Hà Nội: Ngập úng tiếp tục diễn biến phức tạp

Hôm nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội xảy ra mưa trên diện rộng khiến nhiều khu vực rơi vào cảnh ngập úng, gây khó khăn cho việc di chuyển của các phương tiện.

Lượng mưa vượt ngưỡng 200mm

Theo thông tin từ Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, cơn mưa lớn kéo dài ngày 28/9 khiến nhiều khu vực tại Thủ đô rơi vào tình trạng ngập úng được chia làm 2 đợt.

Trong đó, đợt 1 tập trung từ 0 giờ đến 6 giờ ngày 28/9, đợt 2 từ 8 giờ đến 9 giờ ngày 28/9 với lượng mưa chạm ngưỡng hơn 200mm gây ngập úng nhiều khu vực.

Lượng mưa ghi nhận từ ngày 27 đến 28/9 chạm ngưỡng trên 200mm.

Cụ thể, từ thời điểm 8 giờ đến 9 giờ ngày 28/9, mưa lớn với lượng mưa trung bình từ 50 - 100mm kết hợp với mực nước trên hệ thống đang ở ngưỡng cao do ảnh hưởng trận mưa ngày 27/9 nên đến 10 giờ ngày 28/9 trên địa bàn thành phố xuất hiện nhiều điểm úng ngập như: Thụy Khuê, Phú Xá, Khu đô thị Resco, Hoa Bằng, Dương Đình Nghệ - Keangnam, Phan Văn Trường, Trần Bình, Nguyễn Chính, Huỳnh Thúc Kháng, Vương Thừa Vũ, Bùi Xương Trạch, Tố Hữu, khu vực hầm chui 3,5,9+656 Đại lộ Thăng Long, Đỗ Đức Dục, Nguyễn Xiển, Triều Khúc, Quang Trung, Tô Hiệu (Hà Đông)... giao thông đi lại khó khăn

Đặc biệt, theo Trung tâm dự báo KTTV quốc gia, hiện nay, khu vực nội thành Hà Nội đang có mưa vừa, mưa to đến rất to. Dự báo trong 3 giờ tới, khu vực nội thành Hà Nội và các vùng lân cận vẫn tiếp tục có mưa vừa đến mưa to với lượng mưa phổ biến trong khoảng từ 60 - 80mm, có nơi trên 100mm. Mưa lớn khiến nhiều khu vực ở nội thành rơi vào tình trạng ngập úng với độ sâu phổ biến từ 15 - 30cm, thậm chí là 30 - 40cm.

Cụ thể, các khu vực có nguy cơ xảy ra ngập úng gồm các khu vực: Cao Bá Quát, Đội Cấn, Đào Tấn, Liễu Giai, Ngọc Khánh, Cao Bá Quát, Minh Khai, Vân Hồ, Nguyễn Công Trứ, Ngã 5 Bà Triệu, Lò Đúc, Vương Thừa Vũ, Quan Nhân, Nguyễn Tuân, Nguyễn Trãi, Bùi Xương Trạch, Cự Lộc, Triều Khúc, Lương Thế Vinh, Nguyễn Huy Tưởng, Định Công, Phan Bội Châu – Lý Thường Kiệt, Đường Thành Bát Đàn - Nhà Hỏa, ngã tư Tràng Tiền - Hàng Bài, Quang Trung, Nguyễn Hữu Huân, phố Nguyễn Gia Thiều, Phùng Hưng, hầm Kim Liên, Lê Duẩn, Chùa Bộc, Tôn Thất Tùng, Dương Đình Nghệ, Phạm Hùng, Tôn Thất Thuyết, Nam Trung Yên, Hoa Bằng, Trần Bình, Bến xe Mỹ Đình, Mỗ Lao, khu đô thi ̣Văn Phú, Lê Trọng Tấn, Ngọc Lâm, Hoàng Như Tiếp, ngã tư Aeon Long Biên...

Tăng cường ứng trực hạn chế ngập úng

Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội Nguyễn Việt Hương cho biết, trong hoàn cảnh hạ tầng thoát nước chưa theo kịp tốc đô đô thị hóa thì với những trận mưa có cường độ lớn, kéo dài thì tình trạng ngập úng là điều khó tránh khỏi, đã được cảnh báo từ trước. Và để giảm thiểu tình trạng ngập úng, công ty đã yêu cầu các đơn vị có liên quan tăng cường ứng trực, kiểm tra, xử lý kịp thời các tình huống phát sinh để giảm thiểu thời gian, khu vực xảy ra ngập úng.

Tình trạng ngập úng tại Thủ đô tiếp tục diễn biến phức tạp.

Cụ thể, đối với lưu vực Tô Lịch ngay từ thời điểm xảy ra mưa, Công ty đã vận hành các cửa phai, trạm bơm đầu mối để hạ mực nước trên hệ thống theo đúng quy trình. Triển khai lực lượng ứng trực, giải quyết thoát nước, tua vớt rác tại miệng thu trên toàn địa bàn quản lý. Hiện tại Trạm bơm Yên Sở vận hành tối đa công suất với 20/20 bơm.

Đối với lưu vực Sông Nhuệ, công ty đã vận hành tối đa công suất các trạm bơm Đồng Bông 1, Đồng Bông 2, Cổ Nhuế… Đồng thời chủ động liên hệ với Sở Nông nghiệp PTNT đề nghị vận hành trạm bơm Yên Nghĩa hạ mực nước sông Nhuệ để đảm bảo thoát nước khu vực Tả Nhuệ; các đơn vị thủy lợi vận hành trạm bơm Đào Nguyên, Cầu Sa giải quyết cho chui số 5, 6 Đại lộ Thăng Long. Hiện tại trạm bơm Yên Nghĩa đã vận hành 5/12 tổ máy bơm.

Đối với lưu vực Bắc Hồng, hệ thống thoát nước trên địa bàn lưu vực Bắc Hồng an toàn, không xuất hiện điểm úng ngập. Tuy nhiên, hiện tại mực nước trên sông Cầu Bây ở ngưỡng cao (tại đập Trại Lợn là 3,86m), tiềm ẩn nguy cơ úng ngập trên địa bàn quận Long Biên. Công ty đã bố trí lực lượng ứng trực sẵn sàng giải quyết các sự cố phát sinh.

Theo dự báo của Đài KTTV khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ: Do ảnh hưởng của rìa phía Bắc dải hội tụ nhiệt đới có trục qua Trung Bộ kết hợp với rìa Tây Nam áp cao lục địa, trên địa bàn thành phố Hà Nội tiếp tục có mưa vừa, mưa to, lượng mưa phổ biến từ 20 - 40mm, có nơi lớn hơn.

“Các lực lượng, phương tiện của Công ty vẫn thực hiện ứng trực theo phương án được duyệt, tập trung vệ sinh, kiểm tra thanh thải đảm bảo thông thoáng dòng chảy, vận hành các cửa phai, trạm bơm nhằm hạ mực nước trên toàn bộ hệ thống sẵn sàng đón mưa” – Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội Nguyễn Việt Hương nhấn mạnh.

Theo tính toán của Sở Xây dựng Hà Nội, trong năm 2023, với các trận mưa có lượng mưa dưới 50mm/giờ, Hà Nội sẽ không xảy ra úng ngập, cơ bản chỉ tồn tại một vài vị trí ứ đọng nước do mặt đường trũng thấp hoặc hệ thống thoát nước gặp sự cố. Đối với các trận mưa có lượng mưa từ 50 - 70mm/giờ, Hà Nội dự kiến sẽ có 11 điểm/khu vực úng ngập gồm phố: Nguyễn Khuyến, Hoa Bằng, ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt, ngã năm Đường Thành - Bát Đàn - Nhà Hỏa, Cao Bá Quát, Thụy Khuê (đoạn dốc La Pho), Minh Khai (đoạn chân cầu Vĩnh Tuy), Nguyễn Chính, Đại lộ Thăng Long, phố Ngọc Lâm, đường Hoàng Như Tiếp. Ngoài ra, 1 điểm Nguyễn Chính đã được đầu tư cải tạo thoát nước năm 2022, cần theo dõi đánh giá trong mùa mưa năm nay.

Đối với các trận mưa có cường độ cao, tập trung trong thời gian ngắn, lượng mưa đến 100mm/giờ trở lên, gây quá tải cho hệ thống thoát nước, dự kiến trên địa bàn TP xuất hiện thêm 19 điểm/khu vực úng ngập cục bộ, gồm: phố Tông Đản, Đinh Tiên Hoàng, Phùng Hưng, ngã ba Cầu Giấy - Dịch Vọng, phố Mạc Thị Bưởi, Quan Nhân, Cự Lộc, Nguyễn Trãi, Phan Văn Trường, Dương Đình Nghệ, Trần Bình, Kẻ Vẽ, Ecohome3, Khu đô thị Resco, phố Đỗ Đức Dục, đường Nguyễn Xiển, Cổ Linh - Đàm Quang Trung, Quốc lộ 3 đoạn qua xã Mai Lâm (huyện Đông Anh) và đường 23B đoạn qua thôn Cổ Điển (huyện Đông Anh).

Vân Nhi

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ha-noi-ngap-ung-tiep-tuc-dien-bien-phuc-tap.html