Hà Nội: Doanh nghiệp quảng cáo phải 'lách luật và đi đêm'(!?)

Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp quảng cáo cho biết, nhiều doanh nghiệp quảng cáo đang phản ánh tình trạng gây khó, sách nhiễu, tiêu cực…trong lĩnh vực quảng cáo ở Hà Nội. Tiếp xúc với các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp đều phải thực hiện phương châm “đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên”, nếu trái ý thì “hãy đợi đấy”.

Liên quan đến kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 16/CT-UBND ngày 03 tháng 8 năm 2016 của UBND thành phố Hà Nội “Về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước trong hoạt động quảng cáo trên địa bàn TP Hà Nội”, trong đó Hà Nội chủ trương thực hiện dỡ bỏ toàn bộ các biển quảng cáo đứng độc lập và các trụ biển, hộp đèn trên dải phân cách sai phạm đã đưa nhiều doanh nghiệp quảng cáo vào tình thế khó khăn.

Từ thực trạng trên, Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam (HHQCVN) đã có văn bản “kêu cứu” gửi Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch và các cơ quan chức năng nêu rõ, HHQCVN luôn ủng hộ và đề xuất nhiều biện pháp với Thành phố Hà Nội và Sở Văn hóa Thể thao nhằm chấn chỉnh, lập lại kỷ cương để hoạt động quảng cáo của thành phố đi vào nền nếp.

Tiếp xúc với các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp quảng cáo đều phải thực hiện phương châm “đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên”, nếu trái ý thì “hãy đợi đấy”

Tuy vậy, sau nhiều đợt ra quân, thực trạng hoạt động quảng cáo trên địa bàn thành phố vẫn ít chuyển biến, vi phạm còn nhiều, phức tạp.

Nguyên nhân xảy ra tình trạng trên, theo HHQCVN thì một phần cũng là do Hà Nội đã chậm trễ trong việc xây dựng và ban hành quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn. Điều 38 Luật Quảng cáo (có hiệu lực từ 01/01/2013) quy định UBND cấp tỉnh có trách nhiệm “Xây dựng và phê duyệt quy hoạch quảng cáo ngoài trời tại địa phương trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày Luật Quảng cáo có hiệu lực”. Tức là, đến ngày 01/01/2014 các tỉnh phải công bố quy hoạch quảng cáo trên địa bàn để các đơn vị làm quảng cáo biết và thực hiện.

Thực tế, ở một số tỉnh, thành các địa phương thường vẫn cho các bảng biển quảng cáo nằm trong quy hoạch cũ tiếp tục tồn tại cho đến khi có quy hoạch mới hoặc được bổ sung làm mới nếu xét thấy đề án quảng cáo phù hợp quy hoạch đang xây dựng. Nhờ đó, hoạt động quảng cáo ở hầu hết các địa phương được diễn ra bình thường, các doanh nghiệp quảng cáo được tạo điều kiện và ít xảy ra các vi phạm.

Trong khi tại Hà Nội, Thông báo số 63/TB-SVHTTDL ra ngày 24/7/2014 của Sở VHTTDL nêu rõ: “ Về việc tạm dừng tiếp nhận hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo đối với một số trường hợp biển quảng cáo tấm lớn”. Từ đó đến nay, theo thông tin HHQCVN được biết, Sở VHTT không tiếp nhận hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo của bất cứ đơn vị nào dù vị trí đó đã nằm trong quy hoạch cũ hay xin làm mới khiến các doanh nghiệp QC gặp phải muôn vàn khó khăn.

Kiến nghị của HHQCVN gửi Chủ tịch UBND TP Hà Nội về việc thực hiện Chỉ thị 16

Vẫn trong tình trạng chờ “quy hoạch mới” thì ngày 16/12/2015 tại văn bản số 1144/SVH&TT-QLVH “V/v đề xuất quản lý bảng quảng cáo hộp đèn trên dải phân cách”, Sở VHTT lại đề xuất với UBND Thành phố “Thu hồi toàn bộ thỏa thuận cho các doanh nghiệp lắp đặt bảng quảng cáo tại dải phân cách trên địa bàn thành phố kể từ ngày 01/01/2016 để quy hoạch lại…”. Văn bản này cùng với Thông báo số 63, vô hình chung, Thành phố đã đặt tất cả các bảng quảng cáo trên địa bàn thành phố hiện nay đều nằm trong diện “vô phép”.

Chính việc chậm ban hành quy hoạch đồng thời lại không tiếp nhận hồ sơ thông báo sản phẩm đã dẫn đến các hệ quả là: Một số doanh nghiệp phải ngừng hoạt động vì không xin được thỏa thuận của cơ quan quản lý. Một số doanh nghiệp khác (dù muốn nghiêm túc chấp hành quy định của Nhà nước) nhưng vì mưu sinh vẫn phải tìm cách phá rào, bất chấp vi phạm, chịu phạt, chịu xử lý để tồn tại. Và tất yếu, để tồn tại họ phải “đi đêm và lách luật”, đây cũng là lý do vì sao nhiều bảng, biển được dựng lên lúc đầu mang danh nghĩa phục vụ tuyên truyền nhiệm vụ chính trị địa phương nhưng sau đó trở thành bảng, biển quảng cáo.

Trao đổi với phóng viên, một số doanh nghiệp quảng cáo cho biết: Đây là kiểu “lách luật” hợp lý nhất và các doanh nghiệp QC đang áp dụng hiện nay. Và chẳng hề ngẫu nhiên mà các đơn vị quảng cáo có được thỏa thuận để địa phương cho xây dựng một bảng quảng cáo, phục vụ nhiệm vụ chính trị trên địa bàn.

Để việc thực hiện Chỉ thị được kết quả, vừa lập lại được trật tự, kỷ cương, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp theo tinh thần của Chính phủ tại Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 “Về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020”, HHQCVN cũng đã đưa ra một số đề xuất, kiến nghị với UBND Thành phố cần có sự phân loại các hình thức, mức độ vi phạm của các bảng để có sự xử lý khác nhau tránh gây thiệt hại cho doanh nghiệp đồng thời cũng tạo được nguồn thu cho ngân sách thông qua thuế mà các đơn vị này đóng góp.

Cụ thể, có thể giữ lại với loại bảng nằm trong quy hoạch cũ và Sở đang tạm ngừng tiếp nhận hồ sơ để chờ quy hoạch mới thì có thể giữ lại; loại bảng đã được các sở, ban, ngành, quận huyện cho phép xây dựng dưới hình thức xã hội hóa để phục vụ chính trị kiêm quảng cáo; và loại bảng nằm trong khuôn viên thuộc quyền sử dụng của các trung tâm thương mại, nhà ga, bến xe… Chỉ nên xử lý triệt để với loại bảng do doanh nghiệp làm chui, chộp giật, đánh lẻ, bất chấp quy định.

Thành Vinh

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/ha-noi-doanh-nghiep-quang-cao-phai-lach-luat-va-di-dem/