Góp ý sửa Luật Tổ chức TAND: Ủng hộ việc bổ nhiệm luật sư, giảng viên làm thẩm phán

Đề xuất bổ sung đối tượng ngoài tòa án có thể tuyển chọn làm thẩm phán TAND Tối cao giúp hoạt động xét xử của tòa án có tính phản biện nội bộ, tăng chất lượng hoạt động xét xử của tòa án.

TAND Tối cao đang lấy ý kiến đối với dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi). Một trong những nội dung được nhiều người quan tâm đó là quy định về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm thẩm phán TAND Tối cao đối với người không công tác tại tòa án.

Nên ủng hộ

Việc quy định đối tượng công tác ngoài tòa án có thể được tuyển chọn bổ nhiệm làm thẩm phán TAND Tối cao không phải là vấn đề mới. Đây là nội dung từng được bàn luận và luật hóa khi sửa đổi Luật Tổ chức TAND vào năm 2014.

Theo đó, khoản 2 Điều 69 Luật Tổ chức TAND năm 2014 đã quy định: Người không công tác tại các tòa án nhưng giữ chức vụ quan trọng trong các cơ quan, tổ chức trung ương, am hiểu sâu sắc về chính trị, pháp luật, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, ngoại giao hoặc là những chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành về pháp luật, giữ chức vụ quan trọng trong các cơ quan, tổ chức và có uy tín cao trong xã hội, có năng lực xét xử những vụ án và giải quyết những việc khác thuộc thẩm quyền của TAND Tối cao theo quy định của luật tố tụng thì có thể được tuyển chọn, bổ nhiệm làm thẩm phán TAND Tối cao.

 Bổ nhiệm thẩm phán từ nguồn bên ngoài tòa án sẽ giúp hoạt động xét xử của tòa án có tính phản biện nội bộ. Ảnh minh họa: NGUYỆT NHI

Bổ nhiệm thẩm phán từ nguồn bên ngoài tòa án sẽ giúp hoạt động xét xử của tòa án có tính phản biện nội bộ. Ảnh minh họa: NGUYỆT NHI

Dự thảo sửa đổi có điểm mới là bổ sung đối tượng luật sư, giảng viên ĐH và làm rõ tổ chức mà các đối tượng ngoài tòa án có thể được tuyển chọn đang làm việc là tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.

Nếu xét kỹ, việc bổ sung luật sư, giảng viên ĐH không thực sự là bước đột phá so với Luật Tổ chức TAND năm 2014. Bởi lẽ Luật Tổ chức TAND năm 2014 đã ghi nhận khả năng bổ nhiệm những chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành về pháp luật và khái niệm này hoàn toàn có thể được hiểu bao gồm luật sư, giảng viên ĐH. Thực tế, khi áp dụng, TAND Tối cao đã có ý định tiến hành bổ nhiệm cá nhân đang là luật sư, đang là giảng viên ĐH về làm thẩm phán TAND Tối cao.

So với thế giới, ý tưởng bổ nhiệm luật sư, giảng viên ĐH làm thẩm phán không xa lạ. Rất nhiều hệ thống pháp luật đã bổ nhiệm người công tác ngoài tòa án về làm việc tòa án, nhất là giảng viên ĐH luật có uy tín.

Mặc dù không mới như nêu trên, tinh thần trong dự thảo về đối tượng công tác ngoài tòa án có thể trở thành thẩm phán TAND Tối cao (cụ thể, rõ ràng hơn) nên được ủng hộ. Cách thức bổ sung như vậy sẽ giúp hệ thống tòa án có được những cá nhân tốt, giúp hoạt động xét xử của tòa án có tính phản biện nội bộ được cải thiện, tức giúp tăng chất lượng hoạt động xét xử của tòa án.

Nên tiến tới mở rộng việc bổ nhiệm đối với người công tác ngoài tòa án cho cả tòa án cấp thấp hơn như cho TAND Cấp cao, TAND cấp tỉnh.

Cân nhắc mở rộng đối với tòa cấp dưới

Quan sát các quyết định của hội đồng thẩm phán của nước ta và các quyết định của hội đồng thẩm phán của một số nước trên thế giới được công bố, chúng ta có thể thấy chất lượng các quyết định giám đốc thẩm của nước ta chưa thực sự tốt, mang tính lối mòn rất cao. Vì vậy, việc cải thiện chất lượng các quyết định giám đốc thẩm của hội đồng thẩm phán là điều cần làm và việc này có thể được cải thiện bởi các nhân tố mới thông qua cơ chế bổ sung người công tác ngoài tòa án.

TAND Tối cao từng triển khai việc bổ nhiệm thẩm phán đối với người công tác ngoài tòa án nhưng quan sát kết quả từ việc bổ nhiệm này không cho phép khẳng định đó là một sự thành công và sự không thành công này thực chất là do yếu tố con người.

Vì vậy, khi tiến hành bổ nhiệm người công tác ngoài tòa án làm thẩm phán TAND Tối cao, cần quan tâm tới những cá nhân thực sự có chuyên môn cao, có uy tín và những yếu tố này không thực sự lệ thuộc vào vị trí trong bộ máy mà họ đã và đang làm.

Hiện nay luật và dự thảo mới tập trung vào việc bổ sung đối tượng công tác ngoài tòa án để bổ nhiệm làm thẩm phán TAND Tối cao. Kinh nghiệm nước ngoài cho thấy việc sử dụng nguồn ngoài tòa án như vậy còn được triển khai cả đối với thẩm phán cấp thấp hơn. Do đó, chúng ta cũng nên cân nhắc thêm về việc bổ nhiệm đối với người công tác ngoài tòa án cho cả tòa án cấp dưới như cho TAND Cấp cao, TAND cấp tỉnh.

Ngoài ra, việc bổ nhiệm người công tác ngoài tòa án là chuyển công tác của cá nhân liên quan từ nơi khác về tòa án, có sự thay đổi môi trường làm việc. Hiện nay, việc bổ nhiệm chưa thực sự hấp dẫn để thu hút những người có uy tín về với tòa án. Do đó, bên cạnh cải thiện cơ chế tuyển chọn, cấp có thẩm quyền cũng cần cân nhắc thêm về điều kiện làm việc sau khi bổ nhiệm để thu hút được những nhân tố tốt phục vụ cho ngành tòa án.

Giới hạn số lượng thẩm phán được bổ nhiệm

Bên cạnh đối tượng bổ nhiệm, dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) có thêm điểm mới nữa là giới hạn số lượng thẩm phán được bổ nhiệm từ đối tượng công tác ngoài tòa án.

Theo đó, số lượng thẩm phán TAND Tối cao được tuyển chọn, bổ nhiệm theo cơ chế tuyển người ngoài tòa án không vượt quá hai người. Tuy nhiên, dự thảo chưa quy định rõ việc giới hạn này so với từng lần bổ nhiệm hay ở cùng một thời điểm của TAND Tối cao. Vì vậy, cần cân nhắc lại nội dung trên.

GS-TS ĐỖ VĂN ĐẠI - Trường ĐH Luật TP.HCM

Nguồn PLO: https://plo.vn/gop-y-sua-luat-to-chuc-tand-ung-ho-viec-bo-nhiem-luat-su-giang-vien-lam-tham-phan-post753471.html