'Hạ Long giữa đại ngàn Đông Bắc'

Nằm ở phía bắc của tỉnh Tuyên Quang, Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình với hệ sinh thái đa dạng, những dãy núi trùng điệp và đảo đá vôi nổi trên lòng hồ đã tạo nên khung cảnh kỳ vĩ, nên thơ và được ví như 'Hạ Long giữa đại ngàn Đông Bắc'. Với những tiềm năng, lợi thế sẵn có ấy, nơi đây được Tuyên Quang chú trọng phát triển như là một trong những sản phẩm du lịch đặc trưng, độc đáo của tỉnh.

Một góc Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình.

Kỳ vĩ và nên thơ

Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình có tổng diện tích 15.000ha, trong đó diện tích mặt nước là 8.000ha. Hồ thủy điện Na Hang - 1 trong 3 hồ thủy điện lớn nhất khu vực phía Bắc có dung tích chứa nước hơn 2 tỷ mét khối, sản lượng điện hàng năm đạt hơn 1.295 triệu KW. Đây cũng là nơi hội tụ của hai dòng sông Gâm và sông Năng, tạo nên tuyến đường thủy đặc biệt kéo dài hàng trăm ki lô mét, nối các huyện Na Hang và Lâm Bình cùng nhiều khu vực khác của Tuyên Quang với các tỉnh lân cận như Hà Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng... Tuyến du lịch đường thủy này có thể kéo dài hơn 3 giờ, đưa du khách lướt qua các danh thắng nổi tiếng như núi Pác Tạ, cọc Vài Phạ, vách đá Nàng tiên - Chú khách hay 99 ngọn núi trùng điệp với nhiều sự tích thú vị cùng những khu rừng nguyên sinh trải dọc theo hai triền sông, tạo nên cảnh sắc thơ mộng, kỳ thú. Ngoài ra, du khách còn được viếng thăm đền Pác Tạ, chùa Phúc Lâm, đền Pác Vãng nổi tiếng linh thiêng; trải nghiệm trekking xuyên rừng nguyên sinh đến với động Song Long - nơi có hàng trăm nghìn nhũ đá, vách ngăn muôn hình vạn trạng. Cuối hành trình, du khách có thể chọn thác Khuổi Nhi để nghỉ ngơi, thư giãn bằng trải nghiệm massage chân với cá hay tắm thác và thưởng thức các đặc sản địa phương như rượu ngô men lá, gà xào măng, thịt trâu gác bếp, xôi ngũ sắc...

Năm 2019, Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình được công nhận là Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt với diện tích bảo vệ hơn 40 nghìn hecta, trải dài trên địa bàn 14 xã, thị trấn thuộc hai huyện Na Hang và Lâm Bình. Nơi đây có hệ sinh thái đa dạng, gồm 1.200 loài thực vật bậc cao cùng nguồn gen thực vật phong phú; hệ động vật đa dạng, trong đó có loài voọc mũi hếch đã được ghi trong sách đỏ thế giới; hệ thống hang động kỳ thú được hình thành từ hàng triệu năm trước cùng nhiều di chỉ khảo cổ học như Di chỉ khảo cổ hang Phia Vài (Lâm Bình), Phia Muồn (Na Hang). Ngoài ra, đây còn là nơi giao thoa giữa các nền văn hóa của các dân tộc như Kinh, Dao, Tày, Mông, Pà Thẻn... Tới đây, du khách sẽ được hòa mình vào các lễ hội truyền thống như lễ hội Lồng Tồng của người Tày; lễ Cấp sắc, lễ Tơ hồng của người Dao hay lễ hội Nhảy lửa của người Pà Thẻn với sắc màu văn hóa bản địa độc đáo.

Hướng tới di sản thiên nhiên thế giới

Đánh giá cao tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch tại Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình, bà Tạ Thị Tú Uyên, Phó Giám đốc Ban Sản phẩm dịch vụ (Công ty du lịch Vietravel) cho biết: “Tuyên Quang hiện không còn là “điểm dừng chân” như những năm trước mà đã trở thành một điểm đến hấp dẫn. Tuy nhiên, tỉnh cần nghiên cứu, xây dựng các sản phẩm có chiều sâu, mang lại cảm xúc cho du khách bằng cách tăng cường liên kết tuyến, điểm với các tỉnh lân cận; gia tăng trải nghiệm cho du khách khi đi tàu trên lòng hồ thủy điện Na Hang; khuyến khích du khách chi tiêu thông qua các hoạt động giải trí hay dịch vụ lưu trú, nghỉ dưỡng với hệ thống homestay, bungalow đạt chuẩn. Ngoài ra, để có sản phẩm đặc thù, Tuyên Quang cần xâu chuỗi các hoạt động văn hóa đặc sắc cùng các phong tục, tập quán để tạo cảm xúc và ấn tượng lâu dài cho du khách”.

Gợi ý để Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình phát triển một cách bài bản, chuyên nghiệp hơn, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Chào Thế Giới Nguyễn Thị Huyền Trang cho rằng, tỉnh cần tập trung cải tạo cơ sở hạ tầng nhằm bảo đảm an toàn cho du khách tại các điểm đến, kiểm soát chặt chẽ dịch vụ tàu thuyền trên lòng hồ. “Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ tại các nhà hàng, homestay, lực lượng hướng dẫn viên để du khách nhớ mãi về vùng đất, văn hóa và con người Tuyên Quang” - bà Trang chia sẻ.

Theo ông Đỗ Trung Kiên, Giám đốc Ban quản lý các khu du lịch Tuyên Quang, tỉnh đã và đang triển khai các kế hoạch, đề án nhằm phát triển Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình theo định hướng phát triển du lịch cộng đồng “xanh” và bền vững. Theo đó, người dân là chủ thể trong việc bảo vệ cảnh quan, môi trường tự nhiên cũng như bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa bản địa, từng bước thích ứng và tiệm cận với việc phát triển du lịch bền vững, có trách nhiệm. “Chúng tôi thường xuyên mở các lớp đào tạo, tập huấn trên nhiều lĩnh vực để bà con nâng cao nhận thức về phát triển du lịch. Để phát huy những giá trị, tiềm năng của “Hạ Long giữa đại ngàn Đông Bắc” này, Tuyên Quang đã phối hợp với tỉnh Bắc Kạn để xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận Khu di sản thiên nhiên Ba Bể - Na Hang là Di sản thiên nhiên thế giới” - ông Kiên nói.

P.V (theo HNM)

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/du-lich/195969/%E2%80%9Cha-long-giua-dai-ngan-dong-bac%E2%80%9D