Hà Nội: đẩy mạnh phát triển nguồn giống chất lượng cao

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, các sở ngành của TP cần đẩy mạnh hợp tác cùng Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực giống cây trồng, nhất là giống lúa mang thương hiệu của Hà Nội. Nghiên cứu, triển khai từng bước, đồng bộ việc xây dựng vùng trồng lúa theo hướng hữu cơ…

Bưởi Tam Vân (xã Vân Hà) – một trong những đặc sản của huyện Phúc Thọ, Hà Nội. Ảnh: Văn Biên

Xây dựng mô hình nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, Hà Nội là Thủ đô của cả nước, để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân cũng như du khách đến với Hà Nội, TP cũng đã hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa tập trung, từng bước kết hợp với các nhà khoa học và các doanh nghiệp để phát triển các cây, con giống đặc sản, chất lượng cao nhằm nâng cao giá trị kinh tế trên mỗi ha diện tích.

Nhờ thực hiện tốt việc bảo tồn, khuyến khích ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, Hà Nội đã phục tráng và nhân rộng thành công nhiều giống cây trồng, vật nuôi đặc sản. Đây là động lực giúp các đặc sản của Thủ đô phát triển thành sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao.

Theo chia sẻ của Giám đốc HTX Đông Cao (xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, Hà Nội) Lê Văn Phương, hiện có giống bưởi đỏ đặc sản được trồng tập trung tại xã Tráng Việt, huyện Mê Linh. Với mẫu mã đẹp nên nhiều năm nay, nhu cầu của người tiêu dùng tăng lên trong dịp tết, cây bưởi đỏ đã trở thành cây đặc sản của người dân Đông Cao.

“Thôn Đông Cao có khoảng 7,7 ha trồng cây ăn quả trong đó có 4 ha bưởi của HTX bưởi đổ Đông Cao. Trung bình mỗi năm Đông Cao cho ra thị trường khoảng 8.000 quả bưởi với giá 90-100 nghìn đồng/quả. Xã Tráng Việt cũng đã xây dựng được nhãn hiệu tập thể cho cây bưởi đỏ nhờ vậy đã mang lại giá trị kinh tế cho người dân trồng bưởi” – ông Lê Văn Phương cho biết.

Ông Khuất Quang Cảnh – Phó trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ cho biết, với đặc thù là huyện nông nghiệp, các sản phẩm được công nhận OCOP trên địa bàn huyện Phúc Thọ chủ yếu là các sản phẩm nông nghiệp như rau, thịt, quả và một số sản phẩm làng nghề truyền thống.

“Trong thời gian tới, với các sản phẩm nông nghiệp như rau, thịt, chuối,...huyện tiếp tục định hướng phát triển sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi liên kết nhằm đảm bảo tính bền vững trong tiêu thụ, nâng cao giá trị thu nhập” – ông Khuất Quang Cảnh cho hay.

Theo Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam (VAAS) Nguyễn Hồng Sơn, trong hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trên địa bàn TP Hà Nội về bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen cây trồng. “Chúng tôi đã tiến hành điều tra hiện trạng, bình tuyển và khai thác phát triển nguồn gen cây ăn quả quý của Hà Nội như bưởi Tam Vân, bưởi đỏ Hòa Bình, quýt Tích Giang, cam Canh, gừng đen...” – ông Nguyễn Hồng Sơn cho biết.

Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, Trung tâm chuyển giao Khoa học Công nghệ và Khuyến nông, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã phối hợp cùng với Hội nông dân TP Hà Nội xây dựng và triển khai đề án "Nâng cao vai trò của Hội nông dân và phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ (rau đặc sản, lúa thảo dược) giai đoạn 2023-2028".

Mục tiêu chung của Đề án là phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch và dịch vụ nông thôn tại các địa phương trên địa bàn TP Hà Nội. Xây dựng mô hình liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ một số loại rau đặc sản và lúa thảo dược trên cơ sở chuyển đổi cơ cấu cây trồng của TP Hà Nội theo hướng đa mục đích, hiệu quả kinh tế cao. Phát triển bền vững các cây trồng đặc sản (rau đặc sản, lúa thảo dược) góp phần xây dựng NTM của TP Hà Nội bằng việc áp dụng các công nghệ tiên tiến thân thiện với môi trường và đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng.

Đẩy mạnh phát triển nhãn hiệu nông sản

Thu hoạch lúa chất lượng cao tại xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Ảnh: TN

Theo số liệu thống kê Sở NN&PTNT Hà Nội, vật nuôi đặc sản, trở thành thương hiệu nổi tiếng, được đưa vào danh mục những nguồn gen cần bảo tồn, phát triển. Đây là điều kiện thuận lợi để các địa phương có giải pháp tăng diện tích, sản lượng, đưa nông sản trở thành sản phẩm chủ lực của Hà Nội.

Theo ông Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc VAAS, hiện nay, TP Hà Nội cũng đang phối hợp với các nhà khoa học và các đơn vị doanh nghiệp để tìm hướng bảo tồn và phát triển hiệu quả giống Vịt cỏ Vân Đình, huyện Ứng Hòa, rau muống Linh Chiểu, huyện Phúc Thọ, rau sắng chùa Hương của huyện Mỹ Đức, rau húng Láng, rau cải mơ Hà Nội, cải mào gà của huyện Hoài Đức...

“Hà Nội không có lợi thế về diện tích đất nông nghiệp lớn như các địa phương khác, nhưng một lợi thế của Hà Nội đó là nơi tập trung rất nhiều Viện nghiên cứu. Bởi vậy, việc tận dụng các Đề tài nghiên cứu của các nhà khoa học, chuyển giao các cây con giống đặc sản, chất lượng cao cho người nông dân của Hà Nội phát triển sản xuất, xây dựng thương hiệu đang là định hướng mà các địa phương của Hà Nội hướng tới” – ông Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh.

Hiện, TP Hà Nội đã và đang tăng cường đưa các giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất song song với việc bảo tồn, lưu giữ và phát triển các giống bản địa như gà mía Sơn Tây, vịt cỏ Vân Đình để phục vụ công tác lai tạo giống cũng như đáp ứng nhu cầu sử dụng sản phẩm ngày càng cao của thị trường. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, nâng cao năng suất, giảm chi phí sản xuất.

Đối với chăn nuôi vịt, vùng trọng điểm sản xuất giống vịt được phát triển tập trung tại 2 huyện Phú Xuyên, Ứng Hòa và xây dựng mô hình bảo tồn và phát triển giống vịt cỏ tại huyện Ứng Hòa. Đặc biệt, hiện nay, giống vịt cỏ Vân Đình đang được nuôi giữ phục vụ công tác lai tạo giống tại các đơn vị nghiên cứu, khoa học của Bộ NN&PTNT phát triển thành sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao.

Trong hơn 5 năm qua, đã có 47 nhiệm vụ khoa học công nghệ được Viện phối hợp thực hiện với các sở, ngành của TP Hà Nội. Các chương trình hợp tác hướng đến nghiên cứu chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi bản địa, đặc sản. Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu nông sản. Nghiên cứu phục tráng nguồn gen cây trồng bản địa, các biện pháp canh tác bền vững cây ăn quả đặc sản. Ứng dụng chế phẩm sinh học trong phòng trừ sâu bệnh hại.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, các sở ngành của TP cần đẩy mạnh hợp tác cùng VASS trong lĩnh vực giống cây trồng, nhất là giống lúa mang thương hiệu của Hà Nội.

“Nghiên cứu, triển khai từng bước, đồng bộ việc xây dựng vùng trồng lúa hữu cơ, theo hướng hữu cơ. Thúc đẩy phát triển sản xuất theo chuỗi, gắn kết, đồng bộ từ sản xuất đến sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Hay các cây trồng khác như hoa, cây cảnh như xây dựng, thí điểm vùng trồng giống hoa sen mới, vùng trồng rau hữu cơ, theo hướng hữu cơ” – Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Lê Văn Trang chia sẻ, huyện Mỹ Đức xác định rõ nông nghiệp vẫn là nền tảng trong việc đảm bảo đời sống, thu nhập của người dân, với tiềm năng du lịch làng nghề, du lịch tâm linh sẵn có, huyện Mỹ Đức cũng đang tập trung quy hoạch các điểm nông nghiệp du lịch trải nghiệm, phát triển giống mơ Hương Tích và đưa các giống lúa chất lượng cao sản xuất theo hướng an toàn và theo quy trình hữu cơ để nâng cao giá trị hàng nông sản.

Khánh Phong

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ha-noi-day-manh-phat-trien-nguon-giong-chat-luong-cao-374896.html