Gương mặt trẻ làm rạng danh thể thao Quân đội

'Bao lâu rồi em chưa về thăm bố mẹ?', câu hỏi bất ngờ của tôi khiến Trung úy QNCN Trần Hưng Nguyên (Trung tâm Thể dục thể thao Quốc phòng 5, Quân chủng Hải quân) có chút bối rối. Ánh mắt thoáng buồn, chàng trai trẻ đáp: 'Thú thực em cũng không nhớ rõ nữa'.

11 năm gắn với guồng quay tập luyện-tập huấn-thi đấu thể thao, Nguyên thèm lắm bữa cơm gia đình. Nhiều lúc khóc vì nhớ nhà nhưng Nguyên nhanh chóng trấn tĩnh và tự nhủ: Là một quân nhân thì nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua. Dịp Tết Nguyên đán 2024, Nguyên cùng đội tuyển bơi Việt Nam tham gia tập huấn ở Hungary, thi đấu giải bơi vô địch thế giới tại Qatar và giải bơi các nhóm tuổi châu Á tại Philippines.

10 tuổi tự quyết tương lai

Khi được bầu chọn là một trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quân năm 2023, Trần Hưng Nguyên đang cùng đồng đội tranh tài tại Giải bơi các nhóm tuổi châu Á năm 2024. Trở về từ Philippines với thành tích giành 3 huy chương vàng, 4 huy chương bạc và 2 huy chương đồng, Trần Hưng Nguyên lại bước vào guồng quay tập luyện mới ở đội tuyển bơi Việt Nam.

Bao tình cảm với quê hương, nỗi nhớ bố mẹ được Nguyên biến thành động lực phấn đấu. Mỗi ngày, Nguyên ở dưới nước từ 4 đến 6 tiếng đồng hồ, luyện các kỹ năng từ bơi hỗn hợp, tự do đến bơi ngửa. Bề ngoài có vẻ nhút nhát, nhưng khi xuống bể bơi, Nguyên mạnh mẽ, dứt khoát, như cá gặp nước.

Trần Hưng Nguyên giới thiệu những tấm huy chương mà mình giành được tại Giải bơi các nhóm tuổi châu Á năm 2024. Ảnh: NHẬT LỆ

Để trở thành tuyển thủ bơi hàng đầu Việt Nam, Trần Hưng Nguyên đã phải rất nỗ lực và kiên trì theo đuổi đam mê. Ngược về quá khứ, dù sinh đủ tháng, nhưng lúc mới chào đời, Nguyên chỉ nặng 1,7kg. Nhà có 3 chị em, Nguyên là út. Bố đi làm ăn xa, nên từ khi lên 5 tuổi, Nguyên lẽo đẽo theo mẹ (bà Phạm Thị Luyển) đi buôn ở chợ Cộn (phường Bắc Nghĩa, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình). Lên 10 tuổi, Nguyên biết bơi, nhưng thể hình có chút khác lạ khi người nhỏ mà bàn chân to, sải tay dài.

Một ngày tháng 8-2013, Trần Hưng Nguyên được người họ hàng xa là bà Quách Thị Dung phát hiện ra tài năng bơi. Bà Dung là mẹ của cựu tuyển thủ bơi lội Trương Ngọc Tuấn-tài năng một thời. Biết Nguyên có năng khiếu, bà Dung lập tức gọi cho con trai Trương Ngọc Tuấn, lúc đó là Phó giám đốc kiêm huấn luyện viên của Trung tâm Thể dục thể thao Quốc phòng 5, Quân chủng Hải quân, để giới thiệu. Ngày đó, Nguyên chưa biết kỹ thuật bơi, cũng chưa hình dung ra nghiệp thể thao sẽ khắc nghiệt và gian khổ thế nào. Lúc đó cậu chỉ suy nghĩ đơn giản, mình yêu thích môn bơi và muốn được tuyển chọn làm vận động viên để giảm bớt gánh nặng cho gia đình.

Chồng đi lao động ở nước ngoài, con gái đầu đi học xa, mẹ của Trần Hưng Nguyên khá rầu rĩ khi con trai út muốn vào Nam để theo nghiệp bơi lội. Thấy mẹ phản đối, Nguyên gọi điện cho bố và được đồng ý. Đêm hôm đó, Nguyên thủ thỉ với mẹ: “Con đi học bơi cho mẹ đỡ tội. Nhà mới cất, bố đi làm xa nên nợ nần nhiều. Con đi học bơi sẽ kiếm tiền biếu mẹ”. Sáng hôm sau, Nguyên đập con heo đất được mấy chục nghìn. Cậu chạy ù ra chợ mua ít bánh kẹo về làm tiệc ngọt chia tay mẹ. Hành động ngây ngô, có hiếu của Nguyên khiến mẹ bật cười và xuôi lòng.

Tài năng triển vọng của bơi Việt Nam

Vào TP Hồ Chí Minh được mấy ngày, Nguyên gọi điện cho mẹ và bật khóc thành tiếng vì nhớ nhà. Chị Luyển động viên con và dỗ dành: “Con nhớ mẹ thì về với mẹ đi”. Nguyên nhất quyết không về bởi cậu đã tìm được niềm vui với bơi lội. Không chỉ nhớ nhà, Nguyên còn có một nỗi sợ khác là bị mẹ bắt về.

Trần Hưng Nguyên mừng tấm huy chương vàng tại SEA Games 32. Ảnh: QUÝ LƯỢNG

Mấy tháng sau, bố của Nguyên trở về nước. Hai vợ chồng thu xếp thời gian vào thăm con. Dù đã sớm hình dung nghiệp thể thao vất vả, nhưng chị Luyển không nghĩ rằng cường độ vận động, tập luyện của con trai và các đồng đội lại vất vả đến thế. Nhìn tụi nhỏ bơi từ sáng đến chiều, ngâm mình dưới nước hàng giờ đồng đồ, bất giác người mẹ cảm thán: “Ui chao ơi! Chi mà khổ ri con”.

Cuộc đoàn tụ bất ngờ giữa Trần Hưng Nguyên và bố mẹ tại Trung tâm Thể dục thể thao Quốc phòng 5 giúp cậu bé 10 tuổi khi ấy càng quyết tâm học thành tài. Trong hai năm đầu, Nguyên không có nhiều thành tích, chỉ về hạng 5, hạng 6. Không nản lòng trước thất bại, Nguyên vẫn kiên trì tập luyện không ngừng. Sau bao ngày "mài sắt", rốt cuộc nỗ lực của Nguyên đã "thành kim" khi cậu được tuyển chọn vào đội tuyển bơi trẻ Việt Nam ở tuổi 13.

Sau khi đạt thành tích ấn tượng tại một số giải trẻ Đông Nam Á, Trần Hưng Nguyên bất ngờ có tên trong danh sách đội tuyển bơi Việt Nam tham dự Đại hội Thể thao Đông Nam Á 2019 (SEA Games 30). Khi ấy, Nguyên mới 16 tuổi và là một ẩn số thú vị. Tưởng là dự SEA Games chỉ để trau dồi kinh nghiệm, Nguyên bất ngờ giành 2 huy chương vàng, 2 huy chương đồng, phá 1 kỷ lục đại hội.

Sau cột mốc để đời, Nguyên chỉ kịp nhắn tin về gia đình thông báo: “Mẹ ơi! Con có huy chương vàng rồi!”. Từ đây, cái tên Trần Hưng Nguyên thường xuyên xuất hiện trên các bảng vàng thành tích của giải quốc gia, khu vực và trong các hội nghị biểu dương. Nhận được các khoản thưởng, Nguyên chẳng dám tiêu mà cố gắng dành dụm gửi về biếu bố mẹ.

Sau SEA Games 30, người hâm mộ và truyền thông gọi Trần Hưng Nguyên là “thần đồng” của bơi lội Việt Nam. Biết tin, Nguyên xua tay: “Em không dám nhận đâu. Em còn phải nỗ lực nhiều lắm”. Không ngủ quên trên chiến thắng, Trần Hưng Nguyên đoạt 4 huy chương vàng và phá 1 kỷ lục ở SEA Games 31 trên sân nhà. Một năm sau, ở SEA Games 32 năm 2023, Nguyên giành 3 huy chương vàng, 1 huy chương bạc, 1 huy chương đồng.

Chia sẻ bí quyết thành công, Nguyên bày tỏ: “Em cảm ơn các huấn luyện viên ở Trung tâm Thể dục thể thao Quốc phòng 5 đã dạy em những kỹ thuật cơ bản và uốn nắn em nên người. Môi trường Quân đội rèn giũa kỷ luật và giúp em có ý chí vươn lên mạnh mẽ”.

Có lần đến Trung tâm Thể dục thể thao Quốc phòng 5, tôi thấy những tài năng bơi lội ở đây xem Trần Hưng Nguyên như thần tượng để học hỏi và noi theo. Bản thân Nguyên cũng có thần tượng là Nguyễn Huy Hoàng. Hai anh em cùng quê Quảng Bình, luôn hỗ trợ và bảo ban nhau trong quá trình tập luyện, tập huấn và thi đấu.

Nhắc về cậu học trò cưng Trần Hưng Nguyên, huấn luyện viên Trương Ngọc Tuấn bày tỏ: “Nguyên là một chàng trai mạnh mẽ, bản lĩnh và kiên định với mục tiêu, lý tưởng của mình. Dù hiện tại Nguyên chủ yếu tập luyện trên đội tuyển quốc gia, nhưng hai thầy trò thường xuyên trao đổi về cuộc sống và chuyên môn”.

Ở tuổi 21, cuộc sống của Trần Hưng Nguyên chỉ gói gọn ở bể bơi, khu tập thể dành cho vận động viên và gần như không có thời gian giải trí. Ngoài giờ ăn uống, nghỉ ngơi, khoảng thời gian còn lại, Hưng Nguyên đều dành để tập luyện. Thậm chí, có những thời điểm tập tăng cường, bơi xong lên bờ Nguyên chỉ muốn xỉu vì quá mệt. Nhưng sau một đêm nghỉ ngơi, Nguyên lại lao vào tập luyện sung sức. Mục tiêu của Nguyên là sớm lấy lại phong độ và thể lực tốt nhất sau quãng thời gian bị chấn thương. Trong tương lai, Nguyên muốn chinh phục tấm vé tham dự Olympic. Giờ đây, ngoài điểm tựa gia đình, Nguyên đã có bạn gái để chia sẻ, dù số lần hai người gặp nhau đếm trên đầu ngón tay.

Vẻ ngoài ít nói, nhưng trong các hoạt động tập thể, Nguyên luôn năng nổ. Nhìn Nguyên hăng say tập luyện, sải tay mạnh mẽ rẽ nước, tôi nhớ tới lời nhận xét của ông Nguyễn Hoàng Vũ, huấn luyện viên trưởng đội tuyển bơi Việt Nam: “Nguyên rất chịu khó, giàu nghị lực và ít nói khi tập luyện. Đây là những tính cách rất phù hợp với môn bơi. Nguyên còn trẻ, tương lai sẽ còn tiến xa nếu tiếp tục rèn luyện không ngừng để cải thiện thành tích thi đấu và kiên định với mục tiêu của mình”.

Ngoài thành tích thi đấu ấn tượng, Trung úy QNCN Trần Hưng Nguyên vinh dự nhận các danh hiệu: Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2022), hạng Ba (năm 2019 và 2023); tốp 10 gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quân 2023; vận động viên trẻ tiêu biểu của năm tại Cúp Chiến thắng 2019 và 2022.

HOÀI PHƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-15/guong-mat-tre-lam-rang-danh-the-thao-quan-doi-768343