Hà Nội: Chinh phục thách thức trên hành trình đổi mới giáo dục - đào tạo

Vừa phải nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, vừa phải đảm bảo đủ chỗ học trong khi số học sinh tăng mạnh theo từng năm, thách thức đặt ra với ngành Giáo dục Hà Nội trong năm 2024 là không hề nhỏ. Song, những kết quả đã đạt được trong năm 2023 chính là động lực để ngành Giáo dục Hà Nội tiếp tục đặt mục tiêu, quyết tâm chinh phục những thách thức đó.

Học sinh Trường Tiểu học Trung Yên, Hà Nội. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN

Giáo dục Thủ đô khởi sắc

Đến nay, sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, có thể thấy rõ những khởi sắc rõ nét của giáo dục Thủ đô.

Tiếp nối truyền thống nhiều năm, năm 2023, học sinh thành phố tiếp tục dẫn đầu về số lượng và chất lượng giải thưởng trong kỳ thi học sinh giỏi với 12 học sinh đoạt giải quốc tế, 141 học sinh đoạt giải quốc gia. Đáng chú ý, trong đội tuyển gồm 234 học sinh tham dự Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia diễn ra vào ngày 5-6/1/2024, bên cạnh những thành viên của các trường chuyên còn có sự góp mặt của một số học sinh đến từ các trường Trung học phổ thông còn nhiều khó khăn, có điểm tuyển sinh đầu vào thấp như Trường Trung học phổ thông Minh Quang (huyện Ba Vì), Trung học phổ thông Phùng Khắc Khoan (huyện Thạch Thất)… Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương, điều này cho thấy công tác giáo dục mũi nhọn của thành phố đã lan tỏa rộng khắp, được các nhà trường quan tâm, chú trọng.

Đặc biệt, học sinh Thủ đô đã tham gia tranh tài ở đủ 4 thứ tiếng của môn Ngoại ngữ gồm: Tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Trung trong Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, thể hiện tinh thần chủ động đón đầu của học sinh và các nhà trường trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Cũng trong năm 2023, kết quả thi tốt nghiệp Trung học phổ thông của học sinh toàn thành phố tăng 11 bậc so với năm 2022 - mức tăng cao nhất trong 10 năm qua. Sự bứt phá từ vị trí thứ 27 lên vị trí thứ 16 của ngành Giáo dục Hà Nội không chỉ tiếp tục khẳng định vị thế của một trong những địa phương dẫn đầu về giáo dục - đào tạo mà còn là kết quả của sự nỗ lực khắc phục khó khăn của toàn ngành, nhất là ở những trường có điểm tuyển sinh đầu vào thấp như: Trường Trung học phổ thông Minh Quang (huyện Ba Vì) không có học sinh trượt tốt nghiệp, Trường Trung học phổ thông Hợp Thanh (huyện Mỹ Đức) chỉ còn 4 em (giảm 18 em so với năm 2022), Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thị xã Sơn Tây có 2 học sinh (giảm 5 em)...

Quyết tâm chinh phục thách thức

Là đơn vị có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước với 2,3 triệu học sinh, hơn 2.800 trường học, số lượng học sinh hằng năm tăng từ 40.000 - 60.000 em, Hà Nội đứng trước thách thức lớn khi vừa phải giải bài toán không để xảy ra tình trạng thiếu chỗ học, vừa phải nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và kỳ vọng của người dân.

Cùng với cả nước, năm 2024, ngành Giáo dục Hà Nội tiếp tục hành trình thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 - chương trình theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo là bước đầu phù hợp song còn nhiều khó khăn, trong đó có việc thiếu giáo viên, thiết bị dạy học chưa đáp ứng yêu cầu... Với những thách thức về chỗ học, giải pháp được ngành Giáo dục Thủ đô đề ra trong năm 2024 là tổ chức tuyển sinh trực tuyến ở tất cả các trường để tạo đảm bảo minh bạch, cải cách thủ tục, bớt khó khăn cho người dân, chấm dứt tình trạng xếp hàng xuyên đêm tại các cổng trường vào mỗi mùa tuyển sinh.

Ông Bùi Hồng Hiếu, phụ huynh học sinh Trường Trung học phổ thông Phạm Hồng Thái (quận Ba Đình) bày tỏ, mối lo lớn nhất của phụ huynh học sinh khi đến mùa tuyển sinh là sợ thiếu chỗ học hoặc chỗ học không như mong muốn. Mong rằng các cấp chính quyền thành phố có giải pháp triệt để, quyết liệt hơn, ưu tiên bố trí quỹ đất tại các khu đô thị mới, khu vực đông dân cư để xây thêm trường học, cải tạo nâng tầng các trường học trong nội thành.

Nhằm giảm khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa các địa bàn, Hà Nội cũng đang tích cực triển khai phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm”. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mê Linh Nguyễn Văn Hậu chia sẻ, phong trào nhận được sự hưởng ứng tích cực trong gần một năm qua. Thông qua các tiết dạy mẫu, trao đổi phương pháp giảng dạy, giáo viên các trường ở vùng khó khăn được tiếp cận với nhiều sáng kiến hay, có thêm kinh nghiệm dạy học, nhất là với các môn học mới...

Điều này cũng được Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Văn Tự (huyện Thường Tín) Phạm Văn Cương khẳng định khi tỷ lệ học sinh lớp 9 đỗ vào lớp 10 công lập của nhà trường ngày một tăng cao. Ông Cương cho biết, nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình của một số trường trong nội thành, Trường Trung học cơ sở Văn Tự đã học tập được nhiều phương pháp giảng dạy có chất lượng, hiệu quả.

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương, chặng đường 10 năm triển khai Nghị quyết số 29-NQ/TW đã đem lại những chuyển biến rõ nét về giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển và kỳ vọng ngày càng cao của nhân dân, ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố vẫn đứng trước nhiều thách thức. Xác định phát triển đội ngũ nhà giáo là giải pháp trọng tâm, thành phố đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách đãi ngộ như cấp kinh phí cho cán bộ, giáo viên đi học sau đại học; đưa giáo viên đi bồi dưỡng, nâng cao phương pháp giảng dạy ở nước ngoài... Để tiếp tục tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo, Hà Nội đề nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu, xem xét tham mưu Chính phủ quan tâm, tạo điều kiện để thực hiện được chính sách về lương cho nhà giáo, góp phần giúp các nhà giáo yên tâm cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp giáo dục.

Nguyễn Cúc (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/giao-duc/ha-noi-chinh-phuc-thach-thuc-tren-hanh-trinh-doi-moi-giao-duc-dao-tao-20240214103712982.htm