Hà Nội dự kiến tổ chức xét thăng hạng chức danh cho giáo viên, TPHCM thì sao?

Sở Nội vụ Hà Nội dự kiến sẽ tổ chức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên thay vì thi tuyển như kế hoạch trước đó.

Sở Nội vụ Hà Nội đã có công văn gửi các đơn vị về việc thẩm định, rà soát tiêu chuẩn, điều kiện thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập. [1]

Theo đó, Sở Nội vụ Hà Nội dự kiến sẽ báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố tổ chức thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên từ hạng III lên hạng II theo hình thức xét tuyển thông qua hồ sơ.

Vì vậy viên chức đăng ký dự xét thăng hạng phải có đủ hồ sơ và minh chứng theo quy định. Tuy nhiên, việc giáo viên có bằng đại học chưa đủ 9 năm chưa được chấp thuận.

Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại.

Trước đó, hàng nghìn giáo viên tại Hà Nội đã có tâm thư bày tỏ mong muốn Thành phố bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

Trong thư, các thầy cô giáo mong muốn địa phương áp dụng phương thức xét duyệt hồ sơ thay vì thi tuyển bởi vì thăng hạng chức danh nghề nghiệp là một sự đãi ngộ, khuyến khích cống hiến của đội ngũ.

Tuy nhiên, việc này thực hiện không đồng đều ở các địa phương, nơi xét tuyển, nơi thi tuyển dẫn đến không công bằng, khách quan.

Liên quan đến việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên bậc trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều thầy cô giáo lo lắng cho biết, dù đã nộp hồ sơ gần 11 tháng nhưng cho đến nay Sở Nội vụ Thành phố vẫn chưa tổ chức kì thi.

Cụ thể, ngày 9/12/2022, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh có Công văn số 4931/SGDĐT-TCCB về việc báo cáo số lượng, cơ cấu và đề xuất chỉ tiêu thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức năm 2023 và đăng kí dự thi chuyên viên cao cấp. [2]

Tiếp theo, ngày 3/3/2023, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh có Công văn số 932/SGDĐT-TCCB về việc thông báo danh sách viên chức đủ và không đủ điều kiện, tiêu chuẩn đăng ký dự thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức năm 2023. [3]

Có phải giáo viên sắp được bỏ thăng hạng chức danh nghề nghiệp?

Thăng hạng chức danh nghề nghiệp là một cách để giúp giáo viên tăng thêm thu nhập. Bởi vì khi được thăng lên hạng cao hơn đồng nghĩa thầy cô giáo sẽ được áp dụng hệ số lương cao hơn, thu nhập cũng sẽ tăng theo.

Tuy vậy, nhiều giáo viên nhầm lẫn thông tin sắp bỏ thăng hạng chức danh nghề nghiệp là không chính xác.

Chính phủ đồng ý về nguyên tắc việc bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp khi cho ý kiến về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2020/NĐ-CP.

Điều đó đồng nghĩa là, sắp tới, nếu dự thảo được thông qua thì chỉ còn một hình thức thăng hạng dành cho giáo viên là xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

Hiện nay, theo khoản 2 Điều 29 Nghị định 115/2020/NĐ-CP, giáo viên là viên chức có thể được thăng hạng bằng thi hoặc xét từ hạng thấp lên hạng cao hơn liền kề căn cứ vào vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và phù hợp với cơ cấu viên chức đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Trong đó, điều kiện thi hoặc xét thăng hạng của giáo viên đang được quy định tại Điều 3 Thông tư 34/2021/TT-BGDĐT như sau:

1) Cơ sở giáo dục có nhu cầu.

2) Được người cơ quan có thẩm quyền cử tham gia thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

3) Giáo viên xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề trước năm thăng hạng.

4) Giáo viên đảm bảo các tiêu chuẩn chung gồm: Phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp tốt; không trong thời hạn xử lý kỷ luật hay thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật viên chức.

5) Giáo viên đã được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp phù hợp với vị trí việc làm đang đảm nhận.

6) Giáo viên phải đáp ứng các điều kiện về trình độ đào tạo, bồi dưỡng và tiêu chuẩn năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của hạng đăng ký thăng hạng. Nếu thuộc trường hợp được miễn thi ngoại ngữ, tin học thì được xác định là đáp ứng tiêu chuẩn về ngoại ngữ, tin học của hạng đăng ký thăng hạng.

Điểm khác nhau giữa thi và xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp

Thay lời kết

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2023, Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh cho biết, việc thi thăng hạng viên chức được thực hiện từ năm 1998 đến nay, song quá trình thi phát sinh nhiều khó khăn, đặc biệt khi nhiều bộ ngành chưa ban hành thông tư hướng dẫn thi thăng hạng. [4]

Bên cạnh đó, nội dung thi được đánh giá là chưa sát với yêu cầu vị trí việc làm, nên việc thi thăng hạng còn hình thức, phản ánh không thực chất.

Có thể nhận thấy, việc thi hay xét thăng hạng cũng đều có những ưu khuyết nhất định. Giáo viên Thành phố Hồ Chí Minh rất mong Sở Nội vụ Thành phố sớm đưa ra quyết định là tổ chức thi hay xét thăng hạng chức danh để thầy cô chủ động ôn tập cho kì thi hoặc chuẩn bị các hồ sơ có liên quan để xét duyệt.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://tienphong.vn/ha-noi-huong-dan-bo-thi-thang-hang-chuc-danh-nghe-nghiep-giao-vien-post1584047.tpo

[2] https://hcm.edu.vn/thong-bao/bao-cao-so-luong-co-cau-va-de-xuat-chi-tieu-thang-hang-chuc-danh-nghe-nghiep-vi/ctfull/41012/69693

[3] https://hcm.edu.vn/thong-bao/ve-thong-bao-danh-sach-vien-chuc-du-va-khong-du-dieu-kien-tieu-chuan-dang-ky-du/ctfull/41012/70073

[4] http://daidoanket.vn/xet-thang-hang-vien-chuc-danh-gia-dung-nguoi-dung-viec-5728300.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/ha-noi-du-kien-to-chuc-xet-thang-hang-chuc-danh-cho-giao-vien-tphcm-thi-sao-post239061.gd