Hà Nam: Đề thi học sinh giỏi bàn về những 'giá trị bền vững'

Phần đề làm văn yêu cầu thí sinh bàn về câu nói của nhà văn Nguyễn Khải nhận được nhiều sự yêu thích của học sinh và giáo viên.

Tỉnh Hà Nam vừa tổ chức kì thi chọn học sinh giỏi lớp 12 cấp tỉnh, trong đó có môn Ngữ văn. Điểm nhấn của đề nằm ở câu nghị luận văn học (câu 1), đó là yêu cầu thí sinh bàn về câu nói của nhà văn Nguyễn khải: "Để sống được hàng ngày tất nhiên phải nhờ vào những 'giá trị tức thời'. Nhưng sống cho có phẩm hạnh, có cốt cách nhất định phải dựa vào những 'giá trị bền vững'".

Cùng với đó, câu nghị luận văn học (câu 2) cũng khá quen thuộc, có tính phân hóa, giúp chọn được những học sinh giỏi văn.

Cụ thể, đề yêu cầu thí sinh làm rõ ý kiến: "Hình tượng nghệ thuật không chỉ khơi dậy sự đồng cảm mà còn có khả năng cuốn hút ta vào những cuộc đối thoại: đối thoại giữa các nhân vật trong truyện, đối thoại với tác giả và đối thoại với chính bản thân mình" qua một số tác phẩm văn học". (Giáo trình lí luận văn học).

Hai giá trị có sự thống nhất với nhau

"Giá trị tức thời": Là những giá trị vật chất và tinh thần chưa trải qua thử thách, sàng lọc của thời gian, có ý nghĩa trong thời điểm hiện tại, thỏa mãn những nhu cầu cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Đây là những giá trị rất cần thiết vì thiếu nó con người không thể tồn tại.

"Giá trị bền vững": Chỉ những giá trị tinh thần đã trải qua thử thách, sàng lọc của thời gian, có ý nghĩa lâu bền, trở thành nền tảng văn hóa, đạo lí của dân tộc và nhân loại như: tinh thần yêu nước, lòng nhân ái, tình cảm tri ân, sự ngay thẳng trong sạch, thẩm mỹ tinh tế… Đây là những giá trị quan trọng giúp con người sống có phẩm hạnh, cốt cách.

Mối quan hệ giữa hai giá trị: "Giá trị tức thời" và "giá trị bền vững" vừa đối lập vừa thống nhất. Con người cần có những giá trị tức thời để duy trì cuộc sống, cũng rất cần những giá trị bền vững để sống có ý nghĩa.

Khái niệm sống tích cực như những đóa hoa tô điểm cho cuộc sống có ý nghĩa giáo dục cốt cách con người.

Con người phải vươn tới những giá trị tốt đẹp

Muốn tồn tại con người cần phải tạo ra và nhờ vào những giá trị tức thời. Tuy nhiên nếu quá coi trọng những giá trị đó, con người sẽ bị chi phối bởi lối sống thực dụng, coi trọng vật chất, chỉ nhìn thấy những lợi ích trước mắt.

Để cuộc sống thật sự có ý nghĩa, con người nhất định phải vươn tới những giá trị tinh thần tốt đẹp. Tuy nhiên, cốt cách, phẩm giá con người không thể có tức thời trong ngày một ngày hai, mà đó là kết quả của quá trình học tập, rèn luyện, bồi đắp lâu dài về tâm hồn, trí tuệ, hành động. Đó cũng là cách để con người có một cuộc sống bền vững, không chỉ giới hạn trong thời gian đời người mà còn trong sự ghi nhận lâu dài của cộng đồng.

Những giá trị tức thời, nếu có ý nghĩa tích cực, được xã hội đón nhận, gìn giữ, lưu truyền sẽ trở thành những giá trị bền vững. Trong khi đó, có những giá trị đã được hình thành từ lâu, qua thực tiễn không còn phù hợp, trở nên lạc hậu, lỗi thời sẽ bị đào thải.

Bài học: Nhận thức được vai trò, ý nghĩa của mỗi giá trị. Hình thành kĩ năng sống, biết tiếp nhận hợp lí trước các giá trị của cuộc sống. Phải có bản lĩnh để sống có phẩm giá, cốt cách dựa theo nền tảng những giá trị bền vững về văn hóa, đạo lí của dân tộc và nhân loại.

Mức độ tác động của hình tượng nghệ thuật

Hình tượng nghệ thuật có hai mức tác động: (1) Gợi sự đồng cảm, tức là nhà văn thuyết phục người đọc tin vào, nhập thân vào những điều mình nói; (2) cuốn hút ta vào những cuộc đối thoại, tức là tạo ra những tranh luận, những chất vấn trong người đọc để người đọc tự tìm ra câu trả lời cho chính mình. Từ đó, hình tượng nghệ thuật là tấm gương để con người tự soi mình, tự đối chiếu và phán xét về người khác cũng như về chính bản thân mình. Bằng cách đó văn học nâng đỡ cho nhân cách phát triển, khơi gợi khả năng tự giáo dục, tự hoàn thiện của con người.

Phân biệt những cấp độ đối thoại: Đối thoại với nhân vật là khi ta đồng tình hay phẫn nộ, phản bác lại... trước hành động, lời nói của nhân vật. Đối thoại với tác giả là ta suy ngẫm về những vấn đề mà tác giả đặt ra trong tác phẩm, nhận ra những nét sáng tạo của tác giả trong một hệ thống các tác phẩm cùng đề tài, chủ đề, tranh luận và có kiến giải riêng của mình về vấn đề ấy.

Đối thoại với chính mình là khi ta không thể thờ ơ trước cuộc đời khi ta đọc một tác phẩm, tiếp xúc với một tác phẩm khiến trong lòng ta diễn ra cuộc đấu tranh, sự vật lộn gay gắt giữa phần thánh thiện và tội lỗi, giữa lí trí cao cả và dục vọng thấp hèn, buộc ta phải đối diện với con người sâu thẳm trong chính mình – những mặt sai trái.

Ly Hương

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/ha-nam-de-thi-hoc-sinh-gioi-ban-ve-nhung-gia-tri-ben-vung-179230225172054451.htm