Hà Nội: Gấp rút giải ngân vốn đầu tư công

Ước giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 trên toàn TP. Hà Nội đạt 90,7% so với kế hoạch đầu năm và 93% kế hoạch sau điều chỉnh. Từ nay đến cuối năm (tài chính), thành phố sẽ tiếp tục quyết liệt thực hiện các giải phải để phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân cao nhất.

Cầu vượt nút giao An Dương - Thanh Niên đã được đưa vào khai thác. Ảnh: Khánh Linh

Đã giải ngân trên 24.631 tỷ đồng

Theo UBND TP. Hà Nội, thành phố đã giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2020 từ đầu năm là 44.917,5 tỷ đồng. Trong năm 2020, thành phố đã thực hiện các đợt điều chỉnh kế hoạch. Cập nhật kế hoạch đầu tư phát triển năm 2020, sau các đợt điều chỉnh đến nay là 43.814,9 tỷ đồng, giảm 1.102,6 tỷ đồng so với kế hoạch vốn giao đầu năm.

Theo ông Nguyễn Mạnh Quyền – Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, thành phố đã thực hiện việc phân bổ và giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2020 theo đúng quy định của Luật Ngân sách, Luật Đầu tư công và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; đã giao kế hoạch đầu tư phát triển sớm ngay từ đầu tháng 12/2019.

Trong kế hoạch vốn năm 2020, thành phố luôn chủ động thực hiện cơ chế giải ngân linh hoạt cho các công tác: giải phóng mặt bằng (GPMB) các dự án từ kinh phí dự phòng đầu tư công; chuẩn bị đầu tư từ kế hoạch vốn bố trí cho công tác chuẩn bị đầu tư; thanh quyết toán dự án từ kế hoạch vốn bố trí công tác quyết toán…

Đặc biệt, ngay từ khi bắt đầu xuất hiện dịch Covid-19, thành phố đã thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo, chỉ thị của trung ương trong phòng, chống dịch bệnh cũng như trong việc thực hiện nhiệm vụ kép “vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi, phát triển kinh tế”. Đồng thời, chính quyền thành phố xác định thúc đẩy đầu tư phát triển là giải pháp quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng; ưu tiên nguồn lực dành cho đầu tư công, phấn đấu không cắt giảm vốn đầu tư công đã giao từ đầu năm…

Với sự vào cuộc quyết liệt của các sở, ban ngành, tính đến hết tháng 11/2020, TP. Hà Nội đã giải ngân được 24.631,7 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt hơn 54%, kế hoạch thành phố giao và hơn 60% kế hoạch trung ương giao, hơn 56% kế hoạch sau điều chỉnh.

Hà Nội đã lập 6 tổ công tác liên ngành, gồm 1 tổ công tác kiểm tra, rà soát, đôn đôc thu ngân sách kê hoạch năm 2020, theo dõi đôn đôc giải ngân các dự án ODA và 5 tổ công tác kiểm tra, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2020 và kế hoạch năm 2019 kéo dài…

Thành phố đã phê duyệt kế hoạch đấu thầu 122/125 dự án khởi công mới; đã phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công – dự toán 113/125 dự án; đã tổ chức đấu thầu và khởi công thi công 89/125 dự án. Dự kiến năm 2020 hoàn thành 127 dự án xây dựng cơ bản cấp thành phố.

Ước giải ngân vốn đầu tư phát triển năm 2020 toàn thành phố được 40.743,9 tỷ đồng, đạt 90,7% so với kế hoạch đầu năm và 93% kế hoạch sau điều chỉnh.

Phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân 93%

Tuy nhiên, TP. Hà Nội thừa nhận mức giải ngân trên chưa đáp ứng các nhiệm vụ, mục tiêu theo yêu cầu của bối cảnh năm 2020. Nguyên nhân khách quan làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và kết quả giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2020 là do công tác GPMB, tái định cư vẫn còn vướng mắc về cơ chế, chính sách xác định nguồn gốc đất, tái định cư; yêu cầu xác định giá bồi thường sát giá thị trường,... làm chậm quá trình thi công dự án.

Từ tháng 3 đến tháng 5/2020, dịch Covid-19 ảnh hưởng đến tiến độ triển khai, khối lượng thi công và giải ngân của các dự án đầu tư công trong những tháng đầu năm. Nhất là các dự án sử dụng vốn vay ưu đãi nước ngoài và các dự án có gói thầu nhập khẩu trang thiết bị chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, do hầu hết các hoạt động đều gắn với yếu tố nước ngoài từ khâu nhập máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát...

Nguyên nhân chủ quan do các chủ đầu tư chưa tập trung quyết liệt, tháo gỡ nút thắt tiến độ. Một số chủ đầu tư cho thấy năng lực quản lý, điều hành dự án còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, dự án nhiều lần phải điều chỉnh, bổ sung...

Ông Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh: "Từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục quyết liệt thực hiện các giải pháp để phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân cao nhất. Tuy nhiên, để đạt được tỷ lệ giải ngân 93% kế hoạch như dự kiến, cần có sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành; đặc biệt vai trò của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức".

Vì vậy, thành phố yêu cầu các đơn vị quyết liệt thực hiện các dự án, đặc biệt là các đơn vị được điều chỉnh tăng vốn đợt tháng 11 để có khối lượng hoàn thành vào cuối tháng 12 và hoàn thành giải ngân vào tháng 1/2021. Khi có hồ sơ thanh toán, đề nghị chuyển ngay sang Kho bạc Nhà nước để làm các thủ tục thanh toán, không để dồn vào cuối năm.

Thành phố cũng gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan đơn vị với kết quả thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2020 và năm 2019 kéo dài, coi đây là căn cứ quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2020, là căn cứ để đánh giá, bình xét thi đua, khen thưởng, kỷ luật đối với các tổ chức, cá nhân liên quan. Các đơn vị có tỷ lệ giải ngân dưới 90% kế hoạch giao không được bình xét, khen thưởng cuối năm.

Để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2020 và kế hoạch năm 2019 kéo dài, các tổ công tác tiếp tục quyết liệt kiểm tra, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác GPMB các dự án.../.

TP. Hà Nội cũng đã bố trí kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021. Các dự án đầu tư công năm 2021 của Hà Nội sẽ được rà soát, thẩm định kỹ, bảo đảm tổng mức đầu tư sát thực tế, xác định rõ thứ tự ưu tiên từ nhu cầu đầu tư của các cấp, ngành và địa phương. Việc bố trí kế hoạch vốn là nhằm thực hiện mục tiêu, định hướng phát triển trong chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch của thành phố.

Khánh Linh

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/nhip-song-tai-chinh/2020-12-16/ha-noi-gap-rut-giai-ngan-von-dau-tu-cong-96916.aspx