Hạ chuẩn tuyển sinh ngành sư phạm vì ai và hại như thế nào?

Chỉ trừ khoảng 2 trường Đại học Sư phạm, còn các trường Đại học Sư phạm, Đại học có đào tạo ngành sư phạm , Cao đẳng Sư phạm đang hạ chuẩn hết cỡ để tuyển sinh.

Dư luận xã hội rất nhiều phản ứng trước việc này. Tại sao lại phải hạ chuẩn đến thế?

TS. Lê Thống Nhất đã có bài viết về những nguyên nhân dẫn đến học sinh giỏi không chọn ngành sư phạm, từ đó dẫn đến việc hạ chuẩn tuyển sinh ngành này. Nhưng có còn nguyên nhân nào khác để phải hạ chuẩn tuyển sinh không?

Nhìn lại bức tranh điểm chuẩn tuyển sinh ngành sư phạm

Hình minh họa.

Có thể kể đến một số trường hợp cụ thể như Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh đưa ra mức điểm chuẩn 9 điểm, tức là chỉ cần trung bình 3 điểm/môn, theo kết quả thi THPT quốc gia với các ngành sư phạm Toán, sư phạm Sinh, sư phạm Ngữ văn. Cao đẳng Sư phạm Lào Cai lấy điểm trúng tuyển hệ chính quy là 9,5 điểm. Cao đẳng Sư phạm Hà Nam, Hải Dương có điểm chuẩn của tất cả ngành học là 10.

Không chỉ riêng bậc cao đẳng, ở đại học, không hiếm trường sư phạm lấy điểm trúng tuyển ngang điểm sàn của Bộ GD - ĐT. Đại học Hà Tĩnh lấy điểm chuẩn 15,5 cho tất cả ngành học, trừ sư phạm Mầm non. Đại học Sư phạm Thái Nguyên lấy điểm chuẩn nhiều ngành như sư phạm Toán học, Tin học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Âm nhạc là 15,5. Đây cũng là điểm chuẩn vào nhiều nhóm ngành của Đại học Vinh, Đại học Huế và Đại học Tây Nguyên...

(Báo Lao động - 8/8/2017).

Phải chăng hạ chuẩn để cứu các trường có ngành đào tạo giáo viên?

Ai cũng biết với điểm "đầu vào" thấp như vậy thì không có phép "thần thông" nào có thể đào tạo để có "đầu ra" chất lượng. Bởi ông cha ta từng nói: "Có bột mới gột nên hồ".

Chưa nói đến việc hàng loạt các trường Trung cấp được sát nhập với trường Cao đẳng địa phương và đã trở thành trường Đại học địa phương. Chủ trương "Đại học hoá" các trường Cao đẳng Sư phạm ở địa phương làm bản đồ đào tạo cử nhân giáo viên khá trù mật các điểm đào tạo.

Chúng ta cứ cho là chủ trương ấy là đúng theo như cầu của địa phương và quy hoạch mạng lưới đào tạo của Bộ GD-ĐT. Nhưng các trường cũng phải xem là chuẩn tuyển sinh ở mức nào thì mới đào tạo được để đưa ra xã hội những thầy cô có thể dạy được.

Như vậy, hạ chuẩn đến mức thấp để cố gắng tuyển sinh chỉ là mang lại lợi ích cho chính đơn vị đào tạo mà hy sinh chất lượng đầu ra. Liệu các trường có dám siết chặt đầu ra, kể cả bằng 0 khi thấy các sinh viên của mình không đủ trình độ theo chuẩn giáo viên mà Bộ GD-ĐT đã quy định không?

Nếu mạnh dạn không hạ chuẩn, không chấp nhận "đầu vào kém chất lượng" thì các trường sẽ chỉ làm công tác bồi dưỡng giáo viên mà thôi, gây lãng phí về cơ sở vật chất, ảnh hưởng tới công ăn việc làm của giảng viên nhà trường.

Chính các nhà trường sẽ khó đưa ra được quyết định đúng khi tìm mọi cách để tồn tại. Bộ GD-ĐT và UBND các tỉnh mới là đơn vị quyết định nổi việc này.

Bài toán rất khó nhưng không phải không có lời giải.

"Đầu vào" kém, "đầu ra" yếu thì hại như thế nào?

Câu trả lời thật dễ dàng: Hại nhiều thế hệ học sinh trong tương lai. Trước đây khi ngành Sư phạm chưa lâm vào cảnh tuyển sinh phải hạ thấp điểm chuẩn như bây giờ thì từ thực tế giảng dạy tại khoa Toán, Đại học Vinh tôi đã thấy: nhiều sinh viên rất vất vả khi giải các bài tập trong sách giáo khoa (đấy là nói đến việc tự giải, chứ không nói đọc lời giải để hiểu).

Xin lẩy mấy câu thơ về chuyện này:

THƯƠNG CON TRẺ

Trường, trường đào tạo giáo viên
Hạ chuẩn Đại học sát bên điểm sàn
Cao đẳng vớt tận tro tàn
Ba môn chín điểm đàng hoàng vào đây
Mai kia ra vẫn cô, thầy
Nhìn thương con trẻ thơ ngây đứng chào!

Bây giờ thi toán trắc nghiệm mà thí sinh chỉ có 3 điểm thì đủ hiểu là sức học và kiến thức kém đến đâu. Không những thế, còn yếu đều cả 3 môn để tổng 3 môn chỉ là 9 điểm hay 10 điểm thì là yếu toàn diện về kiến thức rồi!

Chúng ta đang xây dựng Chương trình phổ thông mới mà sự thành bại nằm ở chất lượng đội ngũ giáo viên. Điều này, Thủ tướng cũng mới khẳng định.

Vậy với đội ngũ giáo viên được đào tạo theo kiểu hạ chuẩn để cố "vét" như hiện nay, liệu Chương trình phổ thông mới có thành công hay không?

Một hậu quả chắc chắn xảy ra là số sinh viên này ra trường sẽ làm tăng con số thất nghiệp mà theo dự báo tới năm 2020 sẽ khoảng hơn 71.000 người.

Vừa hại học sinh tương lai, gây tác động xấu đến phụ huynh, vừa làm tăng số sinh viên bị thất nghiệp khi ra trường, vừa dễ làm hỏng Chương trình phổ thông mới mà chúng ta đang dồn lực để thực hiện. Những điều này chắc cũng đủ để Bộ GD-ĐT, thậm chí Chính phủ cần có biện pháp kịp thời chấn chỉnh gấp việc tuyển sinh này!

Theo như ý kiến của Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thị Kim Phụng phát biểu với phóng viên báo Lao động thì bà cũng "khá lo lắng về điều này", nhưng cần sự chung tay của nhiều người để giải quyết (?).

Mong các chuyên gia giáo dục đang trợ giúp cho ngành giáo dục cần có những nghiên cứu kĩ và cố vấn ra giải pháp kịp thời.

Hy vọng bài toán khó sẽ có lời giải không phải với thời gian tuỳ ý.

TS. Lê Thống Nhất/Bigschool.vn

Nguồn GĐ&PL: http://giadinhphapluat.vn/ha-chuan-tuyen-sinh-nganh-su-pham-vi-ai-va-hai-nhu-the-nao-p52744.html