Hà Nội lo ngại tình trạng bội nhiễm, kháng thuốc khi bệnh nhân mắc sốt xuất huyết

Ngày 18.8, tại buổi giao ban giữa Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết tại Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội đã đề nghị được phun hóa chất vào ban ngày bằng máy phun cỡ lớn với lý do dịch sốt xuất huyết đã bùng phát, khó kiểm soát.

Báo cáo tại cuộc họp, Phó giám đốc Sở y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết tính từ đầu năm đến ngày 18.8, Hà Nội đã ghi nhận 17.365 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết dengue, 7 trường hợp tử vong. Đáng chú ý, vài ngày gần đây số mắc mới đã có xu hướng giảm. Tuy vậy, ông Hạnh nhấn mạnh, diễn biến vẫn còn rất phức tạp, chưa thể dự báo trước được điều gì, nhất là khi thời tiết mưa nhiều như hiện nay thì các ổ bọ gậy, lăng quăng phát triển lại rất nhanh. Những con muỗi làm lây lan sốt xuất huyết lại hoạt động chủ yếu từ 8 đến 10 giờ sáng. Chính vì vậy, việc sử dụng những ô tô cỡ lớn, phun thuốc thành hình vòi rồng sẽ có tác dụng diệt trừ muỗi một cách nhanh chóng hơn ở khu vực diện rộng.

Tại cuộc họp giao ban phòng chống dịch bệnh, Phó Chủ tịch UBND Quận Hoàng Mai, ông Trần Quý Thái cho biết, suốt mấy tuần qua, toàn quận đã căng mình phòng chống dịch, tất cả các lực lượng đã được huy động, đặc biệt là lực lượng cán bộ y tế. Thậm chí vì áp lực diệt muỗi, diệt bọ gậy phòng chống sốt xuất huyết quá lớn, phải căng mình làm việc không có ngày nghỉ, trên địa bàn quận vừa có một cán bộ đội chống dịch của trung tâm y tế quận và một trạm trưởng trạm y tế phải làm đơn xin nghỉ vì không chịu được.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến

Hiện nay, dịch sốt xuất huyết đang có chiều hướng gia tăng, nhiều bệnh viện đang trong tình trạng quá tải, lượng bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện điều trị nhiều. Hầu hết, các bệnh nhân bị sốt xuất huyết là do muỗi đốt truyền cho. Trong khi các bệnh viện đang chịu sức ép rất lớn về tình trạng quá tải bệnh nhân thì không khí bị nhiễm khuẩn trong bệnh viện khiến nhiều bệnh nhân trở bệnh nặng hơn.

Lo lắng về điều này, bác sĩ Nguyễn Đức Khoa - Phó phòng kiểm soát dịch bệnh Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết: "Virus gây sốt xuất huyết lây truyền chủ yếu qua trung gian truyền bệnh là muỗi vằn. Muỗi hút máu người bệnh, mang theo virus rồi truyền sang cho người lành, gây ra bệnh sốt xuất huyết. Các bệnh nhân nằm cùng với nhau trong viện ở tình trạng đông đúc sẽ khiến quá trình điều trị kéo dài, tốn kém cả về thời gian và kinh tế, hơn nữa lại gia tăng những chủng vi đa kháng thuốc, nhiễm khuẩn chéo khiến việc chữa bệnh càng thêm khó khăn".

Theo Bộ Y tế, nhiễm khuẩn bệnh viện đang là một trong những thách thức và mối quan tâm hàng đầu tại Việt Nam cũng như trên toàn thế giới, vì đây là những nhiễm khuẩn mắc phải trong thời gian người bệnh nằm viện. Do đó, để ngăn ngừa nhiễm khuẩn thì việc đầu tiên đòi hỏi các bệnh viện nhân viên y tế phải thực hiện nghiêm ngặt các quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn, xây dựng mô hình tiệt trùng trung tâm. Phát hiện và tổ chức cách ly sớm bệnh nhân mắc nhiễm khuẩn bệnh viện để phòng ngừa lan truyền các vi khuẩn đa kháng kháng sinh. Đồng thời cải thiện cơ sở hạ tầng, thiết bị y tế cho các bệnh viện theo xu hướng, công nghệ hiện đại của thế giới.

Cũng liên quan đến vấn đề này, xác nhận với phóng viên, PGS.TS Nguyễn Văn Kính - Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho hay, những ngày gần đây bệnh nhân đến khám do mắc sốt xuất huyết đã giảm so với đợt cao điểm cách đây hơn 1 tháng. “Trung bình mỗi tuần có 280 - 300 bệnh nhân điều trị, trong vài ngày gần đây bệnh nhân đã giảm. Hiện bệnh viện đang thực hiện đúng chỉ đạo của Bộ trưởng về việc chuyển bệnh nhân sang cơ sở 2 ở Đông Anh để tránh quá tải. Tránh tình trạng kháng thuốc của bệnh nhân”, PGS Kính cho hay.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ đạo Hà Nội cần phải tập trung dập dịch triệt để, phun hóa chất phải đủ 3 lần và pha đúng tỷ lệ hóa chất. “Chúng ta không nên phun một lần rồi đi không trở lại, mà cần phải phun đủ 3 lần như vậy mới mang tính bền vững. Các ngành y tế cần phối hợp với ngành giáo dục để tuyên truyền, vì tới đây năm học mới bắt đầu, lúc đó nếu không làm tốt dịch sẽ bùng phát rất nhanh. Phải đảm bảo phòng dịch trong trường học, nếu không năm học mới bắt đầu lúc đó không chỉ Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương mà cả Bệnh viện Nhi Trung ương cũng đối mặt với quá tải vì các cháu đã bắt đầu năm học mới”, Bộ trưởng chia sẻ.

Dạ Thảo

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/suc-khoe-c-84/ha-noi-lo-ngai-tinh-trang-boi-nhiem-khang-thuoc-khi-benh-nhan-mac-sot-xuat-huyet-69731.html