Hà Nội: Nguy cơ cỏ mọc thành...'rừng' trên một số tuyến đường

Sau thời gian gần 1 năm Hà Nội giảm tần suất cắt tỉa cỏ để tiết kiệm chi phí ngân sách, hiện nay, trên một số tuyến đường của Hà Nội, cỏ lại mọc um tùm, tràn ra cả lòng đường…, thậm chí hai bên tuyến đường Đại lộ Thăng Long nguy cơ cây, cỏ mọc thành "rừng".

Tuyến đường Đại lộ Thăng Long cỏ, cây mọc um tùm và nguy cơ biến thành "rừng" nếu không có kế hoạch cắt tỉa cụ thể. Ảnh Cao Nguyên.

Nên cắt cỏ từ 3-6 tháng/lần chứ không thể dừng

Mới đây, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2017 của Ban chỉ đạo Chương trình 07 về "Nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2020".

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho rằng, với việc xây dựng chế độ định mức, Thành ủy đã có ý kiến, Chủ tịch UBND thành phố đã giao sở, ngành đánh giá, báo cáo lại về quy trình thực hiện vệ sinh môi trường, phun nước, hút bụi... Bí thư Thành ủy gợi ý, tại các tuyến đường xuyên tâm từ trung tâm thành phố ra các huyện, dựa vào độ lớn của cỏ, có thể cắt tỉa 6 tháng/một lần chứ không thể không cắt. Còn tại các quận trung tâm nên cắt định kỳ 3 tháng/một lần thay vì cắt tỉa hàng ngày.

Trong khi đó, theo ghi nhận, hiện nay một số tuyến đường ở Hà Nội tình trạng cỏ mọc um tùm. Điển hình dải phân cách dọc Đại lộ Thăng Long đang bị cây cỏ mọc cao bằng đầu người, tại một số điểm cây cao che lấp biển báo giao thông. Nhiều điểm đoạn qua quận Nam Từ Liêm, cây cỏ mọc cao như một khu rừng khiến tầm quan sát hạn chế ngoài ra còn làm ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị. Còn dọc tuyến Láng - Giảng Võ cảo mọc tràn cả ra mép đường.

Cỏ mọc um tùm trên đường Đại lộ Thăng Long. Ảnh Cao Nguyên

Thực tế, công việc chăm sóc cây xanh chỉ được thực hiện ở đoạn gần Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình. Những km còn lại chạy qua các quận, huyện Nam Từ Liêm, Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất công việc này dường như bị "bỏ quên", cỏ dại, cây bụi mọc um tùm.

Việc cỏ mọc um tùm xuất phát từ việc chi phí quá cao. Ngày 15.8.2016, tại cuộc tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, mỗi năm riêng chi phí cắt cỏ, tỉa cây trúc anh đào, dâm bụt cho 24 km đại lộ Thăng Long là 53 tỉ đồng. Cho rằng mức giá trên là “không thể chấp nhận được”, ông Chung yêu cầu dừng việc cắt cỏ, tỉa cây trên toàn tuyến từ 1.7.2016, chỉ duy trì một số khu vực trung tâm.

Tiết kiệm chứ không nên bỏ mặc

Tiết kiệm ngân sách là một trong những tiêu chí hàng đầu cần phát huy. Tuy nhiên, những nhà quản lý cũng cần phải có những biện pháp, kế hoạch để vừa tiết kiệm, vừa đảm bảo được mỹ quan đô thị.

Bà Phạm Thị Thơm (ở Hoài Đức, Hà Nội) chia sẻ, trước đây tuyến đường Đại lộ Thăng Long cây cỏ được chăm sóc rất kỹ và đẹp, nhưng gần một năm trở lại đây, không thấy bóng dáng của nhân viên môi trường làm việc. “Người dân chúng tôi ủng hộ việc hạn chế cắt tỉa cây để giảm chi phí cho ngân sách, nhưng phải cân đối để vừa tiết kiệm, vừa đảm bảo được mỹ quan đô thị”, bà Thơm chia sẻ thêm.

Trao đổi với Lao Động, PGS.TS Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng đưa quan điểm, giảm tần suất các hoạt động cắt cỏ, tỉa cây để tiết kiệm ngân sách là đúng. Tuy nhiên, việc để một số tuyến đường cỏ mọc um tùm như vậy cần phải có những lý do cụ thể. Theo PGS. TS An, đồng ý việc tiết kiệm nhưng vẫn phải đảm bảo thẩm mỹ cảnh quan cho Thủ đô Hà Nội. “Dừng cũng phải dừng cho hợp lý, chứ không thể bỏ mặc được. Những việc cần làm thì phải làm, cần chi thì vẫn phải chi, không lãng phí là được. Đấy là cách quản lý hiện đại”, PGS. TS An nói thêm.

Trên đường Đại lộ Thăng Long, công việc chăm sóc cây xanh chỉ được thực hiện ở đoạn gần Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, những km còn lại dường như bị "bỏ quên". Ảnh CN.

Cũng theo PGS.TS Bùi Thị An, dừng lại để xem xét khác với với chuyện dừng hẳn việc cắt cỏ, để cỏ mọc um tùm 2-3 tháng. Nếu như vậy không phù hợp với thẩm mỹ Thủ đô. Việc dừng tại thời điểm đó để xem xét lại vấn đề thu – chi nhưng phải tìm phương án chứ không được dừng hẳn vì cỏ mọc rất nhanh, cảnh quan đô thị bị ảnh hưởng trầm trọng.

“Hà Nội là Thủ đô của cả nước, là nơi giao lưu của cả nhân dân, của quốc tế. Chính vì vậy, những người quản lý cần phải cân đong đo đếm để cho phù hợp, vừa thẩm mỹ vừa tiết kiệm”, bà An nói thêm.

Còn theo KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội - việc cắt tỉa cỏ cần phải có thời gian nhưng không nên dừng hẳn. Nếu dừng lại tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị rất lớn.

Ông Nghiêm cho rằng, trường hợp giảm tần suất cắt tỉa cỏ, cây xanh thì cần phải xem chủng loại cây. Cần xem xét từng điều kiện cụ thể ví dụ như mùa hè, mùa đông, mùa thu, thậm chí xem xét các tuyến đường trọng tâm, tuyến đường mang diện mạo của Thủ đô thì cần phải chú trọng hơn.

Cao Nguyên

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/ha-noi-nguy-co-co-moc-thanhrung-tren-mot-so-tuyen-duong-684473.bld