTT để hỗ trợ đồng hành với người nộp thuế.

Một trong những kết quả của việc ứng dụng CNTT thể hiện qua việc cộng đồng doanh nghiệp rất quan tâm đến những hội nghị trực tuyến giải đáp thắc mắc và tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế.

Hội nghị truyến tuyến được tổ chức giúp người nộp thuế có thể ngồi bất kỳ đâu để theo dõi và gửi câu hỏi về những vấn đề mình quan tâm lên Cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế, để cơ quan thuế có thể truyền tải lại những vướng mắc, những vấn đề mà người nộp thuế chưa rõ. Từ đó, cơ quan thuế có thể hướng dẫn về thủ tục đến hàng nghìn người nộp thuế.

Cục Thuế Hà Nội tổ chức buổi đối thoại trực tuyến với người nộp thuế

Hiện nay, Cục Thuế Thành phố Hà Nội quản lý hơn 230.000 doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Với khối lượng người nộp thuế đông như vậy, việc chuyển đổi số là bắt buộc. Những hội nghị này đã mang lại thành công vượt trội so với hội nghị giải đáp thông thường, truyền thống.

Ngoài ra, chúng tôi đã áp dụng thủ tục chuyển đổi số, thủ tục hành chính thuế thông qua những bộ QR code số hóa, giúp người nộp thuế có thể dễ dàng dùng điện thoại thông minh, các thiết bị cầm tay để tra cứu thủ tục dễ dàng. Một người nộp thuế chưa hiểu gì về thủ tục thuế, thì thông qua bộ QR code có thể hiểu rất rõ và thực hiện kê khai nộp thuế dễ dàng hơn.

Chúng tôi cũng thống kê lại tất cả những vướng mắc, những nội dung mà người nộp thuế đang quan tâm thành một kho cơ sở dữ liệu, để làm giàu cơ sở dữ liệu của ngành Thuế nói chung và cơ quan Thuế Hà Nội nói riêng; Phân thành các nhóm vấn đề mà người nộp thuế đang quan tâm, như hóa đơn kê khai nộp thuế, ưu đãi miễn giảm và chúng tôi cũng phân nhóm các đối tượng để người nộp thuế có thể dễ dàng tra cứu. Các nhóm đối tượng bao gồm: Người nộp thuế mới thành lập, người nộp thuế ở khu vực hành chính công, hành chính sự nghiệp, y tế, giáo dục,...

Phóng viên: Được biết, Cục Thuế Hà Nội đã xây dựng ứng dụng theo dõi sức khỏe doanh nghiệp. Ông có thể trao đổi thêm thông tin về hiệu quả của việc triển khai ứng dụng này?

Ông Vũ Mạnh Cường, Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội: Hiện, Cục Thuế đã xây dựng ứng dụng theo dõi sát sức khỏe của doanh nghiệp thông qua các bộ tiêu chí đánh giá rủi ro, để có thể nắm bắt kịp thời tình hình sức khỏe kinh doanh của doanh nghiệp.

Qua đó, chúng tôi có được kế hoạch thu ngân sách, kế hoạch theo từng kịch bản, phù hợp với từng thời kỳ và cũng nắm bắt kịp thời những vướng mắc của người nộp thuế. Thông qua quá trình đồng hành của người nộp thuế, chúng tôi nắm bắt được kịp thời những vấn đề mà người nộp thuế đang quan tâm để có thể giải quyết một cách kịp thời.

Phóng viên: Được biết, thời gian qua, Cục Thuế Hà Nội đã triển khai quyết liệt việc thực hiện làm sạch dữ liệu hóa đơn. Công tác làm sạch hóa đơn có ý nghĩa thế nào với quản lý thuế, thưa ông?

Ông Vũ Mạnh Cường, Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội: Về nội dung làm sạch hóa đơn, chúng tôi xây dựng 2 ứng dụng. Một ứng dụng phục vụ cho người nộp thuế để họ có thể tra cứu dễ dàng, xem đối tác của mình có vi phạm pháp luật về thuế trong thời gian vừa qua hay không.

Một ứng dụng dành riêng cho cơ quan thuế, phục vụ việc rà soát, truy quét tất cả những doanh nghiệp có dấu hiệu mua bán hóa đơn bất hợp pháp.

Định kỳ ngày mùng 1 và ngày 15 hàng tháng, cơ quan Thuế ở văn phòng Cục và 25 Chi cục Thuế tổ chức đối thoại, hướng dẫn những doanh nghiệp vừa mới thành lập, những doanh nghiệp chuyển địa điểm từ các địa phương khác sang, để chúng tôi nắm bắt kịp thời kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời, hướng dẫn doanh nghiệp những thủ tục hành chính về thuế, để doanh nghiệp có thể dễ dàng nắm bắt, tuân thủ.

Qua việc nắm bắt kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp, chúng tôi cũng sẽ phát hiện được doanh nghiệp có ý định mua bán gian lận hóa đơn, gian lận thương mại hay không, để chúng tôi kịp thời ngăn ngừa, phòng ngừa.

Chính vì vậy, trong thời gian vừa qua, ngành thuế trên địa bàn Hà Nội đã thực hiện làm sạch địa bàn và giữ vững được môi trường lành mạnh, minh bạch và công bằng với những người nộp thuế hoạt động một cách minh bạch.

Giang Du

Nguồn Thị Trường Tài Chính: https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/tai-chinh/ha-noi-nhung-diem-moi-cua-mua-quyet-toan-thue-nam-2024-121222.html