Hà Nội: Đầu năm học, phụ huynh ám ảnh tiền 'tự nguyện'

Thời điểm này, nhiều trường học ở Hà Nội cũng đang trong quá trình tổ chức thu các khoản tiền trường đầu năm học. Bên cạnh các khoản thu bắt buộc, với một số trường đã tổ chức thu, dù mang tính chất 'tự nguyện' song đây là khoản thu khiến nhiều phụ huynh bức xúc, bởi tự nguyện mang bản chất tốt, song hầu như nhiều nơi lại thực hiện dưới vỏ bọc này để lạm thu.

Sở GD&ĐT Hà Nội đã ban hành 10 khoản được phép thu của phụ huynh đầu năm học. Ảnh minh họa: Chí Cường

Ám ảnh tiền trường đầu năm học

Chia sẻ về mối lo này trước thềm năm học mới, anh Trần Văn Tuấn (ở khu tập thể ĐH Y, quận Thanh Xuân, Hà Nội) có con năm nay vào lớp 1 lo lắng về các khoản tiền trường đầu năm học. “Mới vào đầu năm học mà chi phí cho con tốn kém quá, đủ khoản tiền đồng phục, sách vở, đồ dùng, mũ dép… Biết bao nhiêu khoản phải chi tiêu, đã vậy Ban phụ huynh lớp cũng đang “rục rịch” hô hào phụ huynh đóng góp thêm tiền mua điều hòa, máy chiếu, trang trí lớp học... Biết là con vào đầu cấp sẽ tốn kém, nhưng gia đình tôi không dư dả gì, sắp họp phụ huynh, chắc lại mất thêm một khoản kha khá. Đang lo tiền lương tháng này có đủ tiền đóng cho con không”.

Lo lắng trên không chỉ của riêng anh Tuấn mà còn là mối lo thường trực đối với nhiều phụ huynh ở Hà Nội. Theo các phụ huynh có con học tại các trường công lập ở Hà Nội, trừ các khoản tiền thu theo học kỳ, năm học như: Học phí (đã tăng so với năm trước), Bảo hiểm thân thể, Bảo hiểm y tế, quỹ đội, đoàn, cơ sở vật chất bán trú (nếu học bán trú), quỹ ban phụ huynh... Hàng tháng, tùy từng trường hợp, các bậc phụ huynh còn phải đóng các khoản tiền học như: Học 2 buổi/ngày 150.000đồng/tháng; chăm sóc bán trú 150.000đồng/tháng; nước uống 12.000đồng/tháng; sổ liên lạc điện tử 30-40.000 đồng/tháng. Tiền học thêm buổi chiều (bậc THCS, THPT), tiền học Tiếng Anh, năng khiếu, kỹ năng sống... khiến phụ huynh “ù tai”.

Bước vào năm học 2017-2018, Hà Nội cũng nâng học phí đối với các trường mầm non, phổ thông công lập trên địa bàn. Cụ thể, đối với khu vực thành thị là 110.000 đồng/tháng/học sinh (năm học trước là 80.000 đồng/tháng/học sinh), nông thôn là 55.000 đồng/tháng/học sinh (năm học trước là 40.000 đồng/tháng/học sinh), miền núi là 14.000 đồng/tháng/học sinh (năm học trước là 10.000 đồng/tháng/học sinh). Học phí của Hà Nội theo khung lộ trình học phí do Chính phủ ban hành, hơn nữa vẫn còn thấp hơn so với nhiều tỉnh, thành lân cận. Song, những khoản như: mua điều hòa, máy chiếu, loa đài, máy tính… là các khoản lớn và theo hình thức tự nguyện mà hầu như phụ huynh nào cũng phải đóng góp.

Thời gian qua, nhất là thời điểm đầu năm học, đã có không ít trường công lập ở Hà Nội gây bức xúc về các khoản “tự nguyện” như: Trường Mầm non Hợp Tiến (Mỹ Đức, Hà Nội) đã phải trả lại hơn 500 triệu đồng cho phụ huynh vì các khoản thu sai. Trường tiểu học Uy Nỗ (huyện Đông Anh) đã trả lại tiền điều hòa cho phụ huynh 1 triệu đồng...

Nhiều khoản không được thu

Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, vào đầu các năm học Sở luôn có công văn chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động thu - chi tại các trường công lập trên địa bàn. Cụ thể, Hà Nội đã ban hành 10 khoản được phép thu của phụ huynh bao gồm: thu, chi phục vụ bán trú; thu, chi học 2 buổi/ngày; thu, chi học phẩm cho học sinh các trường mầm non; thu, chi nước uống tinh khiết; thu bảo hiểm y tế; thu chi dạy thêm, học thêm; thu, chi viện trợ, quà biếu; thu chi tài trợ; thu chi khoản đóng góp tự nguyện; thu về quần áo đồng phục, quần áo thể thao. Ngoài danh mục quy định, phụ huynh không phải nộp bất cứ khoản nào khác.

Riêng các khoản đóng góp tự nguyện, Sở GD&ĐT Hà Nội quy định phải được thực hiện thu theo nguyên tắc không ép buộc hay bình quân hóa mức đóng góp đối với phụ huynh học sinh. Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho phụ huynh. Không được quyên góp để chi vào các hoạt động như: bảo vệ; trông xe học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ, giáo viên. Mua sắm máy móc, trang thiết bị đồ dùng dạy học cho nhà trường, lớp học; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.

Bộ GD&ĐT đã cho biết, ngay sau khi nhận được phản ánh về tình trạng lạm thu tại một số cơ sở giáo dục đầu năm học 2017 - 2018, Thanh tra Bộ GD&ĐT đã thành lập 2 đoàn kiểm tra tại 4 tỉnh thành (Hà Nội, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Nghệ An), các đoàn đã đến trực tiếp các cơ sở giáo dục mà báo chí phản ánh để làm rõ các khoản thu. Kết quả thanh tra cho thấy, tại một số trường trong số các khoản thu thỏa thuận có nhiều khoản thu thực hiện không đúng về quy trình theo quy định tại Điều 5 Thông tư 29/2012/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT (trường đứng ra trực tiếp thu, quy định mức thu, thu bình quân).

Nhiều khoản thu được Ban đại diện cha mẹ học sinh đứng ra thu theo định mức bình quân trái với quy định tại Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh và Công văn số 6890/BGDĐT-KHTC ngày 18/10/2010 của Bộ GD&ĐT về hướng dẫn quản lý, sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện cho các cơ sở GD&ĐT. “Tại các cơ sở giáo dục nơi đoàn kiểm tra đến, đã yêu cầu chấm dứt ngay việc thu các khoản thu trái quy định, khoản thu chưa được sự đồng thuận của phụ huynh, đồng thời hoàn trả ngay cho phụ huynh những khoản thu trái quy định. Kiến nghị địa phương chấn chỉnh và xử lý nghiêm sai phạm theo quy định”, ông Tống Duy Hiến, Phó Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT cho biết.

*Báo Gia đình & Xã hội tiếp nhận thông tin phản ánh các vấn đề liên quan tới thu - chi tiền trường đầu năm học 2017-2018 qua số điện thoại 0985381468, hoặc qua hòm thư điện tử: giaoducgdxh@gmail.com.

Để chống lạm thu tiền trường đầu năm học, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, Sở vừa công bố số điện thoại “đường dây nóng” từng quận, huyện, thị xã, để phản ánh các hiện tượng lạm thu trong năm học 2017 - 2018 tại các trường học trên địa bàn. Số điện thoại đường dây nóng của Sở GD&ĐT Hà Nội: 0902139764. Ngoài ra, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đã tổ chức các đoàn thanh, kiểm tra các trường học để phát hiện lạm thu.

Phó Thủ tướng chỉ đạo chấn chỉnh lạm thu

Văn phòng Chính phủ vừa có công văn gửi Bộ GD&ĐT, các tỉnh, thành trong cả nước về việc chấn chỉnh tình trạng lạm thu đầu năm học. Văn bản nêu rõ, đầu năm học mới 2017 - 2018, tại một số trường học có tình trạng tổ chức thu nhiều khoản thu không đúng quy định, gây khó khăn cho không ít học sinh, phụ huynh học sinh. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo chấn chỉnh tình trạng này.

Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT rà soát các văn bản của Bộ bảo đảm chặt chẽ, minh bạch trong thực hiện xã hội hóa theo đúng quy định của pháp luật. Các khoản tài trợ, đóng góp tự nguyện phải bảo đảm đúng tính chất tự nguyện của người, tổ chức tài trợ, đóng góp. Tuyệt đối không để lợi dụng danh nghĩa xã hội hóa để tổ chức thu các khoản đóng góp mang tính cào bằng, áp đặt. Bộ GD&ĐT, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở, người đứng đầu các cơ sở giáo dục vi phạm.

Q.A

Quang Anh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giao-duc/ha-noi-dau-nam-hoc-phu-huynh-am-anh-tien-tu-nguyen-20170921074704489.htm