Hà Nội đẩy mạnh liên kết vùng, tạo sức hút cho du lịch golf

Hà Nội có nhiều tiềm năng, lợi thế, đặc biệt là địa hình để phát triển du lịch golf. Chính vì vậy, Hà Nội cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các địa phương để 'chắp cánh' cho du lịch golf vươn xa hơn.

Đây là nhận định chung của lãnh đạo Tổng cục Du lịch Việt Nam, Sở Du lịch Hà Nội và đại diện các đơn vị liên quan tại Hội nghị "Định hướng và liên kết phát triển sản phẩm du lịch golf giữa Hà Nội và các địa phương" trong khuôn khổ Chương trình "Kết nối sản phẩm du lịch golf giữa TP. Hà Nội với các tỉnh, thành phố phía Bắc năm 2023". Hội nghị do Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với Thị xã Sơn Tây tổ chức.

Khai phá tiềm năng

Mới đây, Hà Nội được vinh danh “Điểm đến thành phố golf tốt nhất thế giới năm 2023” tại giải thưởng World Golf Awards 2023, khẳng định thành phố là điểm du lịch độc đáo, hấp dẫn và chất lượng.

Đánh giá về lợi thế và tiềm năng du lịch golf của Thủ đô Hà Nội, ông Nguyễn Hồng Minh, Phó giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho rằng, Hà Nội có nhiều điều kiện phát triển sản phẩm du lịch golf bởi tài nguyên văn hóa và thiên nhiên đặc sắc, độc đáo, hạ tầng giao thông kết nối được đầu tư bài bản, hệ thống cơ sở lưu trú đẳng cấp với các thương hiệu uy tín như: Khách sạn Metropole, Mariott, Intercontinental Hanoi Westlake, Grand Vista, Duparc...

Đặc biệt, Hà Nội đang sở hữu hệ thống hạ tầng, dịch vụ golf rất chuyên nghiệp, bao gồm 6 cụm sân golf với 10 sân golf tiêu chuẩn như: Kings Island Golf, Skylake, Long Biên và khoảng 10 sân tập như: Đảo Sen, Hanoi Club… Ngoài ra từ Hà Nội, du khách có thể di chuyển dễ dàng đến các các tỉnh lân cận: Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Ninh Bình, Hòa Bình, Hải Dương, Ninh Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang… nơi có hàng chục sân golf đẳng cấp, nhiều khu điểm tham quan hấp dẫn.

Giải golf "Swing for the kids" do Báo Đầu tư tổ chức vào tháng 10/2023.

Thời gian tới, du lịch golf sẽ được Hà Nội kết nối với các sản phẩm du lịch khác như: du lịch MICE, du lịch nghỉ dưỡng… trong mối liên kết với các địa phương khu vực phía Bắc, giúp thu hút khách trong và ngoài nước.

Trong đó, thị trường sản phẩm du lịch golf hướng đến trong ngắn hạn là các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Đông Nam Á và sẽ mở rộng ra các thị trường tiềm năng như: Bắc Mỹ, Úc, Trung Đông… trong dài hạn.

Với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, khí hậu nhiệt đới, ánh nắng chan hòa quanh năm, đặc biệt là địa hình đa dạng với 3/4 diện tích là đồi núi và bờ biển dài hơn 3.260km với những bãi biển đẹp nổi tiếng trên thế giới, Việt Nam được đánh giá là thiên đường golf lý tưởng trong khu vực châu Á.

Ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đánh giá rằng, các sân golf tại Việt Nam có chất lượng tốt, đẳng cấp, phần lớn do những golf thủ nổi tiếng trên thế giới thiết kế, tạo nên sự khác biệt dựa trên lợi thế về đặc điểm địa hình và các giá trị tài nguyên thiên nhiên, văn hóa để hấp dẫn khách du lịch yêu thích chinh phục.

Ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam phát biểu tại Hội nghị.

Nhiều sân golf độc đáo, với nhiều thách thức và trải nghiệm khác biệt được xây dựng ở những vị trí đẹp, gắn liền các khu nghỉ dưỡng sang trọng trải dài ba miền Bắc, Trung, Nam của đất nước. “Việc phát triển du lịch golf không những giúp đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh du lịch mà còn thu hút được đối tượng khách có khả năng chi tiêu cao, lưu trú dài ngày, kích thích phân khúc nghỉ dưỡng cao cấp”, ông Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh.

Đánh giá về cơ sở hạ tầng và tiềm năng du lịch golf của Hà Nội, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết, Hà Nội có hệ thống sân golf hiện đại, tiêu chuẩn quốc tế, cơ sở lưu trú đa dạng, chuyên nghiệp, đẳng cấp quốc tế. Tuy nhiên, sức hấp dẫn của du lịch không chỉ giới hạn ở một địa phương, một vùng, bởi nhu cầu khám phá điểm đến của du khách luôn rộng mở.

Do đó, việc tăng cường liên kết giữa các địa phương để tạo thêm các sản phẩm mới bổ trợ cùng với việc phát triển loại hình du lịch golf sẽ tạo thêm lợi thế cho ngành du lịch các địa phương nói chung và du lịch Hà Nội nói riêng.

Liên kết, định vị thương hiệu

Phát triển du lịch golf đang là một trong những trọng điểm trong chiến lược phát triển du lịch của Thủ đô để tăng sức hút với khách quốc tế hạng sang.

Trong khoảng hơn 3 giờ đồng hồ, các đại biểu tham gia Hội nghị đã có những thảo luận sôi nổi về xu hướng du lịch golf, cách thức phát triển mạnh mẽ hơn nữa về du lịch golf và trọng tâm là thúc đẩy liên kết, hợp tác xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch golf giữa các hãng hàng không, sân golf, khách sạn, doanh nghiệp lữ hành của Thủ đô Hà Nội và các tỉnh, thành phố phía Bắc nhằm thu hút khách du lịch golf.

Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải đẩy mạnh quảng bá du lịch golf song song với việc nâng cao chất lượng các tiện ích nghỉ dưỡng kèm theo như: resort, nhà hàng, chăm sóc sức khỏe, xây dựng những sản phẩm trọn gói cho du khách…

Ông Trần Anh Tuấn, Bí thư Thị ủy Sơn Tây phát biểu tại Hội nghị.

Đại diện cho địa phương có tiềm lực phát triển du lịch golf của Thủ đô Hà Nội, ông Trần Anh Tuấn, Bí thư Thị ủy Sơn Tây cho biết, nhờ đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch, năm nay lượng khách đến Sơn Tây đã đạt tới con số một triệu khách du lịch ngay từ tháng 10.

Thị xã Sơn Tây nổi tiếng với sân golf Đồng Mô - sân Golf có 55 hố lâu đời nhất của Hà Nội. Hằng năm, sân golf này đón 12.000 - 15.000 khách nước ngoài, khách nội địa gấp 5 lần con số này. Tuy nhiên, ông Trần Anh Tuấn cũng chỉ ra một số hạn chế trong kinh doanh du lịch golf tại địa phương, đó là lưu lượng khách lưu trú còn thấp, mới chỉ đạt 5% lượng khách đến.

Để phát triển du lịch golf Hà Nội hiệu quả hơn, ông Trương Quốc Hùng, Chủ tịch Câu lạc bộ lữ hành UNESCO cho rằng, ngoài những ưu điểm về chất lượng các sân golf, du lịch golf Hà Nội vẫn có hạn chế là chi phí cao, hệ thống đặt dịch vụ cho các đoàn còn khó khăn vì các sân golf vẫn đang ưu tiên khách lẻ. Theo đó, các địa phương phát triển du lịch golf cần liên minh, chia sẻ để xây dựng sản phẩm chất lượng, giá tốt.

Còn theo ông Lê Hồng Thái, Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist, mặc dù du lịch golf là sản phẩm du lịch trọng tâm, nhưng hiện nay sản phẩm du lịch này còn rất manh mún. Cần có sự thống nhất giữa các công ty lữ hành, các hãng hàng không, sân golf và khách sạn trong quảng bá loại hình sản phẩm du lịch này; các địa phương cần “đánh thẳng" vào đối tượng khách tại thị trường Đài Loan (Trung Quốc), châu Âu.

Bên cạnh đó, Hà Nội nên đẩy mạnh kết hợp phát triển du lịch golf với du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo), du lịch trải nghiệm văn hóa khác nhau ở các địa phương… Đồng thời cũng cần đưa ra bộ tiêu chuẩn chất lượng đối với các sân golf để phục vụ khách tốt nhất như dịch vụ tiện ích, chất lượng sân…

Bà Kim Young Mi, Giám đốc đại diện sân Golf và khu nghỉ dưỡng Sky Lake đưa ra ý kiến tại Hội nghị.

Theo bà Bà Kim Young Mi, Giám đốc đại diện sân Golf và khu nghỉ dưỡng Sky Lake, hiện nay sân golf Skylake có khoảng 120.000 khách. Trong đó có 50% là khách Hàn Quốc và 50% khách Việt Nam. Lượng khách tăng cao vào mùa đông.

Chia sẻ về kinh nghiệm của sân golf Sky Lake, bà Kim Young Mi cho biết, ngoài những yếu tố quan trọng như chất lượng sân golf, dịch vụ chất lượng phục vụ thì Sky Lake cũng đã có sự kết hợp với văn hóa ẩm thực của 2 quốc gia, do đó những người Hàn hay Việt Nam đề có được những trải nghiệm đúng với lựa chọn của mình và vô cùng thích thú.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch Liên chi hội du lịch golf Việt Nam cho rằng, trình trạng sân golf quá tải mới chỉ xuất hiện tại Hà Nội, nhiều sân golf khác vẫn vắng khách. Do đó, Hà Nội muốn phát triển du lịch thì phải liên kết với các địa phương để thu hút khách đến, nhất là khách quốc tế. “Cần sớm có Hiệp hội các sân golf để liên kết cùng tìm ra hướng đi để xem điểm mạnh điểm yếu và thu hút khách đến với loại hình du lịch golf.”, ông Linh nhấn mạnh,

Theo bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch thành phố Hà Nội cho biết, du lịch golf hiện đang là một trong những sản phẩm du lịch tiềm năng, định hướng trong thời gian tới sẽ phát triển để trở thành sản phẩm chủ lực bên cạnh các sản phẩm du lịch truyền thống, thế mạnh sẵn có của Thủ đô như: du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch ẩm thực…

Thời gian tới, Sở Du lịch Hà Nội sẽ tăng cường phối hợp cùng các địa phương để đẩy mạnh sản phẩm du lịch golf. Qua đó, từng bước hình thành sản phẩm, tour du lịch golf hoàn chỉnh, có thương hiệu của Thủ đô phục vụ khách du lịch có chi tiêu cao, lưu trú dài ngày. Đây cũng là cơ hội để quảng bá hình ảnh "Hà Nội - Điểm đến du lịch golf" với du khách trong nước và quốc tế.

Lễ ký kết về hợp tác, kết nối giữa hãng hàng không, sân golf, lưu trú, lữ hành trong việc xây dựng sản phẩm du lịch golf trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Bên lề Hội nghị, các đại biểu đã chứng kiến ký kết giữa Sở Du lịch Hà Nội và Báo Tiền Phong về hợp tác bảo trợ truyền thông trong phát triển du lịch nói chung và sản phẩm du lịch golf nói riêng; Lễ ký kết về hợp tác, kết nối giữa hãng hàng không, sân golf, lưu trú, lữ hành trong việc xây dựng sản phẩm du lịch golf trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Trong khuôn khổ chương trình “Kết nối sản phẩm du lịch golf giữa thành phố Hà Nội với các tỉnh, thành phố phía Bắc năm 2023”, Sở Du lịch Hà Nội tổ chức Chương trình “Khảo sát các điểm du lịch trên địa bàn Thị xã Sơn Tây” và Chương trình “Giải golf Du lịch Hà Nội năm 2023”.
Trong đó, Chương trình “Khảo sát các điểm du lịch trên địa bàn Thị xã Sơn Tây” được tổ chức trong sáng ngày 2/12/2023. Đoàn khảo sát sẽ đến tìm hiểu các địa điểm du lịch của Thị xã Sơn Tây như: Làng cổ ở Đường Lâm, Thành cổ Sơn Tây, Đền Và… Đây là dịp để giới thiệu, quảng bá hình ảnh điểm đến du lịch Thị xã Sơn Tây, hình thành tuyến du lịch văn hóa, trải nghiệm, sinh thái bổ trợ cho hoạt động du lịch golf hướng đến hình thành một sản phẩm du lịch hoàn chỉnh, chất lượng, hấp dẫn.
Cùng ngày, “Giải golf Du lịch Hà Nội năm 2023” do Liên chi hội Du lịch golf Việt Nam, Hiệp hội Du lịch Hà Nội, Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội, Công ty cổ phần đầu tư và phát triển du lịch Hà Việt cũng được tổ chức tại sân golf Kings Islands, hồ Đồng Mô.

Nguyễn Linh

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/ha-noi-day-manh-lien-ket-vung-tao-suc-hut-cho-du-lich-golf-d204294.html