Hà Nội: Hơn 200 hộ gia đình gần 20 năm không có… nhà văn hóa

Sự việc tưởng chừng rất khó tin lại diễn ra tại quận Hà Đông, Hà Nội khi một tổ dân phố với hơn 200 hộ gia đình, đã không có nhà sinh hoạt cộng đồng suốt gần 20 năm qua.

Tâm nguyện gần hai mươi năm

Theo tìm hiểu của phóng viên, khu B Học viện Chính trị quân sự được thành lập theo Quyết định số 1045/QĐ-QP ngày 13/8/1997 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Khu tập thể này gồm hơn 200 hộ gia đình là cán bộ, công nhân viên quốc phòng (công tác tại Học viện Chính trị quân sự và Bệnh viện Trung ương quân đội 108) được giao đất làm nhà ở.

Ngày 26/7/2005, UBND thị xã Hà Đông (nay là quận Hà Đông) ban hành quyết định số 2906/QĐ-UB về việc thành lập tổ dân phố số 14 (nay là tổ dân phố số 16, thuộc phường Quang Trung, quận Hà Đông, Hà Nội) với tiền thân là tập thể khu B Học viện Chính trị, nâng cấp thành tổ dân phố số 16, đến nay gần 20 năm, hơn 200 hộ dân với trên 500 nhân khẩu, vẫn chưa có nhà sinh hoạt cộng đồng.

Theo phản ánh của người dân tổ dân phố số 16, phường Quang Trung, việc không có nhà văn hóa khiến việc sinh hoạt cộng đồng rất khó khăn, rất bất cập trong việc tuyên truyền chính sách, pháp luật Nhà nước, các quy định của địa phương cũng như các phong trào, các cuộc vận động do cấp trên phát động.

Đặc biệt, những lần tổ chức bầu cử Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp, bầu tổ trưởng, tổ dân phố, các lễ kỷ niệm, các dịp sinh hoạt hè, tết trung thu của các cháu thiếu nhi, hay việc tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao vô cùng khó khăn.

“Những lần tổ dân phố họp bàn đều nhờ vào phòng khách của từng gia đình, ngõ xóm hoặc nhờ hội trường của khu phố khác, chật hẹp, đi lại xa, phải nhờ vả, rất bất tiện”, ông Nguyễn Văn Quỳnh, tổ trưởng Tổ dân phố số 16 cho hay.

Nhiều năm nay bà con tổ dân phố số 16, phường Quang Trung, Hà Đông phải sinh hoạt văn hóa, họp hành ngoài trời (Ảnh: Hà Long)

Đáng chú ý, trong khi hàng trăm hộ dân không có nhà sinh hoạt cộng đồng, thì giữa tổ dân phố lại có một khu đất sử dụng sai mục đích, nên tổ dân phố đã đề nghị cơ quan chức năng cho xây dựng nhà văn hóa ở khu vực này để tiện cho sinh hoạt cộng đồng.

Theo tìm hiểu của PV, khu đất này đã được quy hoạch làm nhà trẻ, phục vụ con em trong khu tập thể. Sau khi cán bộ, công nhân viên quốc phòng của 2 đơn vị về đây sinh sống thì nhà trẻ được xây dựng với diện tích 200m2, còn lại 750m2 chưa sử dụng.

Sử dụng một thời gian, nhà trẻ bị thay đổi công năng, thiết kế, mục đích sử dụng khi có 6 hộ gia đình vào ở. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng cư dân trong khu tập thể không được biết. Con em các gia đình phải gửi ở các nhà trẻ tư nhân.

Sauk hi sự việc được phản ánh, cơ quan chức năng đã thu hồi lại các căn hộ nói trên. Hiện tất cả các hộ sử dụng nhà sai mục đích đã chuyển đi nơi khác, nhà trẻ cũ khóa cửa bỏ không.

Theo tìm hiểu, khu vực nhà trẻ và khu đất trống hàng ngàn m2 gần đó đã được giao cho UBND thành phố Hà Đông quản lý theo quyết định số 375/QĐ-UBND của tỉnh Hà Tây ngày 5/3/2007 để xây dựng nhà chung cư.

“Dự án đã quá hạn nhiều năm, thuộc diện phải thu hồi rồi. Do đó, chúng tôi kiến nghị được xây dựng nhà văn hóa ở vị trí này để tiện lợi cho nhân dân”, đại diện tổ dân phố nói.

Bao giờ có nhà văn hóa?

Về sự việc này, ngày 22/9/2016, UBND phường Quang Trung đã có báo cáo 113/BC-UBND và Thông báo 101/TB-UBND ngày 19/9/2016 về việc xem xét, giải quyết kiến nghị của Tổ dân phố 16.

Ngày 12/10/2016, UBND quận Hà Đông đã có văn bản số 2122/UBND – BTCD báo cáo giải quyết đơn của Tổ dân phố 16 phường Quang Trung, quận Hà Đông, UBND quận giao cho Phòng Quản lý đô thị chủ trì, phối hợp với Phòng Tài nguyên & Môi trường, UBND phường Quang Trung rà soát, tổng hợp kết quả; tham mưu văn bản báo cáo Thường trực Thành ủy, Quận ủy theo quy định, thời gian hoàn thành trước ngày 25/10/2016.

Ngày 20/10/2016, UBND Thành phố Hà Nội đã có văn bản số 9776/VP/ĐT do Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thế Hùng ký, giao Sở Xây dựng chủ trì cùng các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Quy hoạch – Kiến trúc, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường và UBND quận Hà Đông kiểm tra, đề xuất, báo cáo UBND Thành phố trước ngày 31/10/2016.

Trao đổi với phóng viên báo Gia đình Việt Nam, ông Hoàng Văn Tám - Chủ tịch UBND phường Quang Trung cho biết: “Việc xây dựng nhà văn hóa là ưu tiên số 1 của phường, quận. Thành phố cũng đã giao cho các Sở, ngành họp ý kiến. Hiện Phòng quản lý đô thị giữ hồ sơ”.

Theo ông Tám, để giải quyết kiến nghị của tổ dân phố số 16, UBND phường đã giao tổ dân phố số 16 sử dụng tầng 1 nhà văn hóa số 15 sinh hoạt tạm thời.

“Ở xa khoảng 150m người dân chưa đồng thuận, ở gần quỹ đất chưa có”, ông Tám nói.

Hiện tại UBND phường Quang Trung đang thực hiện song song 2 phương án:

Phương án thứ nhất: Vận động một số hộ dân đổi đất để xây nhà văn hóa. Có 2 hộ dân đã đồng ý, nếu phương án này được thực hiện thì chi phí xây dựng nhà văn hóa dự kiến khoảng 1,5 tỷ đồng.

Phương án thứ hai: Phường, quận vẫn tiếp tục có công văn gửi Thành phố đề nghị bớt lại quỹ đất hoặc quỹ nhà để làm hội trường cho tổ dân phố số 16 là tốt nhất. Đây cũng là mong muốn của phường, quận.

Theo lãnh đạo phường Quang Trung, hiện tại tổ dân phố có khoảng 200 hộ dân, nếu sắp tới có thêm khoảng 200 nhà công vụ, thì tổ dân phố sẽ có khoảng 400 đến 500 người nên nhu cầu nhà văn hóa là rất cần thiết.

Đại diện tổ dân phố số 16 cho biết thêm: “Phương án bố trí nhà văn hóa tổ 16 trên địa bàn tổ dân phố số 15 hay bố trí cách xa tổ dân phố đều không hợp lý. Thứ nhất, có thể sẽ gây mất đoàn kết và căng thẳng giữa nhân dân 2 tổ dân phố 15 và 16. Thứ hai, hội trường tách hẳn khu dân cư sẽ khó khăn cho công tác quản lý các thiết bị, cơ sở vật chất khi được trang bị. Cán bộ tổ dân phố đều là các đồng chí có tuổi cao, nghỉ hưu, sức khỏe yếu không phải lúc nào cũng có mặt tại hội trường để trông coi được. Nhân dân cũng sẽ ngại đi họp mỗi khi triệu tập nếu hội trường ở xa tổ dân phố. Do đó, phương án bố trí nhà văn hóa ở ngay trong tổ dân phố là hợp lý nhất. Vấn đề là thời gian bao giờ chúng tôi có nhà văn hóa?”.

Báo Gia đình Việt Nam sẽ tiếp tục phản ánh sự việc đến độc giả…

Hà Long

Nguồn Gia Đình VN: http://www.giadinhvietnam.com/dieu-tra-don-thu/ha-noi-hon-200-ho-gia-dinh-gan-20-nam-khong-co-nha-van-hoa-d109068.html