GS.TS TỪ THỊ LOAN: CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA VỀ VĂN HÓA - KỲ VỌNG ''CÚ HÍCH'' LỚN

Bày tỏ vui mừng khi Quốc hội yêu cầu trong năm 2024, Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2025 – 2035, GS.TS Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho biết, đây sẽ là sự hỗ trợ kịp thời và quan trọng, tạo ra cú hích để ngành văn hóa chuyển mình và đạt được những thành tựu khả quan.

GS.TS Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam

Nhìn lại những giai đoạn trước, nguồn vốn đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa các năm 2012 - 2015 và Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa giai đoạn 2016 - 2020 có tính chất “vốn mồi” đã đem lại hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch và nâng cao đời sống văn hóa của Nhân dân, nhất là tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo; thực sự là nguồn lực hỗ trợ, cứu sinh và phát triển của nhiều công trình, giá trị văn hóa. Sự gián đoạn của Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa trong những năm qua thực sự đã để lại nuối tiếc trong các chuyên gia, cán bộ trong ngành văn hóa.

Tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua, Quốc hội đã chính thức ban hành Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn, trong đó đã yêu cầu trong năm 2024, Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2025 - 2035.

Phóng viên: Bà đánh giá gì về vai trò của Quốc hội trong việc thúc đẩy xây dựng và hoàn thành Chương trình mục tiêu Quốc gia về văn hóa?

GS.TS Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam: Tôi nhận thấy, Quốc hội kỳ họp vừa qua đã thể hiện rất tốt vai trò quyền lực tối cao, đại biểu của nhân dân, đại diện cho tiếng nói, nguyện vọng của cử tri để thúc đẩy, ban hành những quyết sách lớn và quyết định các vấn đề trọng đại của đất nước.

Trong những năm gần đây, kinh tế nước ta đã đạt nhiều thành tựu khả quan, tuy nhiên sự phát triển của văn hóa chưa tương xứng như kỳ vọng. Thậm chí sự xuống cấp về đạo đức, suy thoái về lối sống, tha hóa về nhân cách có chiều hướng gia tăng. Chính vì thế, tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn rất mạnh vai trò, tầm quan trọng của văn hóa, sự cần thiết phải chấn hưng văn hóa nước nhà.

Trên cơ sở chỉ đạo của Tổng Bí thư cũng như căn cứ tình hình thực tiễn, kế thừa các Chương trình mục tiêu quốc gia đi trước, Quốc hội đã kịp thời ban hành các Nghị quyết số 572 và 68 giao Chính phủ xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa. Tại Hội thảo văn hóa năm 2022 về thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã kết luận về 9 nhóm chính sách và 7 nhiệm vụ cụ thể cần làm ngay, trong đó có nhiệm vụ sớm xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa.

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

Đến Kỳ họp thứ 6 vừa rồi, Quốc hội đã chính thức ban hành Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn, trong đó yêu cầu trong năm 2024, Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035. Đây là tin vui rất lớn cho ngành văn hóa nói riêng, cả nước nói chung.

Là người công tác lâu năm trong ngành văn hóa và trực tiếp thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa trước đây, tôi hiểu rất rõ giá trị, ý nghĩa, tầm quan trọng của Chương trình đối với những nhu cầu cấp thiết của ngành văn hóa trong bối cảnh đầu tư ngân sách thường xuyên cho ngành luôn eo hẹp, thiếu thốn, chậm trễ.

Phóng viên: Bà có kỳ vọng như thế nào đối với Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa lần này?

GS.TS Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam: Sau một thời gian bị gián đoạn, Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa hy vọng sẽ được nối lại và kéo dài trong 10 năm (2025 – 2035). Đó sẽ là sự hỗ trợ kịp thời và quan trọng giúp ngành văn hóa và các Bộ, ngành khác có thể hiện thực hóa những mục tiêu lớn đã đề ra trong Nghị quyết số 33 của Hội nghị Trung ương 9 khóa XI, văn kiện đại hội Đảng lần thứ XIII, Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030.

GS.TS Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam kỳ vọng Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 sẽ là sự hỗ trợ kịp thời và quan trọng, tạo ra cú hích giúp ngành văn hóa chuyển mình và đạt được những thành tựu khả quan

Là người từng tham gia tư vấn, tham mưu xây dựng một phần các văn bản này, tôi hiểu rất rõ những kỳ vọng mà Đảng và Nhà nước ta đặt vào các mục tiêu đó, và đấy cũng là nguyện vọng, mong cầu của toàn thể người dân Việt Nam về một nền văn hóa của dân tộc. Tuy nhiên, chúng ta đều biết đất nước ta còn nghèo, còn nhiều vấn đề cấp bách hơn phải giải quyết, cho nên dù các mục tiêu, quyết sách đưa ra rất chuẩn xác, toàn diện, cấp thiết, nhưng do không có kinh phí thực hiện, nên nhiều mục tiêu, kỳ vọng vẫn còn đang nằm trên giấy.

Chính vì vậy, việc xây dựng và ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn tới thể hiện sự quan tâm, chú trọng của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đối với sự phát triển văn hóa của đất nước. Tôi hy vọng, đó sẽ là một cú hích để ngành văn hóa chuyển mình và đạt được những thành tựu khả quan.

Phóng viên: Theo đại biểu nguyên tắc, mục tiêu và những vấn đề nào cần đạt được khi xây dựng và ban hành Chương trình?

GS.TS Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam: Tôi cho rằng, khi xây dựng và ban hành Chương trình, những nguyên tắc cơ bản cần tuân thủ là: 1) Xác định đúng và trúng những vấn đề cấp bách, then chốt, trọng điểm để ưu tiên đầu tư; 2) Đầu tư không phải theo giai đoạn, nhiệm kỳ mà thành quả đạt được phải được kế thừa, phát huy lâu dài; 3) Tránh tình trạng quan liêu, hình thức gây lãng phí tiền của, nguồn lực của nhân dân; 4) Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy, truyền thống và hiện đại, bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc với hội nhập quốc tế.

Khi xây dựng và ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, cần tuân thủ nguyên tắc giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy, truyền thống và hiện đại, bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc với hội nhập quốc tế

Mục tiêu chung của Chương trình phải là tạo nên bước chuyển thực sự trong phát triển văn hóa, xây dựng con người, khắc phục được những hạn chế, yếu kém, khuyết tật của nền văn hóa và con người Việt Nam, đạt các kết quả tương xứng với mức đầu tư và trình độ phát triển của nền kinh tế, thúc đẩy hội nhập quốc tế về văn hóa và phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam.

Những vấn đề cần ưu tiên là hỗ trợ phát triển công nghiệp văn hóa; bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành văn hóa; phát triển văn học nghệ thuật; thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong văn hóa nghệ thuật; ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa,... Bên cạnh đó là những vấn đề liên quan, giúp tạo nên hệ sinh thái đồng bộ để phát triển văn hóa, xây dựng con người như: hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; đầu tư cơ sở hạ tầng - vật chất; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học; hợp tác quốc tế về văn hóa, v.v...

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn bà!

Thu Phương

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=83911