Gương sáng bảo vệ biên giới

BHG - Những năm qua, trên địa bàn huyện biên giới Hoàng Su Phì xuất hiện nhiều tấm gương người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là những nhân tố quan trọng góp phần tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đảm bảo an ninh trật tự khu vực biên giới. Trong đó có ông Vàng Chỉn Tờ, người có uy tín thôn biên giới Giáp Trung, xã Thàng Tín.

Ông Vàng Chỉn Tờ (thứ hai từ trái sang) chia sẻ với chính quyền địa phương về việc giữ gìn cột mốc biên giới.

Ông Vàng Chỉn Tờ nguyên là cán bộ xã đã nghỉ hưu, được sự tín nhiệm của người dân, ông được bầu giữ chức vụ Bí thư Chi bộ, Trưởng ban công tác mặt trận thôn Giáp Trung. Ông Tờ tâm sự: “Từ ngày nghỉ hưu công việc gia đình nặng nề hơn khi còn làm cán bộ xã, nhà có hai vợ chồng già và hai vợ chồng trẻ trồng cấy trên 1,5 ha ruộng nương, hơn 2 ha rừng được giao khoán bảo vệ, 5 con trâu, 4 con bò, chưa kể lợn, gà, ngan, vịt, ngày nào cũng phải chăn thả”.

Trung tá Nguyễn Văn Đại, cán bộ Đồn Biên phòng Thàng Tín tăng cường làm Phó Bí thư Đảng ủy xã Thàng Tín cho biết: Nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia theo tinh thần của Chỉ thị 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Đồn Biên phòng Thàng Tín đã tổ chức phong trào cho các tập thể, hộ gia đình và cá nhân đăng ký tham gia tự quản bảo vệ cột mốc. Gia đình bác Tờ hăng hái nhận quản lý hai cột mốc 224 (2) và 225, công việc quen thuộc mỗi lần lên mốc của bác Tờ là kiểm tra hiện trạng, lau chùi bốn mặt cột mốc cho sạch sẽ. Nếu phát hiện vấn đề gì phát sinh trên biên giới, bác sẽ báo tin cho xã, Đồn Biên phòng để xử lý.

Mặc dù đã ngoài 70 tuổi, nhưng ông Tờ vẫn miệt mài, nhiệt tình, trách nhiệm với công việc của thôn, bảo vệ các mốc biên giới và chăm lo phát triển kinh tế gia đình. Bởi ông tâm niệm: Khi cột mốc còn đứng yên trên đỉnh núi Cổng Trời thì bản làng, các gia đình đang sống ở đây sẽ mãi bình yên. Vì thế, mình phải chung tay gìn giữ, bảo vệ để cột mốc mãi vững bền theo thời gian. Đối với việc chăm sóc, bảo vệ rừng phải coi đó như tài sản của mình, bảo vệ rừng là bảo vệ cho chính lợi ích của mình, gia đình, cộng đồng. Còn đối với việc chăn nuôi trâu, bò, trồng trọt, phát triển kinh tế để thoát nghèo, trở thành hộ khá của thôn, đó chính là cuộc sống của mình, không chịu khó thì không thể trở thành hộ khá giả được. Ngoài ra còn phải tích cực vận động bà con trong thôn xóa bỏ các hủ tục, không vi phạm pháp luật, chung tay giữ gìn an ninh trật tự khu vực biên giới.

Trên 15 năm làm Bí thư Chi bộ thôn Giáp Trung cũng bằng ấy năm ông Tờ tự nguyện gắn bó với 2 cột mốc. Ghi nhận nỗ lực đó, ông Tờ nhiều lần được các cấp khen thưởng vì có thành tích trong bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia và trong học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Tám lời Bác Hồ căn dặn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang. Ông Tờ xứng đáng là tấm gương để người dân thôn biên giới Giáp Trung nói riêng và xã Thàng Tín học tập, noi theo.

Bài, ảnh: Thanh Hưởng

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/an-ninh-quoc-phong/202210/guong-sang-bao-ve-bien-gioi-6161093/