Hà Nội cho phép 10 loại hình dịch vụ được kinh doanh trên Hồ Tây | Hà Nội tin mỗi chiều

Hà Nội cho phép 10 loại hình dịch vụ được phép kinh doanh trên Hồ Tây; Vận hành Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá trong năm nay… là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Hà Nội cho phép 10 loại hình dịch vụ được kinh doanh trên Hồ Tây

Kinh doanh dịch vụ vận chuyển khách du lịch bằng phương tiện thủy: thuyền, ca nô, mô tô nước...cùng nhiều loại hình dịch vụ khác sẽ được phép hoạt động tại Hồ Tây. Đây là một trong những nội dung trong quy định quản lý và khai thác Hồ Tây mà Ủy ban nhân dân TP Hà Nội vừa ban hành. Thông tin này đang nhận được sự quan tâm lớn của dư luận đặc biệt là của những hộ dân đang sinh sống gần khu vực Hồ Tây.

UBND Thành phố Hà Nội quy định 10 loại hình dịch vụ được hoạt động tại Hồ Tây bao gồm dịch vụ vận chuyển khách du lịch bằng phương tiện thủy như thuyền, ca nô, mô tô nước, xe đạp nước và không lưu trú qua đêm; kinh doanh dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch và nghệ thuật biểu diễn; kinh doanh sân tập golf trên mặt nước; hoạt động bơi thuyền, ca nô, xe đạp nước, lướt ván, ván buồm; tổ chức các hoạt động lễ hội truyền thống, các giải đua thuyền; hoạt động bơi, lặn; xe điện bánh lốp, xe đạp, xích lô du lịch trên các tuyến đường dạo xung quanh Hồ Tây; biểu diễn nhạc nước; khinh khí cầu; bay dù lượn.

Các dịch vụ vận chuyển khách bằng cano, mô tô nước, xe đạp nước...không lưu trú qua đêm sẽ được hoạt động trên Hồ Tây. Ảnh minh họa

Chính quyền Thành phố cũng đưa ra các yêu cầu về quản lý môi trường, bao gồm nước thải, nước trong hồ và mực nước, vệ sinh mặt hồ; môi trường không khí và các chất thải, rác thải; hạ tầng, quy hoạch, xây dựng và kiến trúc. Đồng thời, quy định mọi tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải thực hiện các biện pháp xử lý bụi, khí thải, tiếng ồn đạt tiêu chuẩn môi trường và giảm thiểu khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Các tổ chức, cá nhân phát tán các khí thải, độc hại, gây khói bụi, tiếng ồn và các tác nhân gây ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe, sinh hoạt của cộng đồng dân cư xung quanh bị xử lý theo quy định hiện hành. UBND quận Tây Hồ là đầu mối quản lý toàn diện, phối hợp với các sở, ngành thành phố thực hiện nhiệm vụ quản lý, khai thác Hồ Tây.

Với diện tích hơn 527ha, chu vi 18km, Hồ Tây là một trong những hồ lớn nhất của Thủ đô, có giá trị văn hóa, lịch sử và tiềm năng kinh tế, du lịch rất lớn. Quận Tây Hồ cũng đặt mục tiêu đến năm 2030, xây dựng quận thành trung tâm dịch vụ du lịch, văn hóa của Thủ đô; phát triển đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, văn minh, gắn với bảo vệ môi trường, xây dựng quận Tây Hồ là nơi đáng sống.

Chủ trương mở hoạt động du lịch của thành phố giúp người dân và du khách có thêm những trải nghiệm thú vị tại một thắng cảnh nổi tiếng là một chủ trương phù hợp. Tuy nhiên làm sao các dịch vụ kinh doanh này không tác động tiêu cực đến không gian Hồ Tây là điều người dân đều mong mỏi. Nhiều ý kiến cũng lo ngại với các hoạt động kinh doanh tàu du lịch, thuyền, xuồng, ca nô, dịch vụ bơi thuyền, vận chuyển hành khách, thuyền buồm, bơi lặn có thể đi kèm hoạt động ăn uống, vui chơi có nghĩa sẽ một lượng rác thải lớn thải ra, ảnh hưởng môi trường. Do vậy, việc phát triển du lịch, dịch vụ ở hồ Tây phải cần được song hành với việc kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm về vấn đề xử lý bụi, khí thải, tiếng ồn và các tác nhân gây ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe, sinh hoạt của cộng đồng dân cư. Chỉ có như vậy mới có thể lưu giữ, bảo tồn và phát huy toàn diện những tiềm năng, giá trị của “viên ngọc quý” - Hồ Tây.

Vận hành Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá trong năm nay

Một thông tin cũng đang được người dân Thủ đô rất quan tâm, đó là Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá sẽ được vận hành trong năm nay, sau gần hai năm chậm tiến độ do dịch Covid 19. Đây là một trong những dự án quy mô lớn nhất và mang tính cấp bách của Hà Nội về xử lý nước thải, giảm ô nhiễm môi trường.

Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá có tổng mức đầu tư hơn gần 16.300 tỷ đồng, trong đó hơn 84 % là vốn vay ODA từ chính phủ Nhật Bản. Dự án bao gồm xây dựng nhà máy xử lý nước thải công suất 270.000m3/ngày đêm; xây dựng hệ thống cống thu gom, cống bao và hệ thống đấu nối dọc hai bên sông Tô Lịch và sông Lừ, khu vực đô thị mới Hà Đông với tổng chiều dài khoảng 52,62km. Nhà máy xử lý nước thải được xây dựng tại xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì với diện tích khoảng 13,8ha. Khởi công từ năm 2019, triển khai thi công đồng loạt cả 4 gói thầu, đến nay, gói thầu số 1 xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá do Nhà thầu Liên danh JFE-TSK Nhật Bản thi công đã hoàn thành 97%, dự kiến vận hành thử trong quý II-2024.

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng kiểm tra công trường Gói thầu số 2 thi công khoan kích ngầm, Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá. Ảnh: Hanoimoi

Khó khăn lớn nhất của Dự án nằm ở gói thầu số 3 – xây dựng hệ thống cống bao cho sông Lừ. Nhà thầu đã dừng thi công từ tháng 3/2022 dẫn tới đến nay tiến độ gói thầu mới chỉ đạt 10%. Chủ đầu tư đánh giá nguyên nhân hoàn toàn do nhà thầu năng lực yếu kém và đã chấm dứt hợp đồng để tiến tới lựa chọn nhà thầu mới cho gói thầu này trong năm nay.

Tại buổi kiểm tra tiến độ thi công Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, môi trường là vấn đề rất lớn của Hà Nội, nhất là khi thành phố đang tập trung thực hiện những vấn đề được xem là điểm nghẽn lớn nhất trong phát triển của Thủ đô. Đây là dự án rất quan trọng, cơ bản xử lý nước thải sinh hoạt ở 6 quận nội đô. Và đây cũng là dự án vay vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản, một trong những biểu tượng của tình hữu nghị giữa hai đất nước. Càng chậm, càng phát sinh chi phí nên không thể chậm trễ. Đến nay, vướng mắc đã phát lộ hết, do vậy Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đề nghị Ban Cán sự đảng UBND thành phố phải nghiên cứu tổng thể, quyết liệt để sớm có báo cáo đề xuất giải pháp căn cơ, lâu dài bảo đảm nhà máy vận hành an toàn, bền vững.

Không riêng gì Hà Nội, việc xử lý nước xả thải cũng đang là vấn đề “nóng” của các địa phương đặc biệt là các thành phố lớn trong cả nước. Theo ông Nguyễn Ngọc Điệp - Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam, tỷ lệ nước thải được xử lý trước khi thải ra môi trường rất thấp, trong khoảng 12 triệu mét khối nước thải ra môi trường/ngày đêm trên cả nước hiện nay mới có khoảng 1,5 triệu mét khối được xử lý, còn lại phần lớn đang xả thẳng ra môi trường. Nước thải nếu không được xử lý trước khi thải ra môi trường sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước và sức khỏe của con người, tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, gây nhiễm độc nguồn nước ngầm và rất nhiều hệ lụy cho thế hệ tương lai. Tại Hà Nội, khi Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá hoàn thành vào năm 2025 giải quyết được tình trạng ô nhiễm của sông Tô Lịch, Lừ, Sét và một phần sông Nhuệ, từ đó góp phần nâng chỉ tiêu xử lý nước thải lên khoảng 50% đến 55% như mục tiêu Thủ đô đã đặt ra./.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/ha-noi-cho-phep-10-loai-hinh-dich-vu-duoc-kinh-doanh-tren-ho-tay-ha-noi-tin-moi-chieu-222702.htm