Góp ý việc kiểm định chất lượng giáo dục đối với trường phổ thông nhiều cấp học

Nhằm góp phần xây dựng chính sách pháp luật sát thực tế hơn, tính khả thi, tính khoa học cao hơn, vừa qua, cán bộ quản lý, giáo viên ở Tây Ninh tích cực góp ý cho vấn đề kiểm định chất lượng giáo dục.

Năm 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành dự thảo (lần 2) sửa đổi một số điều “quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học, ban hành kèm theo Thông tư số 18/2018/TT-BGDĐT ngày 22.8.2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo”. Sau khi ban hành dự thảo lần 2, theo quy định, thời hạn góp ý kiến để sửa đổi đã hết nhưng vừa qua, Bộ GD&ĐT tiếp tục nhận ý kiến đóng góp từ cơ sở.

Học sinh Trường THCS thị trấn Dương Minh Châu (ảnh minh họa)

So với giai đoạn trước, kiểm định chất lượng giáo dục đối với cơ sở giáo dục hiện nay có những điều cần sửa đổi, điều chỉnh, vì trường phổ thông nhiều cấp học đã “tái xuất hiện” do chủ trương sáp nhập. Nhằm góp phần xây dựng chính sách pháp luật sát thực tế hơn, tính khả thi, tính khoa học cao hơn, vừa qua, cán bộ quản lý, giáo viên ở Tây Ninh tích cực góp ý cho vấn đề kiểm định chất lượng giáo dục.

Áp dụng cấp học cao hơn đối với trường nhiều cấp học

Cụ thể, đối với quy định về kiểm định chất lượng giáo dục, ngành Giáo dục Tây Ninh đề nghị cân nhắc nội dung “trường phổ thông có nhiều cấp học áp dụng quy định tiêu chuẩn đánh giá cấp học cao nhất của trường…”. Theo giải thích, quy định như trên áp dụng tiêu chuẩn đánh giá cấp học cao nhất cho trường phổ thông có nhiều cấp học là một sáng kiến có thể giúp thống nhất các tiêu chuẩn, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi và phù hợp với thực tế, cần xem xét một số vấn đề. Trước tiên, về khả năng thực hiện, liệu các trường (nhiều cấp học) có đủ nguồn lực, năng lực để áp dụng tiêu chuẩn cao nhất không? Việc này có gây áp lực quá lớn lên cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, đặc biệt là những trường ở vùng sâu, vùng xa. Mỗi cấp học có những đặc thù riêng biệt, việc áp dụng chung một bộ tiêu chuẩn có thể không phản ánh chính xác nhu cầu và điều kiện của từng cấp học. Do đó, Bộ GD&ĐT cần thu thập ý kiến từ các nhà quản lý giáo dục, giáo viên, phụ huynh và học sinh để đánh giá xem đề xuất này có được sự đồng thuận và hỗ trợ không.

Trong đó, nên tham khảo kinh nghiệm từ các trường đã thực hiện áp dụng tiêu chuẩn đánh giá cao để rút ra bài học và điều chỉnh cho phù hợp.

Đối với nội dung quy định “Kết quả học tập, rèn luyện của học sinh có chuyển biến tích cực trong 5 năm liên tiếp tính đến thời điểm đánh giá”, ngành Giáo dục Tây Ninh đề nghị cân nhắc, vì “kết quả học tập, rèn luyện của học sinh có chuyển biến tích cực trong 5 năm liên tiếp tính đến thời điểm đánh giá” mang tính định tính, chưa rõ ràng cụ thể, khó định lượng. Do vậy, nội dung này nên sửa lại là “kết quả học tập, rèn luyện của học sinh có chuyển biến, đạt bằng hoặc vượt hơn trước trong 5 năm liên tiếp tính đến thời điểm đánh giá”.

Về điều khoản chuyển tiếp, có hai nội dung cần xem xét. Thứ nhất, trường trung học đã hoàn thành báo cáo tự đánh giá và đăng ký đánh giá ngoài theo quy định tại Thông tư số 18/2018/TT-BGDĐT trước thời điểm (thông tư mới) có hiệu lực thi hành, được thực hiện các bước tiếp theo theo quy định tại Thông tư số 18/2018/TT-BGDĐT.

Đối với các dự án đầu tư xây dựng mới, cải tạo nâng cấp các công trình sự nghiệp của các cơ sở giáo dục được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định trước ngày 11.7.2020 đã được đưa vào sử dụng, được áp dụng đánh giá, công nhận theo tiêu chuẩn, định mức về: diện tích xây dựng, diện tích phòng học, phòng học bộ môn, số lượng phòng học bộ môn được áp dụng đánh giá, công nhận theo quy định, tiêu chuẩn có liên quan tại thời điểm dự án được phê duyệt. Thời gian chuyển tiếp để thực hiện theo quy định không quá 3 năm (36 tháng) kể từ ngày (thông tư mới) có hiệu lực. Để quy định sát thực tế, Bộ GD&ĐT có thể xem xét thêm việc “khuyến khích sự tham gia của phụ huynh, học sinh và cộng đồng trong quá trình kiểm định”.

Những nội dung góp ý nêu trên của ngành Giáo dục Tây Ninh đối với thông tư dự thảo được đánh giá là hợp lý, đáng cân nhắc. Một trong những vấn đề liên quan đến kiểm định chất lượng giáo dục hiện nay là sáp nhập trường học. Theo quy định hiện hành, giáo dục phổ thông có ba cấp học gồm tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông. Ba cấp học này hoàn toàn riêng biệt cả trong chuyên môn và quản lý. Nhưng, từ năm 2019, thực hiện chủ trương sắp xếp lại đơn vị sự nghiệp, nhiều trường học độc lập trước đây đã sáp nhập thành trường phổ thông nhiều cấp học (cụ thể là trường tiểu học và trung học cơ sở). Sự sáp nhập này, bên cạnh những mặt được, đang tồn tại một số vấn đề trong công tác quản lý và chuyên môn. Việc lấy tiêu chuẩn của cấp học cao hơn (trung học cơ sở) để áp dụng đánh giá cấp học thấp hơn (tiểu học) không phải không có bất cập, vì từ chuyên môn cho đến cơ sở vật chất, hai cấp học này có sự khác nhau.

Các bước thực hiện đăng ký đánh giá ngoài

Dự thảo quy định, trường trung học gửi công văn về việc hoàn thành báo cáo tự đánh giá kèm theo bản báo cáo tự đánh giá đã được chủ tịch hội đồng tự đánh giá (hiệu trưởng) phê duyệt qua thư điện tử cho cơ quan quản lý trực tiếp. Cơ quan quản lý trực tiếp cập nhật và công khai danh sách các trường trung học đã hoàn thành báo cáo tự đánh giá trên trang thông tin điện tử khi báo cáo tự đánh giá đã bảo đảm về thể thức, kỹ thuật trình bày và cấu trúc theo quy định.

Sau khi báo cáo tự đánh giá được cơ quan quản lý trực tiếp đăng trên trang thông tin điện tử của đơn vị ít nhất 20 ngày làm việc, trường trung học gửi công văn đăng ký đánh giá ngoài với một tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục được cấp phép hoạt động theo quy định.

Đoàn đánh giá ngoài có ít nhất là 5 thành viên do giám đốc tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục quyết định thành lập, bao gồm:

Trưởng đoàn là người đã hoặc đang là lãnh đạo trường trung học đồng cấp hoặc giữ các chức vụ khác tương đương hoặc cao hơn, am hiểu về kiểm định chất lượng giáo dục, có kinh nghiệm triển khai các hoạt động tự đánh giá, đánh giá ngoài, có thẻ kiểm định viên kiểm định chất lượng giáo dục.

Thư ký là người đã hoặc đang là lãnh đạo trường trung học đồng cấp hoặc giữ các chức vụ khác tương đương hoặc cao hơn, am hiểu về kiểm định chất lượng giáo dục, có thẻ kiểm định viên kiểm định chất lượng giáo dục.

Các thành viên còn lại là cán bộ quản lý, giáo viên từ cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, các trường trung học đồng cấp, có thẻ kiểm định viên kiểm định chất lượng giáo dục hoặc có chứng chỉ hoàn thành chương trình bồi dưỡng kiểm định viên theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Tiêu chuẩn của thành viên đoàn đánh giá ngoài: có tư cách, đạo đức tốt, trung thực và khách quan, có đủ sức khỏe bảo đảm thực hiện được các nhiệm vụ được phân công; có thời gian giảng dạy hoặc làm công tác quản lý giáo dục từ 10 năm trở lên. Thành viên đoàn đánh giá ngoài có văn bản cam kết với tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục về việc trước đây và hiện nay không làm việc tại trường trung học được đánh giá; không có người thân (bố, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột) là lãnh đạo hoặc giáo viên, nhân viên của trường trung học được đánh giá.

Trước khi thành lập đoàn đánh giá ngoài, tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục có trách nhiệm thông báo danh sách dự kiến đoàn đánh giá ngoài cho trường trung học. Sau thời hạn 10 ngày làm việc kể từ khi nhận được danh sách dự kiến, nếu trường trung học không có ý kiến, coi như đã đồng ý với danh sách dự kiến của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục; nếu trường trung học không đồng ý với danh sách dự kiến của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục thì phải có văn bản trả lời tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục và nêu rõ lý do.

Trong khoảng 15 năm qua, kiểm định chất lượng giáo dục nổi lên như một câu chuyện thời sự của ngành Giáo dục cả nước. Đối với các quốc gia phát triển, kiểm định chất lượng giáo dục là một thước đo quan trọng để đánh giá chất lượng, hiệu quả đào tạo. Tại Việt Nam, kiểm định chất lượng giáo dục, dù khởi động hơn 10 năm nay nhưng dẫu sao, cũng chỉ xem như những bước đi đầu tiên. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI nhấn mạnh phải “kiểm định chất lượng giáo dục, đào tạo ở tất cả các bậc học” để phù hợp với bối cảnh, tình hình mới của xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế về giáo dục. Kiểm định chất lượng giáo dục được xác định là giải pháp hữu hiệu giúp nâng cao chất lượng giáo dục, bằng cách liên tục cải thiện, đổi mới, tìm ra các giải pháp hiệu quả nhằm duy trì, bảo đảm và nâng cao chất lượng giáo dục.

Việt Đông

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/gop-y-viec-kiem-dinh-chat-luong-giao-duc-doi-voi-truong-pho-thong-nhieu-cap-hoc-a171411.html