Hà Giang theo đuổi mục tiêu trở thành vùng trọng điểm Quốc gia về dược liệu

Tỉnh Hà Giang có tới 1.560 loài dược liệu, chiếm gần 40% số loài dược liệu hiện có ở Việt Nam. Trong đó có 51 loài cây có nguy cơ bị đe dọa và 97 loài trong diện bảo tồn cấp Quốc gia.

Tại các xã vùng cao, vùng sâu, vùng biên giới của tỉnh Hà Giang như: Lao Chải, Xín Chải (huyện Vị Xuyên); Tả Ván, Tùng Vài, Thái An (huyện Quản Bạ); Pờ Ly Ngài, Tả Sử Choóng, Ðản Ván (huyện Hoàng Su Phì)…, ở đâu cũng có thể bắt gặp các loại cây thuốc quý hiếm như: thảo quả, hương thảo, giảo cổ lam, đỗ trọng, đương quy, thiên niên kiện, lan kim tuyến, ba kích tím, hà thủ ô đỏ, thất diệp nhất chi mai…

Từ nguồn nguyên liệu tự nhiên sẵn có khai thác trên diện tích 380.000 ha đất có rừng, nhiều đời nay, đồng bào dân tộc ở Hà Giang đã lưu truyền được nhiều cây thuốc, bài thuốc dân gian quý hiếm.

Người dân tự trồng, chăm sóc cây dược liệu giúp bảo tồn thiên nhiên và giúp nâng cao kinh tế.

Nhờ địa hình đặc biệt cùng thiên nhiên ưu đãi, tỉnh Hà Giang có tới 1.560 loài, 824 chi, 202 họ dược liệu, chiếm gần 40% số loài dược liệu hiện có ở Việt Nam. Trong đó có 51 loài cây thuốc quý hiếm có nguy cơ bị đe dọa trong sách đỏ Việt Nam. 97 loài nằm trong diện bảo tồn cấp Quốc gia.

Tỉnh Hà Giang xác định: “Tập trung đẩy mạnh phát triển trồng cây dược liệu, phấn đấu xây dựng Hà Giang trở thành tỉnh trọng điểm Quốc gia về cây dược liệu”. Trong đó, phát triển dược liệu gắn với giảm nghèo bền vững được xác định là một trong những nội dung trọng tâm nhằm phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.

UBND tỉnh Hà Giang đã triển khai 6 đề tài khoa học nghiên cứu đặc tính sinh trưởng, khả năng phát triển và dược tính của một số cây dược liệu như: xạ đen, giảo cổ lam, ấu tẩu, tỏi đen; 3 dự án thuộc chương trình nông thôn miền núi (Bộ Khoa học và Công nghệ) với tổng kinh phí trên 8 tỷ đồng.

Đồng thời triển khai chương trình bảo tồn 50 loài thuốc quý với diện tích 1.000 m2 tại Trung tâm Giống cây trồng và gia súc Phó Bảng (huyện Đồng Văn). Sản xuất giống dược liệu giảo cổ lam với số lượng 50.000 cây; chuyển giao kỹ thuật sản xuất giống giảo cổ lam 3 lá tại huyện Yên Minh và chuyển giao kỹ thuật sản xuất giống cây sa nhân tím cho Hợp tác xã Khuẩy My, xã Phương Độ (huyện Vị Xuyên); trồng mới cây phòng phong với diện tích 3ha; trồng 7ha cây đương quy tại huyện Đồng Văn…

Hướng tới mục tiêu phát triển dược liệu bền vững, tỉnh Hà Giang tiếp tục ban hành một số chính sách hỗ trợ và thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào lĩnh vực sản xuất và chế biến, tiêu thụ dược liệu.

Đến nay, tỉnh Hà Giang đã ký kết với hơn 20 doanh nghiệp dược liệu lớn trong nước; hỗ trợ nhiều mô hình khởi nghiệp từ cây dược liệu của thanh niên Hà Giang. Trong 3 năm vừa qua, có rất nhiều sản phẩm dược liệu của tỉnh Hà Giang đạt 3, 4 sao trong Chương trình OCOP…

Song song với đó, Hà Giang rất tích cực triển khai hỗ trợ chuỗi dự án liên kết trồng, chế biến, thương mại hóa các sản phẩm giá trị cao từ dược liệu và nông sản đối với các công ty dược liệu của tỉnh và các địa phương khác.

Bảo Tồn Và Phát Triển Cây Dược Liệu Ở Vùng Núi Quảng Ngãi | SKĐS

Thành Long

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/ha-giang-theo-duoi-muc-tieu-tro-thanh-vung-trong-diem-quoc-gia-ve-duoc-lieu-16923091508495707.htm