Hạ chuẩn giáo viên, lo chất lượng giáo dục

Đã từng có lúc, ở Hải Dương chỉ cần đạt 10 điểm 3 môn thi là đỗ ngành sư phạm, nếu tiếp tục hạ chuẩn đào tạo thì chất lượng giáo dục sẽ ra sao?

Để thu hút giáo viên, cần chính sách đãi ngộ hợp lý hơn là giải pháp tình thế như hạ chuẩn đào tạo (ảnh minh họa)

Mấy năm trước nhiều người từng bất ngờ và khá lo lắng về chất lượng giáo viên khi điểm chuẩn tuyển sinh của trường cao đẳng sư phạm có năm chỉ 10 điểm cho 3 môn thi đầu vào. Bẵng đi vài năm, nỗi lo vơi đi vì theo quy định của Luật Giáo dục 2019, có hiệu lực từ tháng 7/2020, yêu cầu về chuẩn nghề nghiệp của giáo viên từ cấp tiểu học đến THPT là phải có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên thay vì chỉ cần tốt nghiệp trung cấp sư phạm đối với giáo viên tiểu học và tốt nghiệp cao đẳng sư phạm đối với giáo viên THCS như trước.

Vài năm trở lại đây, điểm chuẩn đầu vào ngành sư phạm đã tăng lên. Đại học Hải Dương trong 2 năm tuyển sinh khối ngành sư phạm (2022-2023) đều có điểm chuẩn hệ đại học quanh mốc 19 điểm. Trong cả nước, điểm chuẩn ngành sư phạm của nhiều trường đại học cũng tăng từng năm.

Nhưng chưa kịp hết lo, Hải Dương cũng như nhiều tỉnh trong cả nước lại phải đối mặt với tình trạng thiếu giáo viên kéo dài nhiều năm. Trong nhiều cuộc thi tuyển giáo viên của tỉnh gần đây, vẫn còn khá nhiều thí sinh bỏ thi, nhiều địa phương không tuyển đủ chỉ tiêu. Tình trạng thiếu giáo viên cục bộ làm Bộ Giáo dục và Đào tạo mới đây trong dự thảo tờ trình đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội đã đề xuất hạ tiêu chuẩn về đào tạo đối với giáo viên một số bộ môn từ trình độ cử nhân đại học xuống cử nhân cao đẳng.

Động thái này đặt ra câu hỏi, liệu có đến lúc quay trở về việc thi 10 điểm 3 môn vẫn đỗ ngành sư phạm như trước hay không và rằng hạ tiêu chuẩn có phải là cách hay để giải quyết vấn đề thiếu giáo viên không? Bao giờ mới thu hút được người tài cho ngành giáo dục?

Trước hết, phải nói rằng, khoảng cách trong chương trình đào tạo đại học hay cao đẳng sư phạm không phải vấn đề quá lớn và khó giải quyết. Thực tế, nhiều năm qua, giáo viên tiểu học, THCS có trình độ đào tạo trung cấp, cao đẳng đều có ý thức học lên đại học để nâng chuẩn và nâng lương. Trong một thời gian dài, thế hệ giáo viên tiểu học, THCS chưa có trình độ đào tạo đại học vẫn đáp ứng tốt yêu cầu công việc. Vấn đề cần quan tâm là chuẩn đầu vào ngành sư phạm. Nếu nghề dạy học không đủ hấp dẫn sẽ khó tuyển sinh viên khá, giỏi, khi đó, dù có bằng đại học, chưa chắc chất lượng dạy học của giáo viên đã tốt khi kiến thức nền tảng có vấn đề từ khi học phổ thông.

Tình trạng thiếu giáo viên ở nhiều bộ môn hiện nay xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó cơ bản nhất vẫn là câu chuyện thu nhập, đãi ngộ đối với giáo viên còn thấp trong khi áp lực công việc cao. Còn hiện tượng tiêu cực trong tuyển dụng giáo viên. Một nguyên nhân nữa là từ cơ chế, chính sách của ngành giáo dục, như việc giáo viên phải dạy học liên môn trong khi đào tạo chuyên ngành lại là các môn đơn lẻ.

Đầu năm 2024, khi tỉnh Hải Dương thực hiện chủ trương hỗ trợ giáo viên các cơ sở giáo dục công lập thu nhập thấp từ 700.000 - 1 triệu đồng/người/tháng ngoài lương, nhiều thầy cô phấn khởi, song cũng có không ít người chia sẻ những câu chuyện buồn rơi nước mắt về đời sống nhiều giáo viên những năm qua. Nói vậy để thấy, muốn hút người, nhất là người tài, người có năng lực vào ngành giáo dục, điều quan trọng vẫn là có chính sách đãi ngộ phù hợp, chính sách tuyển dụng khoa học, minh bạch. Hạ chuẩn giáo viên để tìm người không phải là giải pháp hay đối với chất lượng giáo dục.

HOÀI ANH

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/ha-chuan-giao-vien-lo-chat-luong-giao-duc-376888.html