Hà Nội giải quyết tranh chấp đất đai để nâng cao chỉ số PCI

Giải quyết vướng mắc về đất đai, cơ sở hạ tầng cho người dân và doanh nghiệp luôn là vấn đề thời sự và được dư luận xã hội hết sức quan tâm.

Việc giải quyết tranh chấp đất đai được nhiều người dân, doanh nghiệp quan tâm, đặc biệt là tại những thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng và Quảng Ninh....

Công ty cổ phần Hồng Lam gặp nhiều khó khăn trong việc sử dụng cơ sở hạ tầng, đường đi lối lại trong quá trình lưu thông, vận chuyển hàng hóa. Ảnh: Ngọc Quỳnh/BNEWS/TTXVN

Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện và công bố hồi quý II năm nay ghi nhận rằng, chỉ số PCI năm 2022 của Hà Nội đạt 66,74 điểm, giảm 1,86 điểm so với năm 2021, xếp thứ 20/63 tỉnh, thành phố và giảm 10 bậc so với năm 2021.

Mới đây nhất, UBND thành phố Hà Nội đã tiến hành rà soát và phân tích tình hình thực hiện chỉ số PCI năm 2022; đồng thời, ban hành Kế hoạch 167/KH-UBND ngày 7/6/2023 về nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2023.

Theo đó, cũng ghi nhận kết quả thực hiện PCI 2022 có 7/10 chỉ số thành phần giảm hạng so với năm 2021. Đó là tính năng động và tiên phong của chính quyền tỉnh xếp thứ 53, giảm 24 bậc; Chi phí không chính thức xếp thứ 59, giảm 15 bậc; Chi phí thời gian xếp thứ 15, giảm 10 bậc; Tiếp cận đất đai xếp thứ 59, giảm 9 bậc; Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp” xếp thứ 9, giảm 5 bậc; Đào tạo lao động” xếp thứ 3, giảm 2 bậc.

Ngoài ra, có 3/10 chỉ số thành phần tăng hạng so với năm 2021 là thiết chế pháp lý và an ninh trật tự xếp thứ 44, tăng 4 bậc; chỉ số cạnh tranh bình đẳng xếp thứ 18, tăng 33 bậc và tính minh bạch xếp thứ 18, tăng 39 bậc.

Đánh giá tầm quan trọng của việc giải quyết các vấn đề tranh chấp đất đai, tập trung giải pháp để nâng cao các chỉ số thành phần PCI năm 2023, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã chỉ đạo UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục rà soát, thực hiện quyết liệt để cơ bản hoàn thành 100% cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn; giải quyết vướng mắc và nâng cao tỷ lệ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức; công khai, minh bạch, đúng quy định, không gây khó khăn cho doanh nghiệp liên quan đến thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai; chấn chỉnh tình trạng giải quyết hồ sơ trễ hạn và phải có văn bản thông báo tình trạng hồ sơ và xin lỗi người dân khi hồ sơ trễ hạn.

Cùng với đó, giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì đầu mối xây dựng và triển khai Kế hoạch sử dụng đất thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất năm 2023, 5 năm 2021-2025. Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố sẽ phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện công khai thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; tổ chức cung cấp thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho tổ chức, cá nhân đảm bảo thuận lợi và nhanh chóng; tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh giải phóng mặt bằng; rà soát, thống kê và thu hồi đất của các dự án chậm triển khai, không đưa đất vào sử dụng theo quy định của pháp luật; có giải pháp cụ thể đối với các dự án chậm triển khai do nguyên nhân khách quan để thu hút đầu tư, tránh để lãng phí tài nguyên đất...

Sở Tài nguyên và Môi trường cũng cần đẩy nhanh việc xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu quản lý đất đai, tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính về đất đai và triển khai thực hiện công khai, minh bạch, đúng quy định, không gây khó khăn cho doanh nghiệp liên quan đến thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai.

Tiếp thu chỉ đạo từ UBND thành phố Hà Nội, Huyện ủy Mê Linh đã ban hành Nghị quyết 12/NQ-HU này 1/7/2023 về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo trong quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản trên địa bàn huyện Mê Linh. Động thái được xem là tích cực và thể hiện quyết tâm của địa phương trong việc xử lý dứt điểm nhưng vụ việc tranh chấp, khiếu nại tố cáo liên quan đến đất đai; trong đó có nhiều vụ việc tồn đọng kéo dài, chưa giải quyết dứt điểm, gây lãng phí đất đai và bức xúc trong nhân dân.

Ông Nguyễn Thanh Liêm, Bí thư Huyện ủy Mê Linh cho hay, quản lý đất đai với các dự án đô thị; nhất là tại Khu công nghiệp Quang Minh chưa thực sự quyết liệt, chưa đôn đốc, tháo gỡ kịp thời những vấn đề vi phạm, thậm chí có tình trạng buông lỏng quản lý làm phát sinh những vi phạm mới.

Nguyên nhân khách quan là do những chính sách pháp luật chưa đồng bộ, còn chồng chéo, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe. Một số quy định không còn phù hợp nhưng chưa được điều chỉnh, bổ sung; nhất là nhiều tồn tại từ thời điểm trước khi huyện Mê Linh sáp nhập vào thành phố Hà Nội chưa được giải quyết dứt điểm. Về chủ quan thì chỉ đạo của một số cấp ủy Đảng còn thiếu quyết liệt, chưa kịp thời; nhất là trong việc xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân buông lỏng quản lý để xảy ra vi phạm.

Một số chính quyền còn lúng túng trong xử lý những vi phạm đất đai, có tình trạng nể nang, né tránh dẫn tới những tồn tại, phức tạp. Đặc biệt, một số hộ gia đình, cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp nhận thức chưa đầy đủ về quyền và nghĩa vụ trong việc quản lý sử dụng đất nên chưa chấp hành nghiêm túc quy định.

Trước tình hình này, Huyện ủy Mê Linh đã chỉ đạo rà soát, phân loại, giải quyết dứt điểm các vụ việc vi phạm về quản lý và sử dụng đất trên địa bàn huyện; nhất là công tác về thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất; chủ động quỹ đất để thu hút các nguồn lực đầu tư, nâng cao hiệu quả sử dụng đất và kịp thời triển khai các chính sách để đảm bảo hài hòa các lợi ích Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Ngoài ra, chấn chỉnh việc khai thác tài nguyên đất, xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân vi phạm hoặc có hành vi làm biến dạng địa hình, làm suy giảm chất lượng đất hoặc gây ô nhiễm môi trường.

Đồng tình với chỉ đạo này, ông Nguyễn Hồng Lam, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hồng Lam có cơ sở đóng trên địa bàn Khu công nghiệp Quang Minh chia sẻ, cũng là 1 doanh nghiệp nhận được nhiều ưu đãi thu hút đầu tư của tỉnh Vĩnh Phúc.

Gần 20 năm qua, Công ty Hồng Lam đã hoạt động rất tích cực và có nhiều đóng góp về thuế, về tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương, gia tăng hiệu quả khai thác và sử dụng quỹ đất. Khi Mê Linh sáp nhập về Hà Nội, doanh nghiệp gặp phải nhiều khó khăn trong việc sử dụng cơ sở hạ tầng, đường đi lối lại trong quá trình lưu thông, vận chuyển hàng hóa dẫn tới những khúc mắc không đáng có với một số doanh nghiệp lân cận. Điều này là không tránh khỏi khi quy hoạch diện tích đất công đang bị chồng lấn vào diện tích thuộc quyền sử dụng đất của doanh nghiệp.

Hiện tại, UBND huyện Mê Linh đang tích cực chỉ đạo các đơn vị thừa hành như Phòng Xây dựng, Phòng Tài nguyên Môi trường, Phòng Quản lý đô thị.... rốt ráo hỗ trợ doanh nghiệp xác minh sự việc, chấn chỉnh thực trạng vi phạm để đảm bảo công bằng và hài hòa lợi ích của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong Khu công nghiệp Quang Minh, đó là điều đáng được ghi nhận, ông Hồng Lam nhận định.

Cùng với Nghị quyết 12/NQ-HU của Huyện ủy Mê Linh về quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản trên địa bàn huyện, ông Hồng Lam bày tỏ nguyện vọng, những vướng mắc về đất đai, về quyền lợi của nhà đầu tư trong việc sử dụng hệ thống cơ sở hạ tầng sẽ nhanh chóng được giải quyết thấu tình đạt lý; trên cơ sở đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, của doanh nghiệp và cộng đồng. Bởi điều này sẽ là cơ sở ghi dấu những cảm nhận của doanh nghiệp khi đánh giá tính năng động và tiên phong của chính quyền tỉnh, về chi phí không chính thức hay về khả năng tiếp cận đất đai và cơ sở hạ tầng.... để thực hiện Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - điều mà hàng năm, VCCI luôn tiến hành khảo sát và đặt nhiều câu hỏi cho doanh nghiệp./.

Ngọc Quỳnh/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/ha-noi-giai-quyet-tranh-chap-dat-dai-de-nang-cao-chi-so-pci/302937.html